Tuyên truyền pháp luậtVăn minh đô thị

Lại nạn đeo bám khách ở Hà Nội

Tạp Chí Giáo Dục

Dạo gót quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm trong dịp lễ kỷ niệm 55 năm ngày giải phóng Thủ đô và khởi động Năm Du lịch Quốc gia, tôi thấy vẫn có quá đông người hành nghề đeo bám khách du lịch.

Bán hàng cho khách nước ngoài bên bờ hồ Hoàn Kiếm – Ảnh: Quyền Thành

Vẫn nhan nhản cảnh những người lớn tuổi bám theo khách nước ngoài để mời mọc họ mua tranh ảnh, quà bánh, đồ lưu niệm với một thái độ rất quyết liệt và thiếu văn hóa.

Trẻ ăn mày cũng đông đúc không kém, xin bằng được những đồng đôla lẻ từ khách. Khách muốn ngồi ghế đá để ngắm cảnh bức tranh mùa thu vàng của mặt nước Hồ Gươm bồng bềnh cũng không yên thân khi người này mời, kẻ kia bám.
Không ít du khách nổi cáu, phát khùng vì không chịu được thực trạng này. Khi thấy khách nổi đóa, những kẻ đeo bám cũng không vừa; Họ buông những lời chửi khách tục tĩu rồi mới chịu bỏ đi.
Không chỉ ở khu vực Hồ Gươm, hầu như ở bất cứ khu danh lam thắng cảnh nào có du khách viếng thăm trong địa bàn thành phố cũng luôn đầy rẫy những kẻ đeo bám.
Ở Văn Miếu, Bảo tàng Dân tộc học, khu vực Lăng Bác, khu vực Hồ Tây, đền Cổ Loa, v.v… ở nơi nào cũng thường trực vài ba chục kẻ, chưa kể tới một lực lượng đáng kể những người đi xe máy bám theo ô tô của khách du lịch để bán hàng.
Vấn nạn đeo bám khách du lịch từ lâu luôn làm đau đầu sở du lịch ở các địa phương, bởi lẽ vì tình trạng này cũng là một nguyên nhân không hề nhỏ khiến cho khách du lịch quốc tế một đến ít khi trở lại.
Được biết, các chiến dịch xử lý nạn đeo bám ở các địa phương luôn được thực thi nhưng xem ra kết quả thì không hề khả dĩ, bởi lẽ sự kiên quyết là không hề có.
Ngay như ở Hà Nội, mà thực tế là khu vực quanh Hồ Gươm, mặc dù có tới cả vài chục người làm công tác giữ gìn trật tự quanh hồ nhưng tình trạng này đâu có giảm. Đuổi chỗ này thì họ dạt sang chỗ khác. Làm gắt gao thì họ hoạt động theo kiểu bí mật, nghĩa là cho quà bánh, đồ lưu niệm, sách ảnh vào balô, túi khoác để bám cùng khách.
Thiết nghĩ, để cho Năm Du lịch Quốc gia thực sự ấn tượng với du khách và bạn bè quốc tế thì chúng ta nên kiên trì vận động, thuyết phục và giúp đỡ một cách hiệu quả những người không may rơi vào cảnh buộc phải hành nghề này.
Chẳng hạn, tổ chức các lớp giáo dục những người bán hàng rong có hành vi ứng xử văn hóa với du khách. Nhưng mặt khác, phải có chế tài mạnh đối với những kẻ cố tình chai lỳ. Có thể,  xóa sổ được vấn nạn này không hề dễ, nhưng cũng phải không thể không làm nổi.
Vấn đề  là chúng ta có quyết tâm hay không mà thôi. 
Lê Kết (Hà Nội)

 

Bình luận (0)