Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Trương Nam Hương với Ra ngoài ngàn năm*

Tạp Chí Giáo Dục

NT Trần Nam Hương

Ra ngoài ngàn năm (Nhà xuất bản Văn học 2008) là tập thơ thứ 10 của Trương Nam Hương kể từ tập thơ đầu tiên Khúc hát người xa xứ (NXB Trẻ-1990). Với hơn 20 năm cầm bút – quãng thời gian không lâu với người sáng tác – nhưng anh gặt hái được nhiều giải thưởng danh giá: Giải thơ của Hội Nhà văn Việt Nam, Tạp chí Văn nghệ Quân đội, giải Văn học Thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam, giải dịch thơ Tạp chí Văn học nước ngoài, giải thơ của Ủy ban Toàn quốc các Hội văn học nghệ thuật năm 2000, Gương mặt 20 năm, 30 năm văn học TP.HCM từ 1975-2005. Anh được bình chọn là Nhà thơ được yêu thích nhất của Báo Người Lao Động 1992. Tập thơ Ra ngoài ngàn năm lại được giải thưởng văn học TP.HCM 2009 gồm 62 bài thơ với nhiều thể loại: lục bát, tứ tuyệt, ngũ ngôn và thơ tự do nhưng dung lượng chứa đầy tình yêu và cái đẹp của lẽ sống con người. Thơ Trương Nam Hương tài hoa, thâm trầm mà ấm áp, trong trẻo, tươi mới, giàu hoài niệm, vừa thực vừa hư ảo, ngôn ngữ sáng tạo góp phần làm phong phú thêm cho tiếng Việt hiện đại. Trong bài về, anh viết: Mơ một ngày trở lại/ Ngất ngất cánh đồng tuổi thơ/ Ngọn gió cũng lon ton bờ bãi/ Con chuồn ngô bêu nắng thập thò/… Ta lấm lem với bùn đất của làng/ Rêu cổ tự cổng đình nguệch ngoạc/ Hoa xoan buồn/ Ngan ngát/ Sông trôi… Và khi nhớ sông Hương xứ Huế quê cha, anh đã có những câu thơ thật tài hoa và xúc động: “Trong cha có một câu hò/ Trong câu hò có con đò sông Hương/ Trong sông Hương có nỗi buồn/ Trong thăm thẳm có vô thường thi ca” (Lời thưa). Và Với chàng hát rong Mêhicô, anh đã có những câu thơ hóm hỉnh, gây ấn tượng: “Vui buồn theo tuyết tan thôi/ Ta cười bằng mắt, bạn cười bằng ria/ Nâng ly, rượu sóng đầm đìa/ Bạn về lại nhớ, ta về lại thương”. Ngày ngày tôi thường “điểm tâm” truy cập trên mạng gặp nhiều thơ tình Trương Nam Hương mà bạn trẻ yêu thích, họ đã chép và gửi chuyền cho nhau: “Mối tình hoa cúc về đâu/ Dở dưng sắc nắng bảy màu bơ vơ/ Không tin trời đất giao mùa/ Anh cầm thương nhớ đi thưa tháng ngày” (Viết về hoa cúc). Hoặc: Áo người ngắn đến mê ly/ Ngẫm thơ tứ tuyệt nhiều khi còn dài/ Áo sương cúc gió lơi cài/ Gặp Hà Nội mốt ra ngoài ngàn năm (Nghi Tàm).
Có thể nói Ra ngoài ngàn năm là một tập thơ tươi trẻ, làm say đắm bao tâm hồn, nó trĩu nặng tình quê, tình người, tình cố nhân: “Thời gian rúc lòng như mối vậy/ Anh già nua hơn thế kỷ mình/ Dường như mỗi Nguyễn Du là trẻ lại/ Dắt tay Kiều đi dọc tiết Thanh minh!” (Gặp Kiều tiết Thanh minh).
Nhà thơ Trương Nam Hương từng tâm sự: “Với tôi, văn chương là một nghề đầy nhọc nhằn và bất trắc, nó chẳng hứa hẹn với người viết bất cứ điều gì… Câu thơ tôi sinh thành từ nỗi cô đơn để an ủi những điều bất hạnh”. Với Ra ngoài ngàn năm, thực ra anh chẳng cô đơn chút nào vì thơ anh tràn đầy lòng nhân ái và đã được đông đảo bạn trẻ, người yêu thơ đón nhận, trân trọng.
NV. ĐOÀN MINH TUẤN

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)