Cục quản lý cạnh tranh đã ra văn bản chuyển từ điều tra sơ bộ sang điều tra chính thức với doanh nghiệp chiếu phim mạnh nhất VN. Trong cuộc họp với các bên, Megastar tỏ ra lẩn tránh vấn đề và chỉ hứa sẽ xem xét vụ việc. Báo chí quốc tế cũng quan tâm đến chuyện này.
Giá vé phim "Up in the air" của Cinema1 ngày 22/6. Ảnh: N.T. |
Tại cuộc họp giữa các bên sáng 25/6 tại Cục điện ảnh (Hoàng Hoa Thám – Hà Nội) về phía các cơ quan quản lý nhà nước có Cục điện ảnh, Ban tuyên giáo trung ương, Vụ pháp chế của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Thanh tra Bộ, đại diện Megastar và đại diện sáu doanh nghiệp chiếu phim Việt Nam. Đại diện Cục quản lý cạnh tranh – ông Nguyễn Đức Minh, Phó trưởng ban điều tra các vụ việc cạnh tranh – được giao phụ trách vụ khiếu nại tới tham dự với tư cách quan sát viên.
Trong cuộc họp, đại diện Megastar khẳng định, họ không ép buộc, không độc quyền mà đưa ra giá cho các doanh nghiệp chiếu phim Việt Nam tùy ý lựa chọn. Tuy nhiên, ông Trần Cảnh Tuệ – Giám đốc Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng Đồng Nai – phát biểu: “Tôi có thể chứng minh rằng Megastar đang muốn loại dần các doanh nghiệp Việt Nam dưới nhiều hình thức. Đầu tiên họ bắt các cơ sở chiếu phim tăng tỷ lệ phần trăm doanh thu cho họ. Chúng tôi vì muốn có phim chiếu nên đành chấp nhận. Họ tiến hành tiếp bước thứ hai, đưa ra các điều khiện khoán, chi phí vận chuyển, nâng cấp… Chúng tôi vẫn gắng gượng theo. Vì thế, họ đưa ra bước quyết định, yêu cầu giá tối thiểu chia cho Megastar trên một vé xem phim là 25 nghìn đồng, trong khi ở một địa phương như Đồng Nai, giá vé xem phim bình quân cũng chỉ ở mức 25 nghìn đồng”.
Ông Mai Tiến Dũng – Tổng giám đốc công ty sở hữu rạp Tháng Tám (Hà Nội) – cho biết: “Chúng tôi thì muốn Megastar áp giá lắm mà không được, vì rạp chúng tôi gần rạp Megastar quá nên họ không cho chúng tôi thuê phim. Khi vụ kiện xảy ra, họ cho chúng tôi một bản danh sách và bảo chúng tôi có quyền chọn thuê bất cứ phim nào. Sau khi chúng tôi chọn, họ lại bảo không đưa phim cho chúng tôi được mà không hề nói lý do”.
Ông Nguyễn Đăng Dương – Giám đốc Trung tâm chiếu phim Quốc gia (Hà Nội) – kể rằng, rạp của ông đã đề nghị được thuê những phim hoạt hình cũ do Megastar nhập từ năm 2008 – 2009 để chiếu cho học sinh nhân dịp hè, nhưng Megastar vẫn đòi áp dụng giá thuê tối thiểu 25 nghìn đồng nhân số lượng vé bán, trong khi thiếu nhi là người còn phụ thuộc về mặt kinh tế.
Trong khi đó, ông Vĩnh Long – Phó tổng giám đốc Megastar không đi vào trả lời trực diện các vấn đề sáu doanh nghiệp Việt Nam đưa ra mà nhấn mạnh vào những đóng góp của Megastar cho thị trường chiếu phim Việt Nam. Theo Megastar, mọi khúc mắc, xung đột chỉ nằm ở cách hành xử chưa phù hợp gây nên phản ứng của các doanh nghiệp. Nhưng ông Lại Văn Sinh – Cục trưởng Cục điện ảnh, đơn vị chủ trì cuộc họp lại kết luận: Chuyện không phải ở vấn đề hành xử mà nằm ở chính sách kinh doanh, vì vậy Megastar phải có những điều chỉnh hợp lý. Nếu sự việc vẫn theo hướng tiêu cực, Cục điện ảnh sẽ phải can thiệp, tham mưu cho Quốc hội thay đổi chủ trương chính sách trong việc cho phép doanh nghiệp có phần lớn vốn nước ngoài kinh doanh ở thị trường điện ảnh Việt Nam. Đại diện Megastar phát biểu cuối cuộc họp: “Chúng tôi đã biết ý kiến sáu doanh nghiệp và ý kiến đại diện phía nhà nước. Chúng tôi sẽ xem xét”. Tuy nhiên, ông Vĩnh Long không cho biết, thời hạn cụ thể của việc xem xét này.
Bài viết của phóng viên Matt Steinglass đăng ngày 29/5 trên tờ báo danh tiếng của Anh Financial Times về việc sáu doanh nghiệp chiếu phim Việt Nam kiện Megastar vi phạm luật cạnh tranh. |
Theo Cục trưởng Lại Văn Sinh, quan hệ giữa các doanh nghiệp chiếu phim trong thời gian qua có rất nhiều vấn đề cần điều chỉnh. Ông Sinh nhấn mạnh, việc quan trọng là đảm bảo hoạt động các doanh nghiệp phù hợp đời sống pháp luật, đảm bảo quyền lợi của khán giả và đảm bảo quyền lợi các chủ thể khác bao gồm các đối tác để đảm bảo chủ trương phát triển nền điện ảnh dân tộc. Ông Sinh cũng khẳng định, vấn đề về cạnh tranh sẽ có Cục quản lý cạnh tranh xem xét. Các bộ, ban ngành sẵn sàng hỗ trợ tối đa Cục quản lý cạnh tranh trong vụ việc này.
Hiện Cục quản lý cạnh tranh sau quá trình điều tra sơ bộ, xét thấy có dấu hiệu cho thấy Megastar vi phạm luật cạnh tranh Việt Nam, đã ra quyết định ngày 18/6, điều tra chính thức vụ việc. Theo đó, Cục quản lý cạnh tranh sẽ tiến hành điều tra hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường liên quan quy định tại điều 13 luật cạnh tranh. Thời gian điều tra diễn ra trong vòng 6 tháng, bên bị có thể được hai lần gia hạn, mỗi lần không quá 60 ngày. Phía Megastar đã thuê công ty luật của Mỹ là Baker&Mckenzie đại diện cho mình trong vụ kiện. Luật sư của công ty này đã làm việc với Cục quản lý cạnh tranh Việt Nam.
Báo chí quốc tế cũng tỏ ra quan tâm tới sự việc này. Bài viết của phóng viên Matt Steinglass đăng ngày 29/5 trên tờ Financial Times (Anh) đặt ra vấn đề: “Các doanh nghiệp chiếu phim Việt với việc chống độc quyền”. Trong bài viết của mình, Steinglass cho biết: Từ những phòng chiếu chất lượng kém, sử dụng một giọng thuyết minh tiếng Việt đơn điệu, nhàm chán, ngày nay, đám đông thanh thiếu niên Việt đã có thể xem những phim bom tấn như Avatar bằng phụ đề trong những phòng hạng nhất với âm thanh Dolby và thậm chí cả 3D. Tác giả cho rằng: “Megastar chắn chắn đã làm được nhiều hơn bất kỳ công ty nào khác trong việc đưa điện ảnh Việt Nam hội nhập điện ảnh thế giới… Nhưng doanh nghiệp hàng đầu này đang đối mặt với khiếu nại chống độc quyền từ sáu doanh nghiệp chiếu phim về việc lạm dụng vị trí thống lĩnh của mình”.
“Cục Quản lý cạnh tranh Việt Nam đã phát động một cuộc điều tra. Eng Hee Lim, Tổng giám đốc của MegaStar, cho biết Megastar nhận được thông báo chính thức của cuộc điều tra nhưng từ chối bình luận về vụ việc” – bài báo viết. Tác giả nhận định: “Hành động chống độc quyền này cho thấy dấu hiệu trưởng thành của thị trường điện ảnh Việt Nam”.
Trao đổi về phản hồi của độc giả VnExpress.net đối với vụ việc, đại diện pháp lý sáu doanh nghiệp chiếu phim Việt Nam cho biết, ông rất cám ơn những độc giả đã hiểu và ủng hộ sáu doanh nghiệp Việt Nam trong việc nỗ lực có được một thị trường chiếu phim lành mạnh. Với luồng dư luận trái chiều cho rằng, sáu doanh nghiệp Việt Nam vì thua kém trong việc thu hút khán giả nên cùng nhau làm đơn tố Megastar, vị luật sư này cho rằng: độc giả hiểu lầm bản chất sự việc. Họ không kiện vì Megastar bán vé cao mà là phản đối Megastar lợi dụng vị trí thống lĩnh của mình đưa ra giá phát hành phim quá cao cho các doanh nghiệp khác. Như vậy, Megastar đã vi phạm quyền để các doanh nghiệp khác có đối tượng khán giả riêng của mình. “Doanh nghiệp Việt Nam không thể phản đối chuyện khán giả có 100 nghìn đồng vào rạp chiếu phim của Megastar, nhưng những người có 20 nghìn đồng có quyền tới những rạp nhỏ hơn để thỏa mãn nhu cầu giải trí văn hóa của mình. Đây là chuyện phân khúc thị trường. Việc Megastar áp đặt giá vé sẽ khiến khán giả tầm trung tẩy chay các rạp nhỏ. Trong khi đó, khán giả không có kênh thông tin để phản ứng lại sự bất công này” – ông cho biết thêm. |
Ngọc Trần (Theo VNE)
Bình luận (0)