Y tế - Văn hóaThư giãn

Người giấu mình sau khung hình

Tạp Chí Giáo Dục

Đạo diễn dàn dựng chương trình được xem là người có quyền lực giấu mình sau khung hình, nhào nặn ra những tình huống, câu chuyện đủ sức cuốn hút công chúng mà những người chơi phải chấp nhận
“Gọi là chương trình truyền hình thực tế không có nghĩa không có bàn tay dàn dựng. Có dàn dựng mới có được những khung hình đủ sức hấp dẫn khán giả, mới có những tình tiết, câu chuyện có thể chạm đến cảm xúc yêu thương hay giận dữ của công chúng. Đó là tiêu chí chung của những chương trình game show truyền hình thực tế gốc được áp dụng cho các phiên bản trên thế giới. Các chương trình game show truyền hình thực tế ở Việt Nam cũng không ngoại lệ” – một chuyên gia về lĩnh vực truyền hình khẳng định.
Vẽ chuyện
Khi các chương trình truyền hình thực tế ồ ạt đổ bộ vào Việt Nam, vai trò của các đạo diễn chương trình càng trở nên quan trọng. Không giống như các chương trình được phát sóng trực tiếp hay các chương trình biểu diễn đơn thuần, chương trình truyền hình thực tế luôn đòi hỏi mỗi thước phim cần phải có những câu chuyện đủ sức hấp dẫn để giữ khán giả. Tất nhiên, những câu chuyện này phải là những câu chuyện diễn ra tại hiện trường. Cái tài của đạo diễn một chương trình truyền hình thực tế là biết tạo ra tình huống, sau đó sàng lọc những câu chuyện hay trong vô số những câu chuyện của các thí sinh.
Cảnh nhạc sĩ Quốc Trung (phải) đến tận Lâm Đồng trao vé vàng
cho Ya Suy trong Chương trình Vietnam Idol 2012. Ảnh: THƯƠNG HUYỀN
 Ở mùa giải trước của cuộc thi Vietnam’s got talent, câu chuyện về cô gái xương thủy tinh hay cô gái “nhà khoa học” giỏi hát nhạc kịch đã trở thành những điểm nhấn thú vị. Tất nhiên, đây hoàn toàn là những câu chuyện có thật. Và cái tài của các đạo diễn là biết nhấn nhá, tập trung vào những câu chuyện đó để lấy cảm tình của khán giả.
 “Sự nhấn nhá này hoàn toàn phục vụ cho mục đích duy nhất là thu hút sự chú ý của khán giả” – đạo diễn Nguyễn Mạnh Hà (đạo diễn vòng tuyển chọn và bán kết chương trình So you think you can dance) nói. Điều này cũng lý giải vì sao những chương trình Bước nhảy hoàn vũ hay Cặp đôi hoàn hảo luôn có những thước phim đặc tả về quá trình tập luyện gian khổ, những trận cãi nhau đầy nước mắt hay cả những lúc giận hờn không thèm nhìn mặt nhau vì những bất đồng của những người chơi… được lặp đi lặp lại khá nhiều trong suốt cuộc tranh tài. 
Bắt “diễn” cả những trò quen
Ở Vietnam Idol 2012 có 2 tình huống diễn ra trên sóng truyền hình cho thấy bàn tay dàn dựng lộ liễu của đạo diễn. Một là, cảnh Mỹ Tâm gọi điện thoại cho thí sinh, đã bị 2 giám khảo còn lại tước quyền  đi vào vòng trong, ở vòng Thử giọng để trao tấm vé vàng vào ngày hôm sau. Tình huống này diễn ra không thật.
 Hai là, hình ảnh nhạc sĩ Quốc Trung vì đã từ chối cấp vé vàng cho thí sinh Ya Suy nên ân hận, tự mình  lặn lội đến nơi ở của chàng trai dân tộc Chu Ru này ở Lâm Đồng để trao tận tay tấm vé vàng. Tình huống này lộ rõ sự sắp đặt cả cho người trao lẫn người nhận nên thấy giả tạo, chẳng làm xúc động người xem dù Quốc Trung cùng nhóm quay phim của chương trình đã phải trải qua một hành trình dài.
 Với khán giả truyền hình, cảnh tạo bất ngờ cho thí sinh và cho khán giả theo dõi chương trình bằng cách gạt thí sinh ra rồi hôm sau đến tận nhà của họ để trao vé vàng không hề lạ lẫm. Trong cuộc thi nhảy nổi tiếng thế giới Got to dance (Anh – phát sóng trên Star World khu vực châu Á lúc 19 giờ 5 phút thứ năm hằng tuần (giờ Việt Nam), trò này là hình thức chính khi chương trình công bố kết quả, được áp dụng ngay từ mùa giải đầu tiên được phát sóng vào năm 2009 trên kênh Sky1. Sau đó, chương trình này “chu du” đến Mỹ, Ireland, Ấn Độ… với tên Live to dance. Chương trình So you think you can dance cũng có hình thức trao vé vàng tương tự.
 Không ít khán giả theo dõi chương trình truyền hình thực tế Vietnam’s next top model tỏ ra ngạc nhiên khi 2 trong bộ 3 giám khảo gồm người mẫu Xuân Lan, chuyên gia trang điểm Nam Trung khó tính đến mức không cần thiết đối với các thí sinh. Thực tế, việc khắt khe để tìm ra thí sinh “có chất” không có gì đáng nói, điều đáng nói là mục tiêu tìm thí sinh dường như bị chìm hẳn so với việc xây dựng cá tính cho chính giám khảo. Không khó để nhận ra chuyên gia trang điểm Nam Trung, trong vai trò giám khảo và cũng là nhà tạo dựng phong cách cho các thí sinh, đang cố tạo hình ảnh giống với Jay Manuel ở chương trình gốc.
Giám khảo của chương trình The Voice – Giọng hát Việt khi lên sóng có những hình ảnh giống với các giám khảo ngoại trong những chương trình cùng bản gốc. Hành động thường xuyên để nắm đấm lên ngực trái nhằm biểu thị cảm xúc của Trần Lập giống với thói quen thường làm của Cee Lo (huấn luyện viên của The Voice – Mỹ).
 
Rồi cả hành động chạy đến bấm chuông của vị huấn luyện viên khác, khi biểu thị cảm xúc “tiếc” một tài năng mà các huấn luyện viên khác chưa chịu bấm chuông chọn, giống hệt cách Adam Levine đã làm trong The Voice – Mỹ. Và nếu để ý kỹ, khán giả sẽ thấy cái cách biểu hiện của Hồ Ngọc Hà trong lúc thí sinh trình diễn ở chương trình Giọng hát Việt không khác cách của Christina Aguilera ở The Voice – Mỹ là mấy, từ việc nhẩm hát theo thí sinh đến hình ảnh những cái giơ tay đầy phấn khích về phía thí sinh đang thi… 

Tăng thêm kích thích
Hấp dẫn là mệnh lệnh của công chúng đặt ra cho công việc của đạo diễn chương trình truyền hình thực tế. Dù là chương trình mua bản quyền, nhà sản xuất ở mỗi quốc gia có quyền chỉnh sửa nội dung (thêm thắt hay chọn lọc những chất liệu) phù hợp với văn hóa của mỗi quốc gia.
 
Vì vậy, bên cạnh những câu chuyện bắt nguồn từ chính các thí sinh, không thiếu những tình huống thoáng qua như cử chỉ, hành động hay một kịch bản xây dựng sẵn cho cá tính của các giám khảo, huấn luyện viên, người dẫn chương trình… nhằm làm tăng thêm phần kịch tính cho chương trình. 

Theo NLĐ

Bình luận (0)