Xe mọi trọng tải chạy ầm ầm, hàng quán la liệt, vật liệu xây dựng tràn lan, rác thải đổ bừa bãi… Thực trạng đó đã biến con đường đi dạo ven Hồ Tây đẹp đẽ trở thành con đường “khổ”, gây nhiều bức xúc cho dân.
Bắt đầu từ đường Lạc Long Quân đến làng Việt – Nhật, đường dạo ven Hồ Tây (Hà Nội) đi qua địa phận phường Bưởi và phường Thụy Khuê (quận Tây Hồ). Suốt chiều dài con đường, không gian mở hướng ra mặt hồ rộng lớn đã tạo cho con đường vẻ đẹp vừa tự nhiên vừa hiện đại.
Tuy nhiên, khi con đường được mở ra cũng là lúc việc kinh doanh buôn bán ở khu vực này diễn ra tấp nập. Dọc con đường dạo ven hồ, vỉa hè, thảm cỏ, vườn hoa, khuôn viên bị các hộ kinh doanh ngang nhiên chiếm dụng làm điểm bán hàng ăn và giải khát, bất chấp các quy định cấm. Trong đó bị chiếm dụng triệt để nhất là đoạn đường thuộc phường Bưởi.
Hàng ăn…
Bác Thanh (ở phường Bưởi) cho biết: “Họ lấn chiếm hết cả vỉa hè, khuôn viên khiến người đi bộ, đi dạo không có đường mà đi. Phải đi chung đường với ô tô, xe máy nên nhiều người đi bộ đã bị va quệt, tông ngã…”.
Trên thực tế, đường dạo ven hồ nhỏ hẹp, diện tích vỉa hè không nhiều nhưng bị biến thành hàng quán, tập kết vật liệu xây dựng khiến người đi bộ phải mạo hiểm đi dưới lòng đường cùng với các loại xe ở mọi trọng tải đua nhau chạy ầm ầm suốt ngày đêm. Vào buổi tối, các hộ kinh doanh ngang nhiên chiếm dụng ghế đá, trải chiếu la liệt trong khuôn viên khiến các thảm cỏ xanh ở đây tan nát.
… quán nước "chiếm dụng" triệt để vỉa hè, khuôn viên.
Chưa hết, sau 1 buổi bán hàng, cách dọn rác vừa nhanh vừa tiện mà các hộ kinh doanh hàng ăn, quán nước ở đây vẫn quen làm là xả thẳng xuống hồ Tây, gây mất mỹ quan và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Chị Hoa (ở phường Thụy Khuê) than: “Tôi đã tận mắt nhìn thấy người đổ bã mía, vỏ ốc và đủ các loại rác thải khác xuống hồ Hồ Tây. Những ngày trời oi nóng rác thải dưới hồ bốc mùi kinh khủng!”.
Bị vật liệu xây dựng cản bước, người đi bộ phải "tranh" đường của ô tô, xe máy
Theo ghi nhận của PV , vào thời điểm lực lượng chức năng ra quân thì các hộ kinh doanh tỏ vẻ cảnh giác hơn để chạy hàng, tuy nhiên do các đợt ra quân dẹp hàng rong, quán cóc thưa thớt và chớp nhoáng nên các đối tượng vẫn ngang nhiên tái chiếm không gian công cộng và yên tâm kinh doanh hàng ngày.
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần có những biện pháp cứng rắn và dứt khoát hơn để chấn chỉnh và dẹp bỏ thực trạng trên nhằm đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường và cảnh quan đô thị, hướng tới đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.
CNQ (dantri)
Bình luận (0)