Hiện nay tỷ lệ lao động có trình độ ĐH thất nghiệp ngày càng cao. Theo các nhà tuyển dụng và chuyên gia thị trường lao động, nguyên nhân là do việc chọn ngành nghề chưa phù hợp.
Các chuyên gia tuyển sinh và thị trường lao động đang tư vấn trong chương trình “Đại học không phải con đường duy nhất” tổ chức tại tỉnh Vĩnh Long |
Tránh bỏ học vì không hiểu ngành nghề
Tại chương trình tư vấn hướng nghiệp, xét tuyển CĐ-TC năm 2017 với chủ đề “Đại học không phải con đường duy nhất”, ông Trần Anh Tuấn (Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM) đánh giá: Thị trường lao động TP.HCM giàu về lượng nhưng nghèo kỹ năng dẫn đến vừa thừa vừa thiếu lao động. Nghịch lý là tỷ lệ lao động qua đào tạo, đặc biệt là trình độ ĐH chiếm tỷ lệ thất nghiệp khá cao, nguyên nhân được xác định do còn mơ hồ trong chọn ngành nghề. Theo đó, có đến 75% người học không hiểu ngành nghề mà mình theo học, dẫn đến chán nản, bỏ học giữa chừng.
Cũng theo ông Tuấn, nhu cầu lao động trình độ CĐ-TC tại TP.HCM hiện chiếm 53%, sơ cấp nghề chiếm 30%, và chỉ 17% lao động trình độ ĐH. Như vậy, việc chọn ngành nghề phù hợp năng lực, sở thích, điều kiện tài chính còn phải nhắm đến xu hướng lao động. “Nhà trường và người học cần hình thành cho mình nguồn lao động chất lượng, tuy nhiên đừng xem nhẹ bậc CĐ-TC. Thị trường lao động thời gian tới là thị trường có giá trị ngành nghề, nếu không có giá trị ngành nghề thì có bằng cấp cũng bằng không”, ông Tuấn quả quyết.
Nhu cầu nhân lực ở bậc CĐ-TC rất lớn nhưng TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung chưa đáp ứng được. Ở hai bậc này, thời gian đào tạo ngắn chỉ từ 2-3 năm, ra trường có việc làm ngay và có cơ hội học liên thông, hội nhập với thị trường lao động. |
Theo dự báo, xu hướng lao động của TP.HCM từ nay đến năm 2020 tập trung vào các nhóm ngành công nghiệp trọng yếu, gồm: chế biến lương thực thực phẩm, hóa chất – cao su, cơ khí và điện tử – công nghệ thông tin. ThS. Đậu Ngọc Hà Dương (Giám đốc đào tạo Hệ thống đào tạo lập trình viên Aptech) thông tin: “Đến năm 2020, Việt Nam cần khoảng 1 triệu nhân lực ngành công nghệ thông tin nhưng hiện nay chỉ có khoảng 200.000 người. Năm 2017, lao động ngành này cao hơn 50% so với năm 2016”. Ông Nguyễn Quốc Cường (Phó Ban đào tạo Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM) khuyên: Học sinh không vào ĐH hoặc không trúng tuyển vào bậc học này có nhiều con đường để lựa chọn ngành học phù hợp với năng lực, điều kiện kinh tế để tích lũy kiến thức, thực hành, tạo dựng cho mình một sự nghiệp chứ không nhất thiết vào ĐH mới lập thân được”.
Xuất phát từ việc chọn ngành nghề chưa phù hợp, sinh viên ra trường làm công việc không yêu thích dễ bị nản và có nguy cơ thất nghiệp. Ông Dương Trần Minh Đoàn (Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Việt Mỹ) khẳng định, có một số sinh viên đi học vì bắt buộc chứ không vì sở thích, đam mê. Từ đó, trường đã xây dựng các chương trình đào tạo bổ sung như kỹ năng học tập, xác lập mục tiêu và kỹ năng làm việc… nhằm góp phần làm thay đổi suy nghĩ, tâm lý của các em.
Học gì có việc làm ngay?
Đón đầu xu hướng thị trường lao động để mở ngành nghề mới là một trong những giải pháp thu hút người học. PGS.TS Lê Anh Đức (Hiệu trưởng Trường CĐ Xây dựng TP.HCM) cho biết năm 2017, Trường CĐ Xây dựng TP.HCM tuyển sinh ngành mới là quản lý bất động sản. Với ngành này, sinh viên sẽ tiếp cận với các chuyên ngành nhỏ như quản lý tòa nhà, quản lý đô thị và kinh doanh bất động sản. Theo ông Đức, tại TP.HCM và các đô thị lớn, lao động nhóm ngành này đang thiếu trầm trọng. Nhằm trang bị sâu về chuyên môn, trường ký kết với các doanh nghiệp, tạo điều kiện để sinh viên làm việc theo từng dự án cụ thể mà các nhà tuyển dụng yêu cầu. Tương tự, ThS. Lê Thị Thùy Phương (Trưởng phòng Đào tạo Trường CĐ Kỹ thuật – Công nghệ Vạn Xuân) cũng cho biết, thế mạnh của Trường CĐ Vạn Xuân là các ngành nuôi trồng thủy sản, kỹ thuật điện – điện tử, quản trị nhà hàng – khách sạn và công nghệ thông tin. Theo thống kê, hơn 90% sinh viên ra trường có việc làm ngay với mức lương khởi điểm cao, có cơ hội thăng tiến trong học vấn và công việc.
Khép lại chương trình tư vấn xét tuyển CĐ-TC năm 2017 Chiều 17-8, chương trình tư vấn hướng nghiệp, xét tuyển CĐ-TC năm 2017 với chủ đề “Đại học không phải con đường duy nhất” đã kết thúc tại tỉnh Vĩnh Long. Chương trình do Báo Giáo dục TP.HCM (www.giaoduc.edu.vn) tổ chức với sự đồng hành của Trường CĐ Vạn Xuân và Trường TC Y Dược Vạn Hạnh diễn ra ở nhiều tỉnh/thành. Tham gia chương trình còn có các trường: CĐ Xây dựng TP.HCM, CĐ Việt Mỹ, TC Bách khoa Sài Gòn, Trường Đào tạo Mỹ thuật Đa phương tiện Arena Multimedie. Tại đây, các chuyên gia tuyển sinh và thị trường lao động đã cung cấp nhiều thông tin bổ ích cho học sinh trong việc lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực, sở thích, điều kiện tài chính… Dịp này, Trường CĐ Xây dựng TP.HCM đã trao 5 suất học bổng cho học sinh Trường THPT Vĩnh Long có hoàn cảnh khó khăn học giỏi (500.000 đồng/suất). |
Trước băn khoăn của học sinh về cơ hội việc làm của ngành điều dưỡng, y sĩ… hiện nay, dược sĩ Quách Xuân Phong (Trưởng khoa dược Trường TC Bách khoa Sài Gòn) cho rằng, với chương trình đào tạo gắn với yêu cầu doanh nghiệp thì có trên 90% sinh viên ra trường có việc làm. Bên cạnh cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, trường còn giới thiệu việc làm bán thời gian gần với ngành học cho sinh viên. Ngoài ra, Trường TC Bách khoa Sài Gòn còn liên kết với các đối tác tại Nhật, Đức, Canada để thực hiện chương trình kiến tập đối với ngành điều dưỡng. Trong khi đó, ThS Nguyễn Văn Nhật (Trưởng phòng Đào tạo nhà trường) cũng cho biết, 100% người học được giới thiệu việc làm và có việc làm, hưởng lương ngay từ khi còn học, đặc biệt là các ngành kỹ thuật công nghệ, chế biến thực phẩm. Các ngành y sĩ, điều dưỡng có cơ hội du học tại Nhật Bản.
Về cơ hội việc làm các ngành giao thông, xây dựng, nhóm ngành vật liệu, cấp thoát nước…, PGS.TS Lê Anh Đức khẳng định: 100% sinh viên ra trường có việc làm. Trường CĐ Xây dựng TP.HCM đang đào tạo nhóm ngành kỹ thuật theo công nghệ xây dựng Nhật Bản để đi lao động với visa kỹ sư.
Bài, ảnh: T.Anh
Bình luận (0)