Xây dựng được mô hình nhà máy điện sản xuất từ rác thải sẽ góp phần giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường và hỗ trợ an ninh năng lượng
Theo ông David Dương, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam (Vietnam Waste Solutions – VWS), mô hình xây dựng nhà máy điện từ rác không mới bởi đã có nhiều nhà máy điện từ rác ra đời nhưng để đạt hiệu quả cao thì nhà máy cần phải đầu tư công nghệ hiện đại.
Tiêu hủy 99,9% khí metan từ rác chôn lấp
Ông Kevin Moore, Giám đốc điều hành VWS tại Khu Liên hợp Xử lý chất thải rắn Đa Phước (huyện Bình Chánh, TP HCM), cho biết VWS đang sử dụng công nghệ tháp đốt LFG (khí thu hồi từ bãi chôn lấp) là hệ thống tháp kín, có khả năng tiêu hủy hiệu quả đến 99,9% khí metan tạo ra từ bãi rác chôn lấp. Điều đó có nghĩa là khí lấy từ bãi rác chôn lấp được ngăn chặn và ít gây ô nhiễm không khí. Tháp đốt LFG được trang bị bộ phận tiêu hủy chất lỏng, có nhiệm vụ ép chất lỏng cô đặc từ khí gas vào 4 đầu ống xả, đưa lượng chất lỏng này vào trung tâm tháp đốt, ở đó chất lỏng được tiêu hủy nên loại bỏ các chất gây ô nhiễm khác xâm nhập môi trường.
Ông David Dương trao đổi với các chuyên gia Mỹ và kỹ sư Việt Nam về việc chuẩn bị những công đoạn cuối cùng để sớm đưa nhà máy phát điện đi vào hoạt động
Tháp đốt LFG có thiết bị phân tích theo dõi khí thải liên tục. Khí sau khi đốt cháy được thu lại trên đỉnh tháp để theo dõi ngay lập tức nhằm bảo đảm tiêu hủy hoàn toàn. Nhà máy LFG sử dụng động cơ đốt khí để quay máy phát, sản sinh ra điện. Mỗi động cơ sản xuất ra 1 MW điện. Trong giai đoạn đầu, nhà máy sẽ lắp đặt 2 tua-bin, dự kiến đưa vào vận hành giữa năm 2014, cho phép chạy được 2 tua-bin có công suất 2 MW. Sau đó, VWS sẽ lắp đặt thêm các tua-bin để nâng công suất từ 2 MW cho đến khi đạt 12 MW. Khi bãi chôn lấp đóng cửa trong vòng 20 năm tới, lượng khí gas từ bãi chôn lấp sẽ giảm dần, nhà máy phát điện vẫn hoạt động cho đến khi bãi chôn lấp không còn khí gas và nhà máy sẽ ngừng hoạt động trong vòng 30 năm tới. Công nghệ chôn lấp rác lấy khí gas phát điện tại Khu Liên hợp Xử lý chất thải rắn Đa Phước là công nghệ tiên tiến nhất tại Việt Nam tính tới thời điểm này.
Bảo vệ môi trường
Vòng đời của dự án nhà máy điện từ rác ngắn vì phụ thuộc vào lượng rác thải được chôn lấp (thường khoảng 20 năm). Giá thành để sản xuất 1 KWh điện từ rác cao hơn nhiều so với các dạng năng lượng khác như thủy điện, nhiệt điện… Vì vậy, có rất ít nhà máy phát điện từ bãi chôn lấp rác của TP HCM cũng như các tỉnh, thành khác. Nhà đầu tư e ngại vòng đời của dự án nhà máy điện từ rác ngắn, chi phí đầu tư cao, giá bán điện không hấp dẫn, khả năng thu hồi vốn chậm.
Ông David Dương cho biết: “Việc đầu tư gần 40 triệu USD cho nhà máy điện có công suất 12 MW sản xuất từ rác thải là một nỗ lực lớn của chúng tôi. Trước tình hình đất nước thiếu điện, việc đốt bỏ khí gas từ bãi chôn lấp rác rất lãng phí nên VWS quyết định đầu tư nhà máy sản xuất điện, đồng thời hướng đến mục tiêu bảo vệ môi trường. Với giá mua điện của EVN hiện nay là 9 cent/KWh thì nhà đầu tư bị lỗ 2 cent/KWh. Chúng tôi kiến nghị nhà nước cần có chính sách đặc biệt cho việc đầu tư dạng năng lượng tái tạo này để nhà đầu tư yên tâm hơn”.
Khuyến khích đầu tư năng lượng mới, năng lượng tái tạo
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Lê Dương Quang, trong thời gian tới, nhà nước sẽ khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư dự án năng lượng mới, năng lượng tái tạo. Mục tiêu từ năm 2020 trở đi sẽ có 3%-5% sản lượng điện phát ra từ năng lượng mới, năng lượng tái tạo và đến năm 2030 tỉ lệ này sẽ tăng lên 8%. Để đạt được mục tiêu này, cần có cơ chế chính sách đặc biệt cho dạng năng lượng tái tạo phát triển.
Theo NLĐ
Bình luận (0)