Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Rộn ràng kịch Tết

Tạp Chí Giáo Dục

 

NSƯT Thành Hội và Tuyết Mai trên sàn tập vở Tình duyên thuở trước – Ảnh: A.N

Tết Nguyên đán là mùa bội thu của sân khấu nên hiện giờ các sân khấu kịch đã bắt đầu rộn ràng lên sàn tập vở mới.

Thật ra, các vở diễn không đợi đến Tết mới mở màn, mà từ Noel hoặc Tết dương lịch đã có thể bán vé. Không khí hài kịch vẫn chiếm chủ đạo. Kịch IDECAF có 4 vở, mà Tơ duyên (đạo diễn Hùng Lâm) sẽ cười nhẹ nhàng với chuyện tình yêu. Gái VIP và Choáng của sân khấu Phú Nhuận cũng báo hiệu cười no nê. Tác giả Lâm Quang Tèo của Kịch Sài Gòn năm nay viết Mèo hoang quyến rũ, chọc cười khán giả về tật bồ bịch lăng nhăng. Nhà hát Thế giới trẻ dựng Gia đình siêu quậy cho lớp thanh niên, sinh viên thưởng thức, và đem Kẻ nói dối đa tình từ sân khấu 5B Võ Văn Tần về diễn lại cho thêm tiếng cười mùa xuân.

Nhiều kịch… ma

Tết này, các sân khấu lại đua nhau dựng kịch kinh dị, như: Trăng máu (Kịch Phú Nhuận), Hồn trinh nữ, Ma rừng (Kịch Sài Gòn), Biệt thự bí ẩn (Nhà hát Thế giới trẻ).

Chỉ có sân khấu Hoàng Thái Thanh và Nhà hát Sân khấu nhỏ TP.HCM (5B) dù Tết vẫn trung thành với định hướng của mình. Sân khấu 5B năm nay dựng đến 4 vở Tết. Đảo thiên đường sắp phúc khảo, làm theo kiểu giả định, vui, chắc dành cho những người… hận đàn ông. Những kẻ độc thân, vốn của NSND Năm Châu viết từ mấy chục năm trước, nhưng vẫn còn tính thời sự, và đạo diễn Công Ninh phả thêm vào một chút ý nghĩa của xã hội thời mở cửa, khán giả trí thức ưa suy ngẫm chắc sẽ ưng ý.

Nghệ sĩ Trung Dân viết và dựng Giếng khơi mang màu sắc dân gian, nhưng vẫn đầy châm biếm sâu cay, đúng cái chất của Trung Dân. Anh thường bức xúc chuyện đời, đã thực hiện hàng trăm kịch ngắn kiểu Trên bờ dưới ruộng mà nói cũng chưa “đã”, bây giờ muốn… nói nữa! Đặc biệt nhất phải kể đến vở Bí mật cô dâu phụ là tác phẩm của nước ngoài (Anh) lại dám xuất hiện trong bối cảnh người người thích xem hài kịch ngày xuân.

Sân khấu Hoàng Thái Thanh vẫn chọn kịch bản tâm lý xã hội, gia đình, chỉ thêm chút dí dỏm cho hợp ngày Tết. Khán giả nơi đây có cái gu là không cần cười nghiêng ngả, mà cần thêm sự sâu lắng, cảm động, những kinh nghiệm ứng xử trong thực tế. Chắc họ sẽ hài lòng với vở Tình duyên thuở trước đề cao bản sắc dân tộc và vở Không cần đàn ông kể chuyện tình yêu, tình thương gia đình ấm áp, gần gũi. Đặc biệt nhất là đạo diễn Ái Như đang xin phép cho một chàng trai trẻ người Pháp tên

Guillaume được tham gia biểu diễn. Anh là giảng viên giỏi khoa Điện ảnh của trường Truyền thông đa phương tiện ARENA, nói tiếng Việt như gió. Có anh tham gia sẽ nhấn mạnh thêm bản sắc Việt Nam, để chúng ta biết quý hơn những gì chúng ta đang có.

Hoàng Kim (Theo TNO)

Bình luận (0)