Rác thải vứt đầy bờ biển, “tấn công” các con đường, ngập ngụa dưới kênh mương… ngày ngày bốc mùi hôi thối, tra tấn người dân ở khắp các làng quê.
Đó là thực trạng ở rất nhiều làng quê miền Bắc hiện nay.
Những con đường rác
Suốt nửa tháng trời rong ruổi khắp các làng quê miền Bắc, từ Thanh Hóa, Hà Nam, Bắc Ninh, ngoại thành Hà Nội đến Sơn La…, chúng tôi nhận thấy rác thải đã trở thành vấn đề đáng báo động. Đâu đâu cũng thấy những đống rác tràn ra các con đường liên thôn, liên xã, những “núi” rác ngay vệ đường…
“Con đường rác số 1 Việt Nam” |
Dọc hai bên đường liên thôn nối thôn Dương Ổ và Đào Xá (xã Phong Khê, TP.Bắc Ninh), đoạn cách UBND xã Phong Khê chưa đầy 300 m, rác thải sinh hoạt các loại chất đống, ruồi nhặng bâu đầy, mặc biển “cấm đổ rác” của chính quyền chình ình… giữa đống rác. Ông Nguyễn Văn Chuyển, Chủ tịch UBND xã Phong Khê, nói do chưa thành lập được tổ thu gom rác nên đêm đêm nhiều người dân thôn Dương Ổ lén đem rác ra đây vứt trộm. Tương tự, dọc hai bên dốc Tân Cương trên tỉnh lộ 43 thuộc địa phận tiểu khu 84 và 85 (Mộc Châu, Sơn La) ngổn ngang những bao tải, túi ni lông đầy rác.
Tại ngoại thành Hà Nội, rác nhiều và nghiêm trọng hơn. Bên vệ đường đoạn chạy qua xã Ngọc Hòa (H.Chương Mỹ) và các xã lân cận đang tồn tại 2 bãi rác thải lớn, bốc mùi xú uế. Gần khu chợ Cá (xã Nam Phương Tiến) và đường Văn Tú (xã Hoàng Văn Thụ) cũng đều thuộc địa phận H.Chương Mỹ có 2 đống rác to lấn cả ra lòng đường. Dọc tỉnh lộ 419, đoạn chạy qua xã Bình Phú (H.Thạch Thất) dài vài cây số nhưng đã có 2 điểm đổ rác tự phát.
Kênh Đồng Nai (xã Tràng An, H.Lục Bình, Hà Nam) rác nổi kín cả mặt nước |
Dù vậy, những con đường nêu trên còn được xem là “may mắn” hơn rất nhiều lần so với con đường liên xã nối liền xã Bình Phú và xã Hữu Bằng (H.Thạch Thất). Nếu xét về mức độ ngập rác và hôi thối thì có thể nói con đường dài trên 1 km này nghiễm nhiên “ẵm” ngay ngôi vị… “con đường rác số 1 Việt Nam”. Trên con đường này, có tới 2 bãi rác khổng lồ, trong đó, dọc hai bên đường đoạn nối liền thôn Thái Hòa (xã Bình Phú) và thôn Giếng (xã Hữu Bằng) dài 300 m chất đầy rác. Túi ni lông, cơm thừa canh cặn, phân gia súc gia cầm, bàn ghế hỏng, mùn cưa, giày dép hỏng, chiếu rách… đều góp mặt trên “con đường rác này”. Rác tràn xuống hai bên lòng đường. Ruồi nhặng bay vù vù. Khói bốc lên nghi ngút do người dân châm lửa đốt vì “ngứa con mắt” khi thấy rác chất đống cao quá. “Thối lắm chú ơi. Nhà tôi ở ngay đây nên lãnh đủ. Nhất là những khi người ta đốt rác. Khói quyện với mùi hôi thối xộc vào mũi, đau đầu, buốt óc lắm”, bà Nguyễn Thị Lài (thôn Phú Hòa) than thở.
Theo ông Nguyễn Hữu Thắng, Phó bí thư thường trực xã Bình Phú, “con đường rác” thuộc địa phận quản lý hành chính của xã, trở thành nỗi bức xúc lớn của địa phương suốt tháng này qua năm khác. “Người dân bên Hữu Bằng cứ đổ trộm rác ra đấy. Chúng tôi không thể cứ suốt ngày ngồi hai bên đường mà canh. Xã đã bắt quả tang nhiều vụ người ta dùng cả xe tải đem rác tới đổ, xử lý hành chính rồi nhưng không dẹp được nạn đổ trộm rác. Thậm chí, ông trưởng thôn bên xã tôi nhắc nhở người ta đổ rác bừa bãi còn bị dọa đánh”, ông Thắng nói.
Trái ngược với lời của ông Thắng, Chủ tịch UBND xã Hữu Bằng Phan Lạc Trường lại tố: “Rác đó toàn bộ là của người dân Bình Phú đổ ra”. Xã nọ đổ lỗi cho xã kia, còn rác mỗi ngày một chất đầy hai bên đường…
Biển thối, kênh rác
Đến xã Ngư Lộc (H.Hậu Lộc, Thanh Hóa), nhiều người sẽ thấy bờ biển ở đây xứng đáng đoạt danh hiệu “bờ biển thối nhất Việt Nam”.
Rác chất từng đống chạy dọc bờ biển Ngư Lộc – Ảnh: Q.D |
Đi trên triền đê cách khu dân cư đông đúc chừng 2-3 m, đập vào mắt chúng tôi là một bờ biển… ngập rác. Rác chất thành từng đống, dày vài tấc kéo thành vệt dài, chạy dọc bờ biển của cả các xã bên cạnh như Minh Lộc và Hưng Lộc. Những con sóng biển đánh vào bờ hất tung những tảng rác, nước đục ngầu. Đủ thứ mùi hôi thối từ bãi rác xộc lên, khiến người hít phải đau đầu, buồn nôn. “Không có chỗ đổ rác, rác thải của cả xã, kể cả lượng rác do các tổ thu gom rác thôn xóm đều đem đổ hết xuống bờ biển. Vẫn còn những gia đình không có nhà xí, trẻ nhỏ thì đại tiện, tiểu tiện ngay bờ biển bất kể sáng hay chiều, người lớn thì phải đợi màn đêm buông xuống mới ra biển… trút bầu tâm sự”, chị Nguyễn Thanh Hợi (thôn Thắng Lợi, xã Ngư Lộc) lắc đầu nói.
Con kênh Đồng Nai, đoạn chảy qua địa phận xã Tràng An (H.Lục Bình, Hà Nam) từ lâu đã bị ô nhiễm nghiêm trọng. Dòng nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối. Nhiều điểm rác nổi lềnh phềnh, bịt kín cả mặt nước. Chạy dọc con kênh, cảnh dễ nhận thấy là những bao tải đầy rác và xác động vật chết nửa nổi nửa chìm dưới dòng nước… Chỉ vào tấm biển có dòng chữ màu đỏ “Cấm vứt rác xuống lòng kênh” ngay trên chiếc cống ở khu vực Dốc Mỹ, anh Vũ Văn Thục (xóm 4, xã Tràng An), nhà nằm sát bờ kênh nói với chúng tôi: “Cấm thì cấm vậy thôi chứ người dân ngày ngày vẫn vô tư xả rác xuống đấy, có ai bị bắt, bị phạt gì đâu. Nhà tôi ở đây, suốt ngày suốt đêm phải hứng chịu mùi thối kinh khủng bốc lên từ đủ các loại rác, nhất là những khi có bao xác gia súc, gia cầm chết bị phân hủy. Nhiều khi ngồi trong nhà cũng phải đeo khẩu trang”.
Theo TNO
Bình luận (0)