Y tế - Văn hóaThư giãn

Trẻ em coi phim người lớn

Tạp Chí Giáo Dục

 Nhiều chuyện dở khóc dở cười đã xảy ra khi người lớn vô ý dẫn theo trẻ em vào rạp xem những bộ phim dành cho người lớn.

Trẻ em theo bố mẹ đến rạp là chuyện bình thường ở VN – Ảnh: Gia Tiến
Buổi chiếu ra mắt báo giới phim The dictator (Kẻ độc tài) diễn ra buổi sáng. Giấy mời của nhà phát hành gửi qua email ghi rõ: Phim không dành cho khán giả dưới 16 tuổi (NC-16). Ai cũng biết thông điệp ấy có nghĩa gì, thế nhưng không phải ai cũng tuân theo.
Hàng ghế cuối cùng của rạp, một nhà báo nữ dắt theo hai trẻ chừng ba, bốn tuổi. Hai bé thấp đến mức gần như suốt buổi chiếu phim không ngồi trên ghế mà đứng dưới đất và bám vào thành ghế phía trước. Kẻ độc tài là một phim hài khá thô, rất nhiều cảnh tình dục, lời thoại ám chỉ tình dục… Những người xem xung quanh đã bước qua ngưỡng 16 tuổi cười thật gượng gạo khi trong rạp có trẻ con, nhất là hai bé rất hồn nhiên. Hai bé cũng cười rất to khi thấy người lớn cười và thản nhiên chỉ trỏ những hình ảnh "ngộ nghĩnh" trên màn ảnh!
Buổi chiếu ra mắt báo giới The dark knight rises (Kỵ sĩ bóng đêm trỗi dậy), cũng ở hàng ghế gần cuối có hai thiếu nhi ngồi xem. Có lẽ vì đây là phim về người dơi (giống như người nhện – vốn là hình ảnh siêu anh hùng ưa thích của trẻ con) nên phụ huynh các bé mới đưa con đi cùng. Tuy nhiên không phải ngẫu nhiên hệ thống phân loại phim của Hiệp hội điện ảnh Hoa Kỳ (MPAA) dán nhãn PG-13 cho phim này. Tuy nhiên khi hỏi nhà phát hành và phổ biến Kỵ sĩ bóng đêm trỗi dậy tại VN mới rõ lý do phim này không bị dán bất cứ nhãn gì khi chiếu rạp Việt bởi quyết định của Cục Ðiện ảnh là phim được dành cho mọi người (theo lời bà Mariam El Bancha – giám đốc các cụm rạp MegaStar)! Ðơn giản bởi ở VN mới chỉ có nhãn NC-16 và phim bị cắt hoặc bị cấm phát hành chứ chưa có hệ thống phân loại rõ ràng như Mỹ và một số nước khác.
Những người làm điện ảnh chắc còn chưa quên một sự cố nhỏ nhưng nói lên nhiều điều tại Liên hoan phim quốc gia lần thứ 15 ở TP Nam Ðịnh. Trong buổi chiếu ra mắt phim Fishing season của Nga, người đại diện phim đã bỏ về và bật khóc nức nở bởi lẽ đó là phim dành cho người lớn nhưng trong rạp lại toàn trẻ con lóc nhóc cấp II được "lùa" đi xem có lẽ cho kín rạp! Và còn nữa, một buổi chiếu phim nghề nghiệp của Hội Ðiện ảnh VN, đó cũng là một bộ phim người lớn đến từ nước Pháp, nhưng một hội viên nào đó đã mang theo con mình vào rạp.
Khi trên màn ảnh có cảnh đôi nam nữ đang âu yếm nhau mãnh liệt, cả rạp nín thở theo dõi, bỗng vang lên tiếng trẻ em ngây thơ, thảng thốt: "Mẹ ơi, họ làm gì kia?" và tiếng bà mẹ suỵt khe khẽ (khẽ nhưng vì đang nín thở nên cả rạp vẫn nghe rõ mồn một): "Cô chú ấy đang massage đấy con ạ!". Ðến lúc này thì không nhịn được nữa, cả rạp cười rộ lên, bất chấp buổi chiếu có các nhà làm phim Pháp tham dự và họ sẽ hoàn toàn không hiểu được tại sao một cảnh phim tình cảm của một bộ phim tâm lý nước họ lại khiến khán giả Việt cười khoái chí đến thế!
Nhắc lại chuyện hai em bé trong buổi chiếu phim Kẻ độc tài, bà Mariam El Bancha trả lời PV báo Tuổi Trẻ: "Theo tôi được biết, suất chiếu phim mà bạn đề cập là suất chiếu họp báo, những suất chiếu đặc biệt như vậy chúng tôi ghi rất rõ trên thư mời là phim cấm trẻ em dưới 16 tuổi nên mong khách mời cân nhắc khi dẫn trẻ em đi xem phim. Nhưng rất tiếc một số khách mời lại không lưu ý việc này. Ðối với các suất chiếu thông thường của các phim được Cục Ðiện ảnh quyết định dán nhãn cấm trẻ em dưới 16 tuổi, chúng tôi không bán vé cho trẻ em. Chúng tôi yêu cầu khách hàng cho xem chứng minh nhân dân hoặc thẻ học sinh khi nghi ngờ khách hàng chưa đến tuổi xem phim. Tại các rạp chúng tôi đều có bảng thông báo ghi rất rõ bộ phim cấm trẻ em dưới 16 tuổi và có dán quyết định phổ biến phim ngay tại khu vực bán vé để thông báo cho khách hàng biết đây là quy định của Cục Ðiện ảnh và chúng ta phải tuân thủ đúng".
Có nghĩa là trong việc trẻ em đi coi phim người lớn có hai vấn đề: 1: chúng ta chưa có quy định cũng như hệ thống phân loại phim được cụ thể hóa thành luật, 2: ý thức của người lớn. Bản thân hệ thống phân loại phim ảnh Hoa Kỳ và các nước khác cũng nhấn mạnh nhiều vào tính tự giác của người xem cũng như mang tính khuyến nghị cho các phụ huynh hơn là cấm đoán (trừ phim nhãn R hoặc NC…).
Ở VN, chắc chắn phải trông chờ vào việc khi nào có hệ thống phân loại cụ thể công khai, các rạp chiếu tuân thủ triệt để (mà không sợ bị mất khách khi yêu cầu xuất trình giấy tờ tùy thân để kiểm tra độ tuổi), và tiếp sau đó là ý thức cùng sự hiểu biết của phụ huynh thì mới mong sự có mặt không nên có của trẻ em trong rạp khi chiếu phim dành cho người lớn mới có thể chấm dứt.

 

Hệ thống phân loại phim ở một số quốc gia, vùng lãnh thổ

 

Hiệp hội điện ảnh Hoa Kỳ gồm: G – Mọi người đều có thể xem. PG – Cha mẹ nên có hướng dẫn cho con khi xem. PG-13: Các bậc cha mẹ đặc biệt chú ý: một số hình ảnh sẽ không thích hợp với trẻ dưới 13 tuổi, phim có thể có các lời thoại tục tĩu, có cảnh khỏa thân dù không rõ ràng lắm, có cảnh bạo lực và có thể có cảnh dùng chất kích thích. R – Phim có giới hạn: không dành cho người dưới 17 tuổi mà không có cha mẹ hoặc người giám hộ đi cùng. NC-17: Không dành cho người dưới 17 tuổi vì có cảnh, lời dâm tục, cảnh khỏa thân, bạo lực, sử dụng các chất kích thích trong phim.
Hong Kong gồm bốn phân cấp. Cấp I, IIA và IIB chỉ là một sự khuyến cáo và không đưa ra hình phạt. Riêng phim cấp III (cấm người dưới 18 tuổi mua, thuê, mượn hoặc đến rạp xem) được quản lý chặt chẽ hơn. Qua đó người xem phim, người bán vé sẽ bị xử lý theo pháp luật nếu vi phạm quy định.
Pháp: Tất cả phim truyện và cả phim quảng cáo đều phải có giấy phép khai thác chia làm hai loại: loại được phổ biến không hạn chế và loại hạn chế (đóng dấu X) thì cấm trẻ dưới 12, 16 và 18 tuổi. Ðó là những phim có cảnh tình dục và những hành vi bạo lực nghiêm trọng. Những phim này không bị cấm nhưng phải đóng thuế rất nặng, và khi chiếu ở rạp phải có ghi thêm những cảnh báo ngoài phòng chiếu và áp dụng triệt để đối với khán giả chưa đủ tuổi.
Hàn Quốc: Cách phân loại phim dựa trên các ký hiệu phim bao gồm: phổ thông, 12+, 15+ và 18+, tức là hạn chế độ tuổi được xem phim dựa trên các yếu tố tình dục, bạo lực, kinh dị…

 theo TTO

Bình luận (0)