“Học kỳ xuân” của SV ngành du lịch thường bắt đầu từ thời điểm các bạn vác ba lô lên đường thực hiện những tour Tết. Không ít hướng dẫn viên tương lai đã có bước “khởi nghiệp” thành công từ những dịp đặc biệt như thế…
Xuân trên vạn nẻo!
Thời điểm cận Tết, mặc dù tất bật với thi học kỳ, các SV vẫn tranh thủ chạy tìm “mối” để thực hiện tour Tết. Phần nhiều “mối” kiếm được nhờ vào giới thiệu của bạn bè, sự quen biết. SV đã quen đi tour, nhất là những tour Tết thì việc tìm cơ hội khá đơn giản. Huỳnh Viết Trung (SV ngành du lịch Trường ĐH Văn Hiến) hé lộ năm nay sẽ đón cái Tết tưng bừng với tour miền Trung từ 24 đến 29 Tết, xuất phát ở TP.HCM rồi kết thúc ở Quảng Bình. Mùng 2 Tết, chàng hướng dẫn viên trẻ này lại bắt đầu tour mới, trực tiếp đón và hướng dẫn khách tại Đà Nẵng.
Xa hơn, SV Nguyễn Văn Quyền (ĐH Văn Hiến) lại ra tận Hà Nội ăn Tết. Lần đầu tiên được đón Tết ở miền Bắc, chàng SV Nam bộ này không giấu nổi háo hức. Tuy nhiên cũng nhiều áp lực, bởi để “theo” được những tour như thế này đòi hỏi hướng dẫn viên phải vững kỹ năng lẫn kiến thức. Ngoài việc tìm kiếm tư liệu, bổ sung kiến thức, bạn còn bỏ ra 2 ngày để đi tiền trạm Hà Nội. Nguyễn Thanh Điền, chàng SV quê tận đất mũi Cà Mau hiện đang là cộng tác viên cho Công ty du lịch Thuần Việt cũng may mắn kiếm được một “suất” đi miền Tây các ngày mùng 2 đến mùng 5 Tết. Trước đó là tour từ 25 – 29 Tết. Đã quen thuộc với việc hướng dẫn khách ngay từ các năm đầu thời SV nhưng đây lại lần đầu tiên đi làm dịp Tết nên Điền chọn cách nhờ SV cùng trường cộng tác để giảm bớt áp lực. Điền kể vui về “tai nạn nghề nghiệp” nhớ đời của những ngày đầu vào nghề, trong khi đang dắt khách đi tour Phú Quốc thì xe bể bánh đột xuất. Lúc đó, lẽ ra phải gọi điện về công ty hỗ trợ thì cậu SV này chỉ biết ngơ ngác nhìn tài xế… cười và giao hết mọi việc cho tài xế giải quyết. Sau chuyến đi đó, hướng dẫn viên “tập sự” này cũng nhận được một khoản thù lao nho nhỏ nhưng bạn lại không mấy vui vì thấy mình chưa thật xứng đáng với số tiền kiếm được ấy. Dần dần học hỏi, rút kinh nghiệm… ở mỗi cơ hội dẫn khách tiếp theo, đến nay chàng SV này đã “chuyên nghiệp” hơn trong công việc hướng dẫn.
Phút giao thừa lặng lẽ…
Xa nhà ngày Tết, có khi vui nhưng cũng lắm lúc buồn. Khoảnh khắc giao thừa vốn quen được quây quần bên mâm cơm gia đình nay lại trôi đi trong “lặng lẽ”. Minh Thành (Trường Trung học nghiệp vụ Du lịch và Khách sạn TP.HCM) thổ lộ: “Khách đi theo nhóm, có bạn có bầu. Nhân viên, hướng dẫn viên ai lo việc người nấy, chẳng còn thấy không khí Tết gì luôn”. SV Nguyễn Văn Quyền lại tự đón giao thừa bằng hai lon bia và cảm nhận không khí đoàn tụ gia đình thông qua chiếc điện thoại. “Khi chuyến xe đi ngang những nhà dân, thấy loáng thoáng đâu đó những mâm xôi chè và mùi nhang phảng phất, lòng mình len lỏi bao cảm xúc khó tả. Nghĩ giờ này ở nhà chắc cha mẹ cũng đang cúng giao thừa, đang mong nhớ đến mình, rồi cả người thân, bạn bè… buồn muốn khóc”- Quyền xúc động. Xong tour, chàng SV này tức tốc lên xe về quê, may mà kịp dự ngày họp lớp cũ. Thanh Hiền (Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch) giải thích: “Đi tour lúc cao điểm, lễ Tết vất vả hơn ngày thường. Lên xe, khách ngủ thì hướng dẫn viên phải thức để sẵn sàng ứng phó với các tình huống có thể xảy ra như tai nạn, khách say xe… Lúc khách dùng bữa thì mình lại chạy lăng xăng lo công việc. Hướng dẫn viên hay bị đau dạ dày vì thường ăn uống qua loa để kịp thời gian”.
Niềm vui đầu năm mà hướng dẫn viên nhận được chính là những phong bao lì xì từ khách. Thù lao kiếm được ngày Tết cũng đặc biệt hơn. Tùy công ty, tiền công cho ngày bình thường có thể từ 170 – 300 ngàn đồng thì ngày Tết số tiền này được tính lên gấp đôi. Cùng với những tour ngày thường, có SV dành dụm được tiền đóng học phí, trang trải sinh hoạt, học tập… Cũng có SV sắm được xe máy, máy tính cải thiện điều kiện đi lại, học tập… Nhưng cũng lại có trường hợp SV ham đi làm quá, chưa phân bố được thời gian cho việc học, phải bất đắc dĩ bị… lùi thời gian tốt nghiệp một năm.
Không nhiều SV nữ đi tour ngày Tết. Ngay cả trong những chuyến du lịch ngày thường, các hướng dẫn viên nữ vẫn ít nhận được sự ưu ái hơn hướng dẫn viên nam. Các bạn nam ưu thế hơn nữ ở sự nhanh nhẹn, sức khỏe… để có thể theo trọn tour cũng như ứng phó với những sự cố không may đột xuất. Chính vì vậy mà để có cơ hội thực tập, tích lũy kinh nghiệm, nhiều SV nữ đã bỏ cả năm trời đi tour phụ, miễn phí công sức của mình, không nhận đồng thù lao nào cả. Nguyễn Thị Hạnh Nguyên (ĐH Văn Hiến) bày tỏ nguyện vọng: “Em mong các công ty du lịch bây giờ mở rộng thêm nhiều cơ hội cho các hướng dẫn nữ, để SV nữ tụi em có điều kiện thực tập, làm việc nâng cao “tay nghề” và có động lực học tập, theo đuổi lâu dài ngành học đã chọn”.
Mê Tâm
Bình luận (0)