Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Liên hoan múa rối dân gian toàn quốc lần 1: Lo giữ bản sắc rối Việt

Tạp Chí Giáo Dục

Liên hoan múa rối dân gian toàn quốc lần 1 sẽ diễn ra từ ngày 13 đến 18-6 tại Hải Dương. Cuộc tụ hội đầu tiên của rối có sự tham gia của 14 phường rối nước, bốn phường rối cạn thuộc các địa phương: Hải Dương, Nam Định, Bắc Ninh, Thái Bình, Hà Nội.

Rối Việt muốn sống tiếp phải giữ nguyên giá trị vốn có. Trong ảnh: xem rối nước ở Festival Bắc Ninh 2010 – Ảnh: Tiến Thành

Kho tàng ngàn đời của rối vốn được lưu giữ và trao truyền nơi ao làng cuối cùng cũng có cơ hội bộc lộ, thi tài. Nhưng rối với những tích trò gắn liền cùng đời sống lam lũ của người nông dân xưa liệu có phôi pha khi cuộc sống có quá nhiều biến đổi?

Ông Vương Duy Biên – Ảnh: H.H.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Vương Duy Biên (cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ VH-TT&DL – trưởng ban tổ chức) cho biết: “Tại liên hoan lần này, tiêu chí quan trọng nhất mà chúng tôi muốn hướng đến là giữ càng nguyên gốc những tích trò rối càng tốt, chứ không khuyến khích làm mới hay thay đổi. Cải tiến thì dễ nhưng cái khó nhất là giữ đúng bản sắc truyền thống”.

* Có thể nói, rối là hình ảnh phản chiếu cuộc sống lam lũ của người nông dân trồng lúa nước suốt nghìn năm qua. Nhưng cuộc sống đổi thay, chúng ta sẽ phải giữ cái “bản sắc truyền thống” của rối như thế nào?

– Múa rối cũng như nhiều môn nghệ thuật dân gian khác, có không gian riêng của nó. Đưa tất cả vào nhà hát là làm hỏng bản sắc truyền thống của múa rối. Không gian của rối nước là ao làng, diễn viên không ai khác là người nông dân, tích trò của rối hay đến vậy cũng bởi không khí của đồng lúa, của lũy tre xanh… Muốn giữ rối thì phải giữ không gian đó. Hơn nữa, phải biến việc bảo tồn rối thành nhu cầu tự thân của làng.

Muốn như vậy phải tạo điều kiện cho người nông dân – diễn viên đủ sống. Người ta phải sống sung túc thì mới nghĩ đến xem rối, diễn rối… Chính sách của ngành văn hóa là một chuyện, nhưng chính quyền địa phương phải hiểu rõ điều đó. Chúng ta phải duy trì sinh hoạt của phường rối, cấp kinh phí để đục tạo con rối, sửa chữa thủy đình…

* Nếu đề án Bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống được Chính phủ phê duyệt vào tháng 7, rối Việt sẽ được hưởng lợi gì từ đề án này, thưa ông?

– Nếu được phê duyệt, không riêng gì múa rối, đề án sẽ góp phần chấn hưng các môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Toàn cầu hóa xét dưới góc độ văn hóa cũng sẽ là một nguy cơ. Nhất là đối với các quốc gia nhỏ, kinh tế chưa phát triển, điều đáng lo nhất là đánh mất bản sắc văn hóa.

Trước đây cũng có vài dự án bảo tồn riêng lẻ nhưng chúng tôi nghĩ đã đến lúc phải có chính sách ở cấp độ quốc gia về việc bảo tồn và phát huy các giá trị nghệ thuật truyền thống. Đề án hiện nay đang trong quá trình xây dựng và tiếp thu ý kiến sao cho có tính thực tế nhất. Đây sẽ là đề án thích hợp với trình độ phát triển của xã hội VN.

Không chỉ VN mà nhiều quốc gia Asean có cùng nỗi lo bảo tồn nghệ thuật truyền thống. Nếu thế hệ chúng ta không lo chấn hưng, thế hệ con cháu sau này sẽ chẳng còn gì cả.

* Trong liên hoan múa rối quốc tế tổ chức hồi tháng 9-2010, điều dễ nhận thấy là rối Việt thua rối quốc tế về cả độ đẹp của trang phục và sự phong phú của tích trò. Rối nước vẫn là thứ duy nhất chúng ta dựa vào để tìm kiếm giải thưởng vì đó là loại hình độc đáo của riêng VN. Liệu đã đến lúc chúng ta cần phải nói đến việc thổi một luồng gió mới vào rối Việt?

– Đưa những cái mới vào như thế nào, e rằng vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Xưa nay vẫn tồn tại hai suy nghĩ khác nhau: một đằng là hiện đại hóa, một đằng giữ nguyên truyền thống. Giữ truyền thống tức là giữ cho rối càng cổ càng tốt. Mà không chỉ có rối, các loại hình nghệ thuật dân gian khác cũng vậy. Chèo cổ, tuồng cổ chỉ có vài làn điệu thôi nhưng phải giữ cho đúng. Dù có 1.000 năm sau, Thị Mầu lên chùa phải giữ nguyên như thế.

Rối Việt muốn sống tiếp 100 hay 1.000 năm nữa thì phải giữ nguyên giá trị vốn có. Chúng ta phải rạch ròi hai chuyện hiện đại hóa và giữ truyền thống. Như rối bây giờ nhiều người dùng đinh đóng, dùng chất liệu mới vẽ cho nhanh, thế là hỏng cả con rối. Các cụ xưa dùng mộng tre, sơn ta thế nào thì chúng ta phải trả về cho đúng như thế. Trong việc sưu tầm cũng vậy, chúng tôi khuyến khích sưu tầm càng nhiều trò cổ càng tốt.

Còn việc kết hợp rối cùng nghệ thuật đương đại với hi vọng tạo nên một làn gió mới cũng chưa có nhiều người làm. Tuy nhiên, không thể phủ nhận đó là một xu hướng, và xu hướng nào hợp lý thì chắc chắn sẽ tồn tại. Tôi tin sẽ có người đi tiếp con đường này, chỉ là chưa biết có hay không thôi. Trước đây tôi cũng đã thử nghiệm kết hợp rối nước với nghệ thuật đương đại, nghệ thuật hình thể qua các vở như Hồn quê, Tò he…, sau này là Hương đất.

Theo tôi, đến một lúc nào đó các môn nghệ thuật không thể đứng riêng lẻ mà sẽ kết hợp với nhau. Nhưng mang rối kết hợp với nghệ thuật đương đại, hãy để việc đó cho các nhà hát. Còn các phường rối, tôi nghĩ quan trọng nhất vẫn là giữ đúng truyền thống ông cha để lại.

* Với dàn diễn viên chủ yếu là nông dân, họ có nhận được sự hỗ trợ nào từ ban tổ chức? Qua liên hoan này, chúng ta có thể hi vọng gì về một lớp nghệ nhân trẻ hay không?

– Đương nhiên ban tổ chức sẽ hỗ trợ cho mỗi phường 20 triệu đồng để các nghệ nhân có điều kiện làm con rối, dựng lại các tích trò. Tuy nhiên, vẫn phải kêu gọi sự hỗ trợ trực tiếp của chính quyền địa phương.

Rất may trong nhiều năm vừa qua, múa rối làm du lịch khá tốt nên không lâm vào tình trạng khan hiếm người học nghề. Đặc trưng của rối là truyền nghề trực tiếp, mỗi phường có cách truyền nghề riêng của họ. Bây giờ, những người làm rối phần lớn là lớp trẻ, các nghệ nhân già chỉ tham gia với tư cách cố vấn hỗ trợ thôi.

HÀ HƯƠNG (Theo TTO)

Bình luận (0)