Y tế - Văn hóaThư giãn

Truyện ngắn: Tiếng hát rừng thông

Tạp Chí Giáo Dục

Lại một năm nữa thằng Quang thi trượt Đại học Y khoa Huế làm bà Vân buồn lắm. Bà tiếc ngẩn tiếc ngơ

vì năm nay thằng Quang lại thiếu chỉ có nửa điểm. Ông Sơn trái lại vẫn “bình chân như vại”. Có đợt tuyển quân đầu năm ông xin cho con đi bộ đội. Môi trường quân đội sẽ rèn nó thành người. Biết đâu đây lại là dịp may cho nó. Chẳng phải ông đã từng trưởng thành trong quân đội đó sao? Ngày kia thằng Quang đi rồi. Ông Sơn muốn con trai nhìn lại cái quá khứ hào hùng của cha anh nó. Thế hệ thanh niên như nó hôm nay sướng quá, không biết đạn bom cũng chẳng biết đói khát là gì. Tính ông là thế, đã nghĩ là làm, ông bảo bà Vân gọi thằng Quang về rồi hai cha con đi luôn…

Họ đi theo con đường nhỏ trong rừng thông. Trời lất phất mưa bay. Những sợi nước mảnh mai đậu lại trên đầu họ thành một lớp bụi trắng xóa. Đứng trên triền dốc nhìn qua màn mưa, dòng sông như một dải lụa trắng bồng bềnh trôi giữa màu xanh của rừng núi. Dừng lại bên một hố bom đọng nước, ông Sơn nói với con:

– Đây là trận địa của dì con trước lúc hi sinh. Nhiệm vụ của khẩu đội dì là đón lỏng những tốp máy bay địch bay dọc sông đánh lén vào bến Mới.

Ông nói với con như nói với một người lính thực thụ. Ông nói về dòng sông, về rừng thông và cả những trận bom B52 đổ xuống bến Mới. Ngày ấy ông mới chỉ là “thằng Sơn mọt sách”, một thằng Sơn “đen như củ súng”…

***

Con sông quê Sơn về mùa hè nước chảy trong veo. Có những quãng nước thấy cả hòn sỏi long lanh dưới nắng mặt trời, có những khúc sông rong đuôi chó quấn lấy mái chèo gặp lúc nước “rặc” không rút chèo ra được. Về mùa mưa nước lũ réo ầm ầm, con sông đỏ quạch phù sa nên người ta gọi là sông Son. Bên bờ sông Son có những đồi thông trồng tự bao giờ Sơn không biết nữa. Những thân cây to cao tróc những mảng vỏ sần sùi, những chùm lá như đuôi chồn cọ vào nhau nghe rào rào. Buổi trưa bọn Sơn thường đến đây buộc trâu vào gốc thông rồi chia thành hai phe đánh trận giả. Chơi chán thì kéo nhau vội ào ra sông tắm. Trong đám chăn trâu chỉ có Lan và Hà là con gái. Thường ngày chúng chỉ ngồi chơi ô quan với nhau trên bờ nhưng hôm trời oi bức quá, cả đồi thông không có một ngọn gió, hai đứa lặng lẽ đi theo lũ con trai.

– Ê… bọn con gái không được xuống đây.

Một đứa trong bọn quay lại nói to. Hai đứa con gái đi xuống cái bến gần đó, bên cây bần chi chít những quả. Chúng tắm được một lúc thì trời bắt đầu nổi gió. Mây đen ở đâu cuồn cuộn kéo về. Bầu trời trở nên xám xịt. Lũ trẻ reo hò ầm ĩ cả khúc sông. Những cột sóng cao lừng lững lao đến đập vào “hòn đá một” giữa bến làm tung bọt trắng xóa. Đang bơi, Hà bị cuốn vào “lạch” nước xoáy. Cái Lan bơi ra cứu bạn cũng bị nước cuốn theo. Lan kêu cứu thất thanh, Hà mệt lả, hai tay đưa lên trời chới với. Hai cái đầu trồi lên ngụp xuống, tóc xõa lềnh bềnh.

– Các cậu ơi! con Hà, con Lan “chết đuối” rồi! – Sơn kêu lên thảng thốt rồi lao đi. Mấy đứa con trai cũng bươn bả sải tới. Sau một lúc chúng cũng đem được Hà và Lan vào bờ. Con bé Hà uống no nước bụng tròn căng, đôi mắt đục lờ đờ. Cái Lan sợ quá líu lưỡi không nói được. Sơn xốc hai chân Hà lên vai rồi chạy vòng quanh mấy vòng, nước trong miệng Hà chảy ra ồng ộc. Trời bắt đầu đổ mưa, chúng đưa Hà vào trong ngôi đền trên đồi rồi chạy xuống bờ sông lấy quần áo. Lúc này lũ trẻ mới nhớ ra đứa nào đứa nấy đều trần truồng như nhộng. Câu chuyện trên chúng giấu kín không nói với ai nhưng không hiểu sao vài ngày sau người lớn cũng biết. Bố mẹ Hà cấm tiệt con bé không được dắt trâu ra bờ sông. Ở lớp không biết đứa nào bép xép kể lại, lại được thằng “Hòa tiếu lâm” thêm gia vị vào làm cả lớp được một trận cười vỡ bụng. Thằng Mạnh con ông Khóa làm thợ mộc xóm dưới nổi tiếng lém lỉnh đặt một bài vè về Hà và Sơn rồi bày cho trẻ con hát làm cho hai đứa chẳng dám đi học cùng đường.

Nhưng rồi chuyện cũ cũng qua đi, những đứa trẻ ngày xưa đã khôn lớn trưởng thành. Con trai đi bộ đội, con gái đi thanh niên xung phong, đi dân công hỏa tuyến. Riêng Sơn cố học cho xong cấp ba. Vào những ngày này giặc Mĩ điên cuồng bắn phá miền Bắc. Hơn ba chục ngôi nhà làng Sơn bị đốt cháy trụi. Trẻ con, người già phải vào ở những căn hầm trong núi. Các gia đình đã phải gửi con đi k 8 sơ tán ở tận ngoài Thanh Hóa, Ninh Bình. Không thể ngồi yên được nữa, Sơn lên đường nhập ngũ. Anh chia tay bạn bè trong căn hầm chật chội dưới ánh sáng lù mù của ngọn đèn được che kỹ bằng cái chụp “phòng không”. Hà đến cùng các bạn rồi xuống bếp trông coi nồi bánh chưng giúp mẹ Sơn. Khi mọi người ra về Hà mới về theo. Cô bước đi chầm chậm rồi đột nhiên dừng lại. Hai người im lặng nhìn nhau. Rồi cũng không nói gì Hà đột ngột bước đi. Sơn cũng rảo bước theo sau. Hai người đi theo con đê lên đến đồi thông lộng gió. Bỗng phía phà Gianh có những ánh chớp chói lòa. Những đường đạn đỏ lừ đan nhau trên bầu trời rồi nở xé ra như những chùm hoa lửa. Tiếng bom bi, tiếng đạn pháo nổ chát chúa inh tai. Hai người nhảy xuống cái hố cá nhân ở bên đường. Phía dốc Lí Hòa một khối lửa sáng rực cả một góc trời. Chiếc máy bay bị trúng đạn pháo bốc cháy như bó đuốc. Từ những căn hầm trên đồi vang tiếng hò reo. Trong hố cá nhân Hà nắm chặt tay Sơn reo to:

– Cháy rồi! Cháy rồi! Anh Sơn! Cháy rồi!

Đó là lần đầu tiên trong đời Hà đổi cách xưng hô.

Khi bầu trời mặt đất trở lại bình yên, hai người ngồi dưới gốc thông già gió reo vi vút. Sóng vỗ oàm oạp vào bờ hòa với tiếng thông reo. Thỉnh thoảng những quả thông khô rơi xuống trên đầu họ. Chốc chốc có tiếng con cuốc kêu dài khắc khoải trong đêm. Mùi nhựa thông hăng hắc thoang thoảng tan trong gió.

– Anh ơi anh có nghe… – Tiếng Hà lào thào qua hơi thở.

– Tiếng gió đó mà em. Sơn kéo nhẹ mái đầu Hà vào ngực mình và run rẩy đặt lên đó một nụ hôn. Anh nghe nồng nàn mùi hương hoa bưởi và có cả cái vị mặn mòi của nước sông Son trên mái tóc cô. Anh nâng mặt Hà lên và hôn tới tấp lên má, lên mắt cô. Cả người anh rừng rực, ngất ngây cái cảm xúc đầu tiên của chàng trai mới lớn. Như bừng tỉnh Hà đột ngột gỡ vòng tay Sơn ra, giọng cô chùng xuống nhẹ như tiếng gió:

– Đó là tiếng hát của rừng thông. Tiếng hát của mùa thu mà anh.

Sơn trầm ngâm:

– Đúng là tiếng hát của mùa thu. Ôi khúc nhạc của mùa thu. Nếu mai đây anh không về…

Không để Sơn nói hết câu, Hà đưa tay bịt miệng Sơn lại. Cô lắp bắp:

– Anh phải về! Nhất định anh phải về! Dù bao năm em vẫn đợi! Đúng ngày này chúng ta sẽ đến đây nghe tiếng hát của rừng thông.

Sau chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, Sơn mới nhận được tin nhà. Ngày hòa bình đầu tiên anh nhận được tin sét đánh: Hà của anh không còn nữa. Năm 1976 anh được đơn vị cho nghỉ phép về ăn tết sau tám năm xa quê. Khi đặt chân lên rừng thông lòng anh se lại. Cả cánh rừng loang lổ hố bom như đứa trẻ bị bệnh chốc đầu đang mọc tóc trở lại. Một lứa thông non đang vươn lên ngang tầm mắt bên cạnh những cây thông già lỗ chỗ mảnh bom. Anh đi tìm cây thông già ngày xưa. Thay vào gốc thông kỉ niệm là một hố bom đọng nước. Anh bần thần đặt ba lô xuống và nhìn ra con sông lấp loáng ánh bạc trong buổi chiều nhạt nắng. Trong làng anh những ngôi nhà mới lợp ngói bắt nắng đỏ au, cờ bay rợp trời. Anh gục đầu vào ba lô thổn thức: Hà ơi! Đất nước mình hôm nay đã sạch bóng quân thù, xóm làng đã khác xưa, không phải đón tết trong những căn hầm chật chội nữa… Không biết anh ngồi như thế bao lâu, khi ngước mặt lên anh thấy một cô gái xách cái làn nhựa đựng đầy hương, hoa đứng trước mặt mình. Không tin ở mắt mình nữa: Hà của anh đứng đó vẫn trẻ trung, xinh đẹp như xưa. Gió thổi làm làn tóc cô bay lòa xòa bên má. Anh lảo đảo đứng lên hai tay đưa về phía Hà chấp chới.

– Hà, anh cứ tưởng …. – Tiếng Sơn nghẹn lại, ngắt quãng. Cô gái chững lại mấy giây rồi lao về phía anh

– Trời ơi anh Sơn!

Cô gái ấy chính là Vân, em gái út của Hà. Sau này Vân đã đưa cho Sơn lá thư Hà nhờ cô y tá chép hộ trong bệnh viện:

“Anh Sơn ơi có lẽ em không còn sống được để đợi anh về. Nghe nói người bị thương mà tỉnh táo thế này thì khó sống được lắm. Mai sau ngày toàn thắng anh nhớ thay em đến nghe khúc hát của rừng thông…”.

Phục viên, không hiểu sao Sơn không đi thi đại học mà xin làm việc tại lâm trường của huyện. Nhiều người suy đoán có lẽ sau bao năm dài chinh chiến anh muốn ở lại quê nhà chăm sóc mẹ. Họ có biết đâu anh không muốn xa cái rừng thông đã gắn bó với cuộc đời mình. Lúc đó, Vân cũng vừa tốt nghiệp đại học lâm nghiệp, cô được điều về tăng cường cho lâm trường. Rồi hạnh phúc đã đến với anh cũng tự nhiên như anh đến với lâm trường vậy…

* * *

Con tàu hú một hồi còi dài rồi trườn vào sân ga. Hôm nay trên sân ga đông nghịt người. Đứng sát ở các toa tàu là những tân binh mặc áo màu xanh lá cây, nét mặt ai cũng rạng rỡ. Quang đứng giữa các cô chú công nhân lâm trường, cậu rối rít chào mọi người rồi nhảy vội lên toa xe. Con tàu từ từ chuyển bánh, mọi người trên sân ga giơ tay vẫy vẫy. Quang đưa tay về phía mẹ. Bà Vân cầm khăn tay lau nước mắt. Quang đưa tay lên trán chào bố. Một động tác chào quân sự. Ông nhoẻn miệng cười và giơ tay chào đáp lại. Một cô bé con nhà ai mặc áo phông xanh rẽ đám đông chạy ùa lên giơ cao chiếc nón, vành nón trắng khẽ nghiêng chao trong nắng.

Con tàu ầm ầm lao về phía Bắc, tiếng bánh sắt nện xình xịch xuống đường ray. Trong tiếng máy âm vang ông Sơn vẫn nghe tiếng rừng thông hát.

Hoàng Minh Đức

 

Bình luận (0)