Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Viếng Thập Tam Lăng

Tạp Chí Giáo Dục

Với tổng diện tích hơn 40km2, Thập Tam lăng nằm ở ngoại ô Bắc Kinh (Trung Quốc) gồm 13 lăng mộ, là nơi an nghỉ của 13 vị vua nhà Minh cùng 23 hoàng hậu, một quý phi và 10 hoàng phi. 

Các công trình này được xây dựng liên tiếp trong hơn 200 năm (1409 – 1644), qua nhiều triều đại, từ thời Minh Thành Tổ Chu Đệ đến khi nhà Minh sụp đổ. Với đa phần kiến trúc còn nguyên vẹn, Thập Tam lăng là một kho báu to lớn về văn hóa, khảo cổ và du lịch, được UNESCO công nhận di sản thế giới vào năm 2003.
Hiện nay, để phục vụ công tác bảo tồn cũng như khai quật khảo cổ, Thập Tam lăng đóng cửa hầu hết các lăng. Du khách đến đây phần nhiều chỉ tham quan được Trường lăng – lăng lớn nhất và Định lăng – lăng duy nhất đã khai quật thành công phần địa cung (phần hầm mộ dưới lòng đất).
Đồ tùy táng trong Thập Tam lăng
Phía trước Trường lăng là một tòa cung điện nguy nga, tráng lệ, được dùng làm nơi tế lễ cho hoàng gia. Ai cũng trầm trồ khi biết cung điện được chống đỡ bởi 60 cây cột gỗ quý, mỗi cây cao 12m, đường kính 1m. Loại gỗ này chỉ mọc ở khu vực rừng núi Tứ Xuyên và Vân Nam. Nghe nói ngày xưa, chỉ riêng việc đưa được 60 cây gỗ này từ nơi sinh trưởng về đây, triều đình phải huy động 20.000 dân công làm việc cật lực trong suốt 3 – 4 năm. Mùa hè, người ta phải đợi lũ lên rồi thả gỗ xuôi dòng. Mùa đông, dọc đường chuyển gỗ, cứ cách một quãng, người ta lại đào một cái giếng, múc nước đổ lên mặt đường, đợi cho đóng thành băng trơn trượt rồi dùng sức người từ từ kéo gỗ.
Đằng sau cung điện là một tòa lầu nằm kề ngọn đồi nhỏ. Theo các nhà nghiên cứu, sâu bên dưới ngọn đồi đó vài chục mét có lẽ là phần mộ của Chu Đệ. Tuy nhiên,  sợ hậu thế phá vỡ sự yên tĩnh của lăng mộ, người xưa xây dựng mộ rất kiên cố và giấu kín bí mật đường vào mộ. Do đó, ở Trường lăng và 11 lăng khác (trừ Định lăng), hiện tại các nhà khoa học vẫn chưa tìm được cách nào vào trong mà không phá vỡ kết cấu lăng mộ.
Cổng vào Định lăng, người xưa quan niệm bước chân qua cổng này là chính
thức bước vào cõi âm
Có thể nói, Định lăng là điểm hấp dẫn nhất đối với du khách khi tham quan Thập Tam lăng bởi nó đã được khai quật hoàn toàn và cho phép du khách tham quan trọn vẹn phần địa cung. Định lăng là nơi yên nghỉ của Chu Dực Quân cùng hai hoàng hậu. Trước đó, các nhà khảo cổ Trung Quốc chọn Trường lăng làm mục tiêu khảo sát, khai quật nhưng không tài nào tìm được lối vào. Sau đó, họ chọn Định lăng (một lăng nhỏ nằm ngoài rìa) để nếu có thất bại cũng không làm hỏng cấu trúc Trường lăng – lăng lớn nhất và đẹp nhất. Công cuộc khai quật nhiều lúc tưởng đã lâm vào ngõ cụt. May mắn là trong khi đào bới, các nhà khảo cổ tìm được một tấm bia đá miêu tả kỹ càng về cách mở cửa Định lăng. Nhờ tấm bia đó, toàn bộ phần địa cung của Định lăng đã được khai quật. Tại sao đường vào Định lăng – một bí mật đáng lẽ phải hủy đi – lại được tạc vào bia đá? Định lăng được xây vào năm Chu Dực Quân 21 tuổi, sáu năm sau hoàn thành. Nhưng mãi đến 30 năm sau, ông ta băng hà khi 58 tuổi, lăng mới được sử dụng. Một giả thuyết cho rằng, những người xây lăng 30 năm trước đã lưu lại tấm bia để mai sau, lúc an táng vua, khỏi quên đường vào. Lúc an táng Chu Dực Quân, triều đình nhà Minh đang gặp nhiều rối ren về mặt chính trị nên quên bẵng luôn việc hủy tấm bia.
Địa cung Định lăng nằm trong lòng một ngọn đồi xanh um cây cối, sâu 27m so với mặt đất. Toàn địa cung rộng 1.195m2, gồm năm phòng, nối với nhau bằng những hành lang dài hun hút. Ở gian phòng chính giữa đặt ba chiếc áo quan. Chiếc áo quan lớn nhất chính giữa là của Chu Dực Quân, hai bên là hai hoàng hậu. Cùng chôn chung với vua và hoàng hậu là 26 chiếc rương, chứa vô số cổ vật quý báu như ngọc, trang sức vàng, bạc, đồ sứ, gấm vóc, trang phục… Toàn bộ hơn 3.000 cổ vật khai quật tại Định lăng được trưng bày ở một bảo tàng nhỏ phía trên.
Một đôi hài được tìm thấy ở Định lăng
Vài chục ngàn dân công đã đổ xương máu trong sáu năm ròng để xây nên Định lăng, tiêu tốn 800 vạn lượng bạc trắng – tương đương tiền thuế nông nghiệp cả nước trong hai năm – những tưởng sẽ thể hiện được sự hùng mạnh của Chu Dực Quân, sự trường tồn của vương triều nhà Minh. Đâu ai ngờ vài trăm năm sau, chốn thâm nghiêm dưới lòng đất lại ngày ngày dập dìu du khách, từng vốc tiền lẻ được đám đông tung ra để cầu may, phủ đầy những chiếc áo quan màu đỏ, phủ đầy cả chiếc ngai vàng quyền uy nơi địa cung…
Bài: Nguyên Hà /Phụ Nữ

 

Bình luận (0)