Tuyên truyền pháp luậtVăn minh đô thị

Giọng thành phố, giọng nhà quê

Tạp Chí Giáo Dục

Đó là kiểu phân biệt giữa giọng của những teen ở các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh với giọng của những teen ở các khu vực tỉnh lẻ khác.

1. Giọng thành phố, giọng nhà quê…

Đó là kiểu phân biệt giữa giọng của những teen ở các thành phố lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh với giọng của những teen ở các khu vực tỉnh lẻ khác. “Giọng thành phố” thường chuẩn hơn, dễ nghe hơn trong khi “giọng nhà quê” thì lại nặng hơn, mỗi khu vực phát âm sai mỗi kiểu, người nghe không quen chỉ biết đứng nhìn. Có một sự thật đáng buồn là teen mình đã có một thời phân biệt lẫn nhau theo kiểu “giọng nói quyết định đẳng cấp”.

T.Minh (Quảng Ngãi) hôm nhập học ở thành phố Hồ Chí Minh đã một phen đỏ mặt tía tai khi vừa mở lời đã thấy cả lớp cười nghiêng ngả. Ngớ người một chặp, bạn mới nhớ ra là mình đang nói giọng miền Trung giữa lớp học toàn dân thành phố. Từ dạo đó, cứ mỗi lần trông thấy Minh, nhiều bạn cùng lớp lại châm chọc, cố tình nhại tiếng khiến cho cậu bạn càng thấy tủi thân. Và thế là từ một cậu học trò năng động lúc ở quê, Minh trở nên một người khép kín, ít trò chuyện với bạn bè. Trong những giờ họp lớp, hội thảo, có nhiều ý kiến hay muốn chia sẻ, Minh định giơ tay phát biểu, nhưng nghĩ đến chuyện giọng nói, nên đành thôi…

Chính vì lẽ đó mà nhiều bạn ở tỉnh khi lên thành phố học trọ thường hay phải cố tình đổi giọng, bắt chước giọng ở nơi mình đến chỉ để che đi gốc gác của mình.

2. Nhưng teen đang đang ngày càng xích lại gần nhau hơn…

Thời buổi hội nhập, một người đang ở miền Bắc cũng có thể dễ dàng nghe được giọng miền Trung. Một người ở tận Hà Giang, cũng có thể nghe giọng Cà Mau mỗi tối. Khoảng cách về giọng nói ngày càng được thu hẹp. Những bạn ở tỉnh thì chỉ cần sửa lại giọng mình một tí xíu, giúp người đối diện dễ nghe hơn. Còn các bạn ở thành phố thì không còn cái nhìn thiếu thiện cảm đối với những “giọng nói lạ” nữa.

Internet, các mạng xã hội trên toàn quốc, các dự án dành riêng cho teen được tổ chức rộng khắp, liên kết teen các tỉnh thành. Nhờ thế mà hiện nay, không có gì lạ khi mỗi teen lại có đến vài người bạn thân khác tỉnh thành. Những lần các bạn từ những tỉnh thành khác nhau ngồi trò chuyện, tâm sự là những lúc các bạn ấy đang tập nghe giọng của nhau. Nghe lâu thành quen, những giọng nói trước đây thấy khó nghe, giờ thấy dễ thương và đặc biệt. Còn các bạn ở tỉnh thì lại không còn thấy tự ti như trước, mà lại nhiệt tình giải thích, chỉ vẽ ngôn ngữ quê hương mình cho người bạn đối diện. Như cô bạn H.An (Huế) có một cậu bạn thân người Quảng Nam. Bạn chia sẻ: “Mình giải thích những từ phương ngữ Huế cho bạn ấy hiểu thế nào là o, mệ, răng, chắc, chộ…còn bạn ấy lại giúp mình cắt nghĩa những từ ngữ phát âm theo giọng Quảng Nam. Thấy vui lắm, như là tụi mình đang giao lưu văn hoá í”.

***

Bây giờ, không còn ai phân biệt “giọng thành phố, giọng nhà quê”, mà các bạn chỉ nhắc đến những cái tên cụ thể, như giọng Hà Nội, giọng Nghệ An, giọng Huế, giọng Quảng…Đơn giản là mỗi nơi có một nét riêng, mỗi vùng miền có một cá tính riêng không thể hoà lẫn và dĩ nhiên là không thể phân biệt cao-thấp.

Câu chuyện về giọng nói cho thấy một tín hiệu đáng mừng về một thế hệ teen Việt hiện đại, đang ngày càng văn minh hơn trong thời buổi hội nhập.

MINH ĐỨC

 

Bình luận (0)