|
|
>
Ca sĩ Ánh Tuyết, một trong số các ca sĩ luôn thích hát thật khi biểu diễn – Ảnh: Đ.T
|
Quy chế rất rõ ràng
Từ ngày 1.1.2010, Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng ban hành kèm Nghị định 103/2009/NĐ-CP của Chính phủ cấm tuyệt đối hành vi hát nhép, được giải thích cụ thể là "hành vi dùng băng, đĩa hoặc các phương tiện âm thanh khác đã thu sẵn để thể hiện thay cho giọng hát thật của người biểu diễn sẽ bị phạt tiền từ 3 triệu đến 5 triệu đồng". Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng có Công văn số 842/NTBD gửi các sở Văn hóa – Thể thao – Du lịch (VH-TT-DL) trên cả nước yêu cầu siết chặt việc quản lý, xử lý hành vi hát nhép tại địa phương. Trước đó, Quyết định 47 của Bộ Văn hóa – Thông tin ban hành năm 2004 rồi Nghị định 11 ký năm 2006 cũng nghiêm cấm chuyện hát nhép.
Tuy nhiên, dường như các nhà quản lý văn hóa không thể kiểm soát nổi hành vi hát nhép của các ca sĩ.
Bao giờ chấm dứt?
“Nạn hát nhép từ đầu năm 2010 đến nay có chuyển biến tích cực tuy chưa nhiều. Hiện nay một số chương trình ca nhạc trên HTV như Album vàng đều được ca sĩ hát thật. Còn chuyện khi duyệt phúc khảo ca sĩ hát thật đến lúc biểu diễn lại hát nhép thì chúng tôi gặp khó khăn về quản lý do lực lượng kiểm tra quá mỏng, khó hạn chế được vấn nạn này” – Ông Lê Văn Lộc, chuyên viên Phòng Nghệ thuật ( Sở VH-TT-DL TP.HCM) |
Đạo diễn Trần Vi Mỹ khẳng định: "Đại đa số khán giả trẻ, tuổi ô mai thích đi "xem" ca nhạc hơn nghe chất giọng thật của ca sĩ. Hiện nay các "ngôi sao ảo" được khán giả trẻ rất ưa chuộng trong khi ban tổ chức chịu áp lực, ảnh hưởng bởi nhà tài trợ đòi hỏi sự xuất hiện của các ca sĩ đó nên khó mà thoát khỏi chuyện hát nhép. Chỉ khi nào nhà sản xuất chương trình cam kết với cơ quan chức năng không mời những ca sĩ chuyên hát nhép thì động thái này mới tác động ngược lại nhà tài trợ, ca sĩ hát thật được ưu tiên mời thì lúc đó may ra giảm bớt vấn nạn này".
Có thể thấy rõ thực trạng hiện nay là rất nhiều ca sĩ từ hạng sao đến hạng "xoàng" đều lười tập với ban nhạc cho dù biểu diễn trong một chương trình được dàn dựng quy mô. Đa số họ đều bận "chạy" sô, ỷ lại vào khả năng cũng như kỹ thuật của giọng hát nên gần đến giờ phúc khảo mới xuất hiện. Để an toàn, họ thường đưa đĩa ghi âm sẵn cho đạo diễn hay nhà sản xuất rồi cứ thế mà lên sân khấu!
Có ca sĩ tuổi cao sức yếu nhưng vẫn muốn xuất hiện nên đành chọn giải pháp hát nhép. Và cũng có nhiều ca sĩ trẻ chọn hình thức "nhảy" hơn hát nên ra sân khấu buộc lòng phải… nhép để dồn toàn lực vào việc nhảy cho đẹp.
Một nguyên nhân phụ khác là kỹ thuật âm thanh của nhiều chương trình ca nhạc hiện nay đều dưới mức trung bình nên để đảm bảo chất lượng giọng hát, ca sĩ cũng đành hát nhép. Ngoài ra, có những chương trình ca nhạc dựng quá gấp gáp, dùng ca khúc mới, khó thuộc nên để đảm bảo thu hình trực tiếp không bị lỗi phần hát, đành phải hát nhép là cách tốt nhất. Thế nên cũng dễ hiểu khi rất nhiều chương trình ca nhạc trên đài truyền hình hiện nay đều chấp nhận để ca sĩ tham dự hát nhép mà theo lý giải từ phía nhà đài là để đảm bảo kỹ thuật thu phát sóng trực tiếp.
Thiết nghĩ nếu thiếu các biện pháp chế tài thật mạnh, chỉ phạt tiền cho có mà không rút giấy phép tổ chức biểu diễn (ban tổ chức) hoặc giấy phép hành nghề (ca sĩ) khi phát hiện các trường hợp hát nhép thì việc đưa ra nhiều nghị định, quyết định chỉ mang tính hình thức, chứ không thể dẹp tận gốc nạn hát nhép vẫn diễn ra đều đặn như hiện nay.
Đỗ Tuấn (Theo TNO)
Bình luận (0)