Y tế - Văn hóaThư giãn

Đề cử Giải Mai Vàng 2014: Điện ảnh – truyền hình: Thiếu phim hay

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)
Phim điện ảnh – truyền hình Việt trong năm như một bức tranh đa màu nhưng thiếu điểm nổi bật
Tăng số lượng, đa dạng thể loại, đề tài phong phú, phim Việt năm 2014 cố gắng đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khán giả khác nhau tạo nên bức tranh đa màu, thú vị từ đề tài tâm lý xã hội, hài, hành động đến kinh dị.
Thương mại tử tế
Những tác phẩm điện ảnh đúng nghĩa qua dấu ấn của những đạo diễn Việt kiều đang giúp phim Việt đi vào một quỹ đạo khá ổn định. Điển hình là Quả tim máu (đạo diễn: Victor Vũ) và Đoạt hồn (đạo diễn: Hàm Trần). Lợi thế từ một vở kịch rất ăn khách trên Sân khấu Kịch Phú Nhuận suốt nhiều năm liền, Quả tim máu qua bàn tay Victor Vũ một lần nữa chinh phục khán giả màn bạc. Diễn biến câu chuyện của “một quả tim và nhiều số phận” được xử lý cuốn hút, hấp dẫn và bất ngờ đến phút chót. Đoạt hồn ghi điểm bởi kịch bản hấp dẫn; hình ảnh, âm thanh hiệu ứng mạnh làm tăng hiệu quả “dọa” người xem. Tuy là phim kinh dị nhưng số phận nhân vật được khắc họa rõ nét và thông điệp phim truyền tải khá rõ ràng. Đây là 2 phim kinh dị đoạt doanh thu cao, chứng tỏ đẳng cấp của những đạo diễn Việt kiều trở về từ Hollywood, đưa dòng phim kinh dị vốn xa lạ đến gần hơn với khán giả Việt.

Cảnh trong phim Hương Ga. (Ảnh do đoàn phim cung cấp)
Ở dòng phim hành động, Hương Ga (đạo diễn: Cường Ngô) và Hiệp sĩ mù (đạo diễn: Lưu Huỳnh) cũng gây “sốt” khi ra rạp. Lấy chất liệu từ tiểu thuyết Phiên bản viết về cuộc đời có thật của trùm giang hồ đất Cảng Dung Hà, Hương Ga tái hiện lại cuộc đời của Diệu, từ một cô gái hiền lành trở thành “nữ hoàng xã hội đen”. Phim được khen ngợi ở sự đầu tư nghiêm túc, chỉn chu từ bối cảnh, góc quay, âm thanh đến diễn xuất của diễn viên. Cũng khai thác về giới giang hồ, Hiệp sĩ mù có những cảnh quay ấn tượng, mãn nhãn và một câu chuyện hay. Tiếc là thông điệp nhân quả bị rơi vào rao giảng, sáo mòn. Giới chuyên môn cho rằng phim chỉ dừng lại ở việc đáp ứng được nhu cầu của khán giả là một phim giải trí.
Ở dòng phim tâm lý xã hội, Scandal 2 – Hào quang trở lại (đạo diễn: Victor Vũ) và Lạc giới (đạo diễn: Phi Tiến Sơn) được xem là có đề tài lạ. Với sự nhạy bén khai thác câu chuyện thời sự từ vụ án thẩm mỹ Cát Tường cùng với chuyện hậu trường trong giới showbiz, Scandal 2 đưa câu chuyện thật lên phim khéo léo, thuyết phục. Phim không dở nhưng cũng không đột phá, nhất là so với phần 1 đã quá ấn tượng. Lạc giới khai thác đề tài đồng giới khá mới mẻ với câu chuyện tình tay ba đầy éo le giữa 2 người đàn ông và 1 phụ nữ. Góc quay, hình ảnh đẹp và một cái nhìn đồng cảm về người đồng giới là những điểm cộng dành cho phim. Tuy nhiên, nội dung phim và những tình huống, chuyển biến tâm lý nhân vật vẫn còn gây nhiều tranh cãi.
Khó tìm phim “ấn tượng”
Phim truyền hình năm nay tiếp tục rơi vào tình trạng “nhạt nhòa”. Mặc dù các hãng đều nỗ lực để giành lại khán giả của các chương trình truyền hình thực tế đang nở rộ như tăng số lượng, đầu tư chất lượng nhưng thật khó để tìm một phim thật sự ấn tượng. Có những phim được giới chuyên môn đánh giá cao lại ít người xem, có phim gây sốt trên các diễn đàn mạng thì lại không “ổn” về chuyên môn. Phim được bàn tán rôm rả nhất năm qua là Vừa đi vừa khóc của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng. Ngay từ khi lên sóng, phim đã bị “chê tơi tả” từ biên kịch, bối cảnh, diễn viên… mà lỗi chính ở sự “lặp lại” nhàm chán của Vũ Ngọc Đãng. Nhưng sức hút của phim, sự chờ đợi của khán giả là có thật. Đây là phim hiếm hoi bị chê nhưng vẫn thu hút người xem từ đầu cho đến cuối.
Cũng trên sóng VTV, nhiều phim của Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam có chất lượng, được giới chuyên môn đánh giá cao như Bão qua làng, Những kẻ hai  mặt, Yêu đến tận cùng, Lời thì thầm từ quá khứ, Bánh đúc có xương… Bão qua làng và Những kẻ 2 mặt là 2 phim chính luận có đề tài thời sự nóng. Ở Bão qua làng là những vấn đề gắn liền với nông thôn, nông dân như thu hồi đất đai, bầu cử, quá trình đô thị hóa và các hệ lụy dẫn đến những tệ nạn, sự tha hóa… Những kẻ hai mặt phản ánh nhiều góc khuất của cuộc sống thông qua vụ án oan. Gần đây, Dấu chân du mục trên VTV3 cũng ghi dấu ấn về sự khác lạ trong khai thác đề tài và cảnh quay.
Mảng phim hình sự năm qua cũng “được mùa” khi có khá nhiều phim như Những đứa con biệt động Sài Gòn, Thế lực ngầm, Cha và con, Bên lề tội ác, Vết dầu loang… Ở mảng tâm lý xã hội, đề tài hôn nhân gia đình có các phim như Trở về 3, Huyền thoại tím, Độc thân tuổi 30, Gái ế kén chồng, Kẻ bội tình, Ly hôn, Ảo vọng, Cha rơi, Chào buổi sáng em yêu, Ngũ long công chúa… Những phim này nhìn chung “xem được”, có một lượng khán giả nhất định nhưng không tạo được tiếng vang. Dù không có phim nào “dở tệ” hay “thảm họa” đến mức bị “ném đá” hoặc tranh cãi quyết liệt nhưng tình trạng phim truyền hình bị “rơi vào quên lãng” như năm vừa qua là một khó khăn cho khán giả để lựa chọn một phim ấn tượng nhất. 
Những bộ phim chưa ra mắt
Chàng trai năm ấy của đạo diễn Nguyễn Quang Huy (sắp ra rạp) đang được chờ đợi vì lấy cảm hứng từ cuộc đời của chàng ca sĩ bạc mệnh Wanbi Tuấn Anh và tập trung khai thác về ước mơ của những người trẻ. Phim được kỳ vọng sẽ tự nhiên, dễ thương như Thần tượng mà đạo diễn này đã tạo dấu ấn vào năm ngoái.
Một số phim chưa ra rạp nhưng đã gây chú ý tại các liên hoan phim quốc tế như Đập cánh giữa không trung (đạo diễn: Nguyễn Hoàng Điệp), Nước (đạo diễn: Nguyễn Võ Nghiêm Minh), Dịu dàng (đạo diễn: Lê Văn Kiệt)… Trong đó, Đập cánh giữa không trung đã được trao giải Phim hay nhất tại Liên hoan Phim Venice. Tất nhiên, những món ăn “lạ” này không hẳn hợp khẩu vị của người xem nhưng đó là một mảng màu làm phong phú đời sống điện ảnh.

Theo NLĐ

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)