Cả Trung Quốc lẫn Tanzania ngày 7/11 đều bác bỏ cáo buộc quan chức Trung Quốc mua số lượng lớn ngà voi bất hợp pháp trong chuyến thăm Tanzania của Chủ tịch Tập Cận Bình hồi năm ngoái, và “mượn” máy bay của ông này để buôn lậu về nước.
Năm 2013, 10.000 con voi bị giết ở Tanzania – Ảnh: AFP
Cáo buộc trên được đưa ra trong một báo cáo do Cơ quan Điều tra Môi trường (EIA), một tổ chức bảo vệ môi trường có trụ sở tại London (Anh), công bố hôm 6/11.
Những năm gần đây, việc săn bắt lậu động vật hoang dã quý hiếm không ngừng gia tăng tại khu vực hạ Sahara của châu Phi, nơi các băng nhóm tội phạm có vũ trang ra tay sát hại voi và tê giác để lấy ngà và sừng, rồi bán sang châu Á làm đồ trang sức và dược liệu.
Tình hình trở nên đặc biệt nghiêm trọng ở Tanzania, nơi 10.000 con voi đã bị giết chỉ trong năm ngoái, theo EIA.
Tuy nhiên, báo cáo của EIA lập tức vấp phải sự phản bác của cả Dodoma lẫn Bắc Kinh.
Phát ngôn viên chính phủ Tanzania Assah Mwambene, ngày 7/11 cho rằng EIA có động cơ “nham hiểm” trong việc công bố bản báo cáo nói trên.
“Tôi tin EIA có một lịch trình bí mật liên quan đến quan hệ giữa Tanzania và Trung Quốc. Ba phần tư những người dính líu vào hoạt động mua bán phi pháp này không phải là người Trung Quốc như ngụ ý trong báo cáo”, ông Mwambene nói.
“Tôi tin EIA có một lịch trình bí mật liên quan đến quan hệ giữa Tanzania và Trung Quốc. Ba phần tư những người dính líu vào hoạt động mua bán phi pháp này không phải là người Trung Quốc như ngụ ý trong báo cáo”, ông Mwambene nói.
Cùng ngày, tại cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hồng Lỗi tuyên bố cáo buộc của EIA là “không có cơ sở”, chính phủ Trung Quốc cực lực phản đối bản báo cáo.
Ông Hồng nhấn mạnh Bắc Kinh cam kết ủng hộ các công ước quốc tế về bảo vệ những động vật bị đe dọa và ngăn chặn việc buôn lậu ngà voi vào Trung Quốc.
Trước đó, vào ngày 4/11, Tổng thống Tanzania Jakaya Kikwete tuyên bố Trung Quốc là “người bạn trong mọi lúc” sau khi trở về từ chuyến thăm chính thức đến Bắc Kinh và ký kết những thỏa thuận đầu tư trị giá nhiều tỉ USD.
Về phần mình, EIA khẳng định phát hiện của họ dựa trên các cuộc gặp giữa các nhân viên điều tra bí mật của tổ chức này và những cá nhân liên quan đến việc buôn bán ngà voi.
“Cuộc khủng hoảng săn bắt lậu ở Tanzania là hậu quả của sự kết hợp độc hại giữa các băng đảng tội phạm, thường do công dân Trung Quốc cầm đầu và nạn tham nhũng ở một số quan chức chính phủ Tanzania”, báo cáo nhấn mạnh.
HUY KHANG (Theo Reuters, VOA)
Bình luận (0)