Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Thú chơi kiểng của người Việt

Tạp Chí Giáo Dục

Hình ảnh cây kiểng trên tem thư. Ảnh: H.T

Thú chơi cây kiểng, từ lâu đã trở thành một nhu cầu văn hóa trong đời sống người Việt. Thông qua việc chăm sóc cây kiểng, các nghệ nhân đã sáng tạo ra cảnh quan thiên nhiên đầy sinh động và hấp dẫn. Họ thầm lặng gửi gắm những tâm tư, ước vọng, niềm tin vào cái dáng của từng tán lá, đường lượn của thân cành một cách giản dị nhưng thật sâu sắc và đầy tính tư tưởng.
Vì vậy, mỗi độ xuân về, mỗi gia đình, dù nhà cửa chật chội, cũng không thể thiếu những chậu hoa kiểng trang hoàng phòng khách, để ngắm cùng bạn bè, người thân.
Mối giao thoa giữa thiên nhiên và con người
Kiểng là một từ thuộc phương ngữ Nam bộ. Theo từ điển, từ kiểng (danh từ) có hai nghĩa: cảnh (trồng kiểng) và kẻng (đáng kẻng). Trong ca dao Nam bộ, kiểng còn dùng với nghĩa là cảnh (hoàn cảnh): Mây muốn mưa, trời chưa có chuyển/ Anh muốn gần nàng, một kiểng hai quê. Những trường hợp còn lại, kiểng được dùng với nghĩa là cây cảnh – loại cây được lựa chọn theo tiêu chí về kiểu dáng, rễ, gốc, cành, lá, khả năng tăng trưởng… được trồng nhằm mục đích trang trí. Có thuyết cho rằng, sở dĩ người Nam bộ gọi “cảnh” là “kiểng” vì kỵ húy người đầu tiên khai hoang Nam bộ là ông Nguyễn Hữu Cảnh. Kiểng là đẹp, cần phải nâng niu, trân trọng, giữ gìn. Kiểng như có linh hồn, biết nói lên cảm nhận (của người trồng kiểng) về cuộc sống nhân sinh.
Người xưa cho rằng cỏ cây là cầu nối giữa trời và đất. Con người sống giữa trời đất thường nhận thức cảm thông với trời đất qua cây cỏ. Do đó, những hoài bão, tình cảm thường được con người giãi bày qua cây cỏ. Hoa kiểng, cảnh vật là phẩm vật mà tạo hóa ban cho trần thế, và người trần thế đã từng thưởng ngoạn hoa kiểng theo nhịp điệu của đất trời. Điều này dường như là điểm xuất phát của thú chơi hoa kiểng. Nghệ thuật chơi cây kiểng, cây thế, non bộ, thưởng hoa đều cùng mục đích là tìm trong vẻ đẹp thiên nhiên một ý nghĩa nhân sinh hơn là thưởng ngoạn hương sắc đơn thuần. Ấy thế nên việc chơi hoa của người Nhật đã nâng lên hàng đạo giáo – hoa đạo và thông qua thú chơi kiểng bonsai, họ đã truyền bá triết lý của mình khắp châu Á. Nghệ thuật bonsai (cây trong chậu cảnh) nhằm thu tóm cảnh trí thiên nhiên vào cái đơn nhất, nho nhỏ trong tầm mắt thưởng ngoạn. Nếu như trà đạo hưởng thụ hương vị thiên nhiên, hoa đạo tôn vinh vẻ đẹp thiên nhiên thì bonsai thể hiện sự sặc sỡ của thiên nhiên, âm thầm nhưng mạnh mẽ. Trong cái nhìn tổng thể, ta sẽ thấy được cái hùng vĩ của một cây đại thụ trong thiên nhiên. Đó là sự cảm nhận mối giao hòa giữa thiên nhiên và con người.
Nghệ thuật chơi kiểng
Thú chơi cây kiểng ở nước ta đã có từ lâu đời, Phạm Đình Hổ đã đúc kết: “Thế mới biết người xưa cũng thường cho thần du vật ngoạn, trong cách chơi mà vẫn ngụ cái ý về thế giáo thiên luân, vậy nên mượn khóm cây tảng đá để ký thác hoài bão cao cả, mở vườn trồng kiểng, chất đá làm non, khiến cho cái cơ “vinh khô đại tạ”, cái hình “tuấn bạt lăng tằng” được trình bày ngay ở chốn sân hè cửa ngõ”. Ban đầu thú chơi này chủ yếu ở các nhà quyền quý và những bậc vương giả. Ngày nay, chơi cây kiểng đã phổ biến đến nhiều tầng lớp, đặc biệt là những người lớn tuổi. Ông cha ta từ xưa đã giao lưu văn hóa với các nước lân bang, trong đó có sinh vật cảnh để tạo ra một phong cách riêng, phù hợp với khí hậu tự nhiên của nước mình. Vì vậy, truy ra cội nguồn thì thú chơi cây kiểng ở Việt Nam ta cũng chịu ít nhiều ảnh hưởng của ngoại lai. Thời phong kiến, thú chơi cây kiểng theo trường phái cổ điển Trung Quốc. Cây cảnh bất luận loại gì cũng phải mang dáng vẻ của những con vật quý hiếm như: long, lân, quy, phụng, hạc, lộc… Mỗi tư thế của mỗi con vật cũng hàm chứa những hoài bão riêng. Thế thần long bái vĩ, mãnh hổ giáng lâm thể hiện mơ ước có được sức mạnh, thâu tóm quyền lực, làm nên nghiệp lớn. Thế phụng hoàng đăng sơn, bạch hạc đơn vũ nói lên niềm khao khát tự do, thanh nhàn, hạnh phúc… Thời nay, dân chơi kiểng thường theo trường phái bonsai Hà Lan, Nhật Bản. Theo trường phái này, cây kiểng cứ để phát triển thoải mái tự nhiên. Nhiều thế cây khá phổ biến hiện nay như: thế trực cảm tượng trưng cho đức tính ngay thẳng, liêm khiết, bộc trực… thế huyền nhai thể hiện tâm hồn thoáng đãng, lãng mạn, phong lưu… thế xiêu phong, thế hoành phi chỉ ý thức vươn lên, quyết không khuất phục trước bạo lực. Nói chung, cũng như cây kiểng theo trường phái cổ điển, mỗi thế kiểng thể hiện một tính cách độc đáo riêng. Chơi cây kiểng, các cụ ngày xưa chú ý đến 4 yếu tố: nhất hình, nhì thế, tam chi, tứ diệp. Chính điều này ta thấy cây cảnh uốn lượn thành 3 tầng, 4 phân đoạn, 5 chùm nhánh là để tượng trưng cho tam cương (quần thần, phu tử, phu phụ), ngũ thường (nhân, lễ, nghĩa, trí, tín) tam tòng (tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử) và tứ đức (công, dung, ngôn, hạnh). Nghệ thuật chơi kiểng làm phong phú cuộc sống hằng ngày của con người. Các cụ thường nói: yêu cảnh, yêu hoa hóa ra yêu đời. Ngồi bên ly trà xanh bốc khói, ngắm nhìn cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng được thu hẹp trong chậu kiểng mini đặt trên bàn nước sẽ cảm thấy tâm hồn thật thanh thản, phiêu bồng, hạnh phúc.
ThS. Nguyễn Hiếu Tín
Sự thanh thản, niềm hạnh phúc của thú chơi cây kiểng lại càng thú vị, hấp dẫn hơn khi được thưởng thức cái đẹp thiên nhiên mang đầy tính triết lý, tính giản lược này trong một thế giới kỳ diệu của nghệ thuật tem thư.
 

Bình luận (0)