Nói đến Gò Công, người ta nhớ ngay đến vùng đất của cây sơ ri, nơi cất tiếng chào đời của hai bà hoàng triều Nguyễn: Từ Dũ (vợ vua Thiệu Trị) Và Nam Phương (vợ vua Bảo Đại).
Đây còn là vùng căn cứ kháng chiến chống Pháp của anh hùng dân tộc Trương Định. Vì vậy, du lịch về Gò Công, người ta không chỉ đi biển Tân Thành nằm nghe gió lộng và thưởng thức hải sản từ những quán ăn chạy dài theo các sân nghêu mà còn là dịp nhớ lại quá khứ hào hùng và chiêm ngưỡng một di tích… rất Huế.
Cổng tam quan vào lăng Hoàng gia
Từ TP.HCM đi về Gò Công theo quốc lộ 50 là tiện nhất. Theo hướng này, bạn sẽ qua phà Mỹ Lợi. Vừa rời khỏi phà, bạn bắt đầu thấy trái sơ ri được bày bán rất nhiều hai bên đường. Gò Công có nhiều vườn trồng sơ ri, chỉ cần với tay là có thể hái những trái chín ửng hồng trong những khu vườn xanh mát. Chạy về hướng Gò Công chừng 14 cây số, bạn sẽ thấy một con đường nhỏ mang tên Từ Dũ. Cuối con đường là khu lăng Hoàng gia mang dấu ấn đặc thù của kiến trúc lăng tẩm triều đình Huế, được xây dựng tại giồng Sơn Quy, từ năm 1826.
Giồng Sơn Quy (còn gọi là Gò Rùa, Núi Đất) không chỉ là khu đất cao cặp sông Sơn Quy, mà còn là di tích lịch sử mang đậm dấu ấn một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc trong những năm chống Pháp đầu tiên. Đó là nơi Bình Tây Đại soái Trương Định chọn làm chiến lũy, dựng đại bản doanh ngăn đường tiến quân của Pháp nhằm bảo vệ thị xã Gò Công từ năm 1861. Sau khi đại đồn Kỳ Hòa thất thủ, thủ lĩnh Trương Định cho nghĩa quân đắp chiến lũy Sơn Quy bằng đất ruộng, nơi cao nhất chừng 3m, dài chừng 300m. Ngày nay, đến giồng Sơn Quy, dấu tích chiến lũy xa xưa chỉ còn trong ký ức, nhưng bạn sẽ hiểu thêm vì sao cụ đồ Nguyễn Đình Chiểu viết: "Núi Đất nửa năm ngăn sức giặc", để nhớ về một thời oanh liệt của anh hùng Trương Định.
Sơn Quy giờ không còn rõ nét chiến lũy, tuy nhiên, nơi đây vẫn còn có một di tích lịch sử quốc gia: Lăng Hoàng gia. Đây là di tích hiếm hoi còn sót lại của triều đình Huế ở vùng đất Nam bộ. Khu lăng Hoàng gia là quần thể kiến trúc gồm đền thờ và 19 ngôi mộ của những bậc tiền hiền có công khai khẩn đất Gò Công, mà tiêu biểu là mộ Đức Quốc công Phạm Đăng Hưng – ông ngoại vua Tự Đức và là cha của Từ Dũ Thái hậu.
Khu lăng mộ Đức Quốc Công
Kiến trúc ngôi mộ của Đức Quốc công không xây theo tiền lệ "ngưu phanh mã phục" (Trâu nằm ngựa quỳ) như bao văn thần võ tướng cùng thời, mà được xây kết hợp với màu sắc văn hóa địa phương: đỉnh trụ, hình nón lá, xung quanh trang trí tám đóa sen. Bình phong quanh mộ được chạm nổi năm con sư tử.
Đền thờ "Đức Quốc Công Từ" hay đền "Thích Lý” được xây dựng từ năm 1826, theo kiến trúc nhà gỗ ba gian hai chái đặc trưng Nam bộ. Đến năm 1849, vua Tự Đức cho đại tu theo kiến trúc cung đình, có cổng tam quan, thềm tam cấp, nhà khách, nhà trù, tàu ngựa. Năm 1889, vua Thành Thái tiếp tục cho tu sửa đền, mộ, làm thêm tường hồ, cổng gạch theo phong cách phương Tây. Năm 1921, đền được tân trang một lần nữa, lát thêm gạch men, bao lam, hoa văn khắc gỗ.
Cảnh vật phai dấu theo thời gian nhưng ngắm nhìn khu lăng Hoàng gia ở giồng Sơn Quy, cảm giác như có cái gì rất Huế ở nơi này.
Khánh Huy / Phụ nữ
Bình luận (0)