Y tế - Văn hóaThư giãn

Triều cường, chân ngắn & rau sạch

Tạp Chí Giáo Dục

 1. Cả tuần qua, sáng nào mình cũng phải làm nhiệm vụ đưa con tới trường. Có bữa dở việc tới hai giờ sáng thì năm giờ rưỡi đã lục đục dậy, tranh thủ vệ sinh cá nhân trước, cho thằng con ngủ nướng đến sáu giờ rồi cũng phải đánh thức nó dậy, xong hai cha con lại tất tả lên đường.

Đang đợt triều cường, đường từ nhà tới trường phải lội qua mấy đoạn nước ngập như sông, lại thêm sóng đánh ầm ập mỗi khi có ôtô hay xe buýt chạy qua. Cha co chân rồi hối con co chân. Người và xe đi như xiếc. Có người sau khi vừa co chân thì mất thăng bằng, cả người và xe ngã đánh oạch xuống… sông. Có người không làm xiếc được nhúng luôn cả chân giày xuống nước…chèo đi. Có người chẳng may rớt trúng cái ổ gà rồi cả người và xe tung lên chới với. Thằng con bấu chặt hai tay vào hông mình, không líu lo như mọi bữa mà im lặng hồi hộp. Mình cũng không biết nói gì ngoài lời nhắc “co chân lên con” mỗi khi tới đoạn ngập sâu. Có bữa, màn xiếc “bể dĩa”, chân giày mình cũng nhúng xuống nước. Có bữa xe buýt chạy qua tạt ướt hết cả hai cha con.
Triều cường quả là quá khổ. Và, không hiểu trái đất biến đổi thế nào mà cứ nghe triều cường năm nay cao hơn năm trước. Mình quả thật không biết chống đỡ với triều cường nước ngập thế nào, ngoại trừ việc xung phong nhận trách nhiệm nặng nề là mỗi sáng đưa con tới trường, chiều đón con về nhà an toàn.
Có đêm nằm đuối quá bèn… thỏ thẻ với vợ rằng: “Em à, anh xin phép được đổi vợ trong mùa triều cường này được không?”. Thoạt nghe vợ không hiểu, nhưng biết là mình đang đùa chuyện gì đó. Tất nhiên là mình đang đùa. Mình nói với vợ là phải chi em sở hữu cặp chân dài thì đời anh bớt khổ, chân ngắn quá thì sao có thể cưỡi xe… chèo chân vào mùa triều cường. Nghe nói vậy vợ chỉ cười: “Nhiều chuyện quá”!
2. Lại nghe nói giá rau tăng chóng mặt vì mưa gió liên miên khắp nơi và cũng bởi triều cường. Nghe thì nghe vậy nhưng không biết cụ thể tăng ra sao. Nhiệm vụ đi chợ là của vợ, mình thi thoảng đi chợ chỉ để hưởng cái… không khí ngoài chợ. Nhưng một bữa vợ mắc việc đột xuất nhờ mình đi chợ chiều. Mình quơ một nắm rau cải vừa đủ nấu một nồi canh nhỏ, nhưng bỏ lên cân thì cô hàng rau nói là… mười tám ngàn đồng. Mình tưởng nghe nhầm, hỏi lại thì đúng là giá như vậy. “Rau tăng giá ghê lắm anh à. Tụi em không muốn bán mắc, nhưng biết làm sao khi mua vào đã mắc”- cô hàng rau phân trần.
Về nói chuyện giá rau với vợ, nghe xong vợ cười: “Giá rau tăng cả tháng nay rồi. Nhiều người nói là rau đắt như nhân sâm. Em cũng định nói với anh, nhưng nghĩ lại nói chỉ làm anh thêm lo. Với lại mấy bữa nay em toàn cắt rau sạch ngoài vườn”. À, ra thế.
Nhà không có vườn nhưng có một miếng đất sát cạnh chưa cất nhà, bà hàng xóm biến nó thành một vườn rau. Dạo trước nhà mình cũng trồng ké một ít rau bên đó, nhưng sau bận quá nên thôi. Mùa nắng bà hàng xóm thường xin nước nhà mình để tưới rau, và mỗi buổi sớm khi cắt rau bà thường để trước cửa nhà mình một mớ, coi như là… góp tiền nước. Thỉnh thoảng, mỗi sáng mở cửa ra thấy mớ rau xanh non khiến mình thấy rất vui. Giờ thì mùa mưa nên bà hàng xóm không cần phải xin nước nữa, bó rau mỗi sớm cũng không còn. Không phải vì bà “sòng phẳng” mà vì bà đang bệnh. Mùa mưa người già thường bệnh. Thế là vợ mình phải làm siêng ra vườn cắt rau.
Thú thật là nếu như giá rau không tăng quá thì vợ mình vẫn mua rau ngoài chợ luôn cho tiện. Giờ thì bớt chút thời gian ra vườn, vừa có rau sạch ăn vừa khỏi tốn tiền, vậy có hơn không. Hóa ra ở đời việc gì cũng có hai mặt của nó. Chẳng phải là triết lý cao siêu gì. Lại nghĩ nếu vợ mình là một… chân dài, chắc gì chân dài đã chịu thức khuya dậy sớm, “cưỡi xe chèo chân” đưa con tới trường.
Mùa triều cường chợt thấy thương “chân ngắn” tảo tần và biết ơn vườn rau sạch bên nhà.
Theo TTO

 

Bình luận (0)