Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Quảng cáo phim truyền hình: Kẻ bực, người mừng

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Khán giả phàn nàn vì quảng cáo quá nhiều giữa các bộ phim, còn nhà đài phân trần, nếu không có quảng cáo thì không có ngân sách làm phim, mua phim để chiếu miễn phí cho khán giả.

Nhằm mang lại hiệu quả tối đa cho việc quảng bá thương hiệu, các doanh nghiệp đang đổ xô vào mua quảng cáo đặc biệt trên các phim truyền hình. Và với những bộ phim có lượng người xem (rating) cao, quảng cáo luôn được lồng ghép khá nhiều vào thời gian phát sóng. Những đài lớn như Truyền hình Việt Nam VTV, Truyền hình Hà Nội, Truyền hình TP HCM… đạt doanh thu quảng cáo cao ngất ngưởng. Trước đây thời lượng quảng cáo của VTV phân bố rộng khắp nhưng nay được chọn lọc dồn vào những giờ nhất định, tập trung nhất là vào giờ vàng trên kênh VTV1 và VTV3.

"Bỗng dưng muốn khóc" từng lập kỷ lục 1,8 tỷ đồng tiền quảng cáo cho một tập phim. Ảnh: Đoàn làm phim cung cấp.

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần cho biết, phim Ma làng của ông khi lên sóng, mỗi tối trung bình nhà đài thu được 700 triệu đồng từ tiền bán 12 phút quảng cáo, gấp 10 lần số tiền làm mỗi tập phim. Bỗng dưng muốn khóc nhiều tập thời lượng quảng cáo tương đương thời lượng phim. Có khi phim chiếu từ 8h, nhưng đến 9h30 mới hết, trong khi mỗi tập chỉ dài 45 phút. Một nguồn tin tiết lộ, tập thu được nhiều tiền quảng cáo nhất của bộ phim đã mang về cho nhà đài 1,8 tỷ đồng. Điều này diễn ra tương tự với Cô gái xấu xí ở buổi chiếu cuối cùng. Với hơn 170 tập, không phải lúc nào Cô gái xấu xí cũng hút khách, nhưng khán giả đều tò mò muốn biết kết thúc của câu chuyện Lọ Lem hiện đại ra sao. Lượng người xem tăng đột biến ở 10 tập cuối chính là nguyên nhân dẫn đến việc phim bắt đầu chiếu từ lúc 21h10 nhưng kết thúc vào 22h30, trong khi thời lượng phim chỉ là 50 phút.

Bộ phim đang được dư luận chú ý hiện nay là Lập trình cho trái tim. Trong tháng 4, phía nhà sản xuất tiết lộ doanh số quảng cáo tập phim cao nhất lên tới 1,7 tỷ đồng. Đến nay, theo nguồn tin riêng của VnExpress, doanh thu quảng cáo của Lập trình cho trái tim đã vươn lên dẫn đầu, vượt qua cả Bỗng dưng muốn khóc. Do quảng cáo quá nhiều, ở tập 19, nhà đài phải cắt cả bài hát ở cuối phim mới kịp giờ phát sóng bộ phim tiếp theo là Những nàng công chúa nổi tiếng. Có lẽ chính bởi sức hấp dẫn đối với các doanh nghiệp mà Đài truyền hình đặt hàng tiếp phần hai của phim, bởi phim càng hay, càng dài thì càng hút được nhiều quảng cáo. Phần hai Lập trình cho trái tim được thực hiện hối hả đến mức nhóm kịch bản rối trí "biến" bố Vũ Vũ từ một người Kinh lên Lào Cai khai hoang trong phần 1 thành một ông dân tộc chính gốc. Sau họ phải sửa sai bằng việc đổ cho ông bị bà vợ là người dân tộc "thuần hóa". Trong khi đó, bộ phim đang chiếu song song trên VTV1 cũng vào giờ vàng của đài lại có lượng quảng cáo kém vì khán giả nhiều người kêu "không xem được quá ba tập".

"Lập trình cho trái tim" đang thắng lớn về doanh thu quảng cáo. Ảnh: Đoàn làm phim cung cấp.

Tự hào về việc Bỗng dưng muốn khóc là bộ phim truyền hình mang lại doanh thu quảng cáo kỷ lục tính đến lúc phim phát sóng xong, đạo diễn Vũ Ngọc Đãng cho biết: “Trước khi làm phim, giữa đạo diễn và Đài truyền hình đã có thỏa thuận trong hợp đồng nên việc giá trị quảng cáo tăng hay giảm, đạo diễn cũng không được gì thêm. Tuy nhiên, ai cũng rất vui khi phim mình làm giá trị quảng cáo cao, bởi như vậy đạo diễn sẽ nhận được sự tín nhiệm và ưu ái từ phía Đài vào những phim sau”. Nguyễn Thu Thủy, thành viên nhóm biên kịch Lập trình cho trái tim, chia sẻ: “Theo tôi, số lượng quảng cáo trong phim phản ánh lượng người xem. Chúng tôi sợ nhất phim mình làm ra không thu được quảng cáo vì như thế đồng nghĩa với việc phim không thu hút được khán giả. Hơn nữa, thời lượng quảng cáo trong phim không phụ thuộc vào chúng tôi vì đó là quyền lợi của nhà đài. Tuy nhiên, tôi hơi lo lắng về việc có quá nhiều quảng cáo trong phim sẽ làm đứt mạch cảm xúc của khán giả. Tôi chỉ hy vọng khán giả xem phim không cảm thấy bực mình khi phải chờ đợi”.

Lo lắng của nhà biên kịch Nguyễn Thu Thủy không thừa bởi nhiều khán giả đang cảm thấy bức xúc, phản cảm với quảng cáo. Chị Mai Anh, nhà ở Phạm Đình Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, cho biết: “Nhà tôi thường dùng cơm tối vào lúc 8h, vừa ăn vừa xem phim. Điều này đã thành thói quen cho cả gia đình. Nhưng nhiều khi đang giữa bữa cơm, các quảng cáo về băng vệ sinh thậm chí là sản phẩm tẩy rửa với hình toilet bẩn và các con vi khuẩn xuất hiện khiến cả nhà ăn mất ngon. Chuyển sang kênh khác hoặc tắt tivi cho qua phần quảng cáo thì sợ bị lỡ mất phần tiếp theo của phim”.

Có chung suy nghĩ với chị Mai Anh, chị Bích Ngà, giám đốc một công ty dược phẩm, tâm sự: “Phim Việt Nam chất lượng ngày càng tốt lên. Tôi có thói quen xem phim buổi tối trên VTV1, VTV3 để giải stress sau ngày làm việc căng thẳng, nhưng nhiều lúc thấy bực mình vì phim đang đoạn gay cấn bị cắt ngang bởi quảng cáo, làm đứt mạch cảm xúc”. Tuy nhiên, cô con gái 2 tuổi của chị lại có vẻ rất háo hức với những phần quảng cáo bắt mắt và sôi động. Lợi dụng điều này, chị Ngà tranh thủ những lúc quảng cáo để cho con ăn cháo. Chị cười bảo: “Coi như học cách sống chung với lũ”.

Ngay cả Lan Hương, nàng “Thiên Nga” trong Lập trình cho trái tim, cũng tìm cách dung hòa như vậy. Gương mặt khả ái của cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2004 nhìn nhận, tất cả phim truyền hình đều bị cắt vụn bởi quảng cáo chứ không riêng gì Lập trình cho trái tim: “Tôi đã quen với điều này nên không còn thấy bực nữa. Lúc tivi phát quảng cáo, tôi tranh thủ thu quần áo, dọn dẹp nhà cửa, cũng là một công đôi việc”.

Đạo diễn Khải Hưng (phải) cùng diễn viên Kiều Thanh tại lễ trao giải Cánh diều vàng 2008. Ông cho rằng, quảng cáo là hợp lý và cần được sự thông cảm về phía khán giả. Ảnh: ST.

Khi được hỏi về việc tại sao có quá nhiều quảng cáo trên truyền hình, đạo diễn Khải Hưng khẳng định đây là một điều hợp lý. "Chúng ta phải thấy thực tế rằng quảng cáo trong phim truyền hình ở nước nào cũng thế. Nó là thước đo cho tính ăn khách của một chương trình. Có thể nói, quảng cáo không thể thiếu được với truyền hình. Người xem ở VN hay kêu ca về việc có quá nhiều quảng cáo trong phim mà không ý thức được rằng mình đang xem miễn phí. Đài truyền hình hiện nay không còn nhận được sự bao cấp của nhà nước, quảng cáo là nguồn thu chính đáng để đài có thể duy trì, phát triển, tổ chức sản xuất những bộ phim mới phục vụ công chúng xem truyền hình. Ngày xưa, khi là đạo diễn tôi cũng rất bực mình vì những bộ phim của tôi bị chèn vào quá nhiều quảng cáo. Bây giờ tôi thấy đây là chuyện hợp lý và cần được khán giả thông cảm", nguyên Giám đốc Trung tâm sản xuất phim truyện Đài Truyền hình Việt Nam cho biết. Ông Hoàng Mạnh Cường, Đài Truyền hình Hà Nội, cũng đưa ra nhận định tương tự: “Khán giả nên mừng cho những người làm truyền hình chúng tôi, vì nhiều quảng cáo chứng tỏ chương trình giá trị. Và nhờ thu được quảng cáo, đời sống cán bộ công nhân viên chúng tôi tốt hơn, có nhiều kinh phí dành thực hiện những chương trình khác”.

Trong khi đó, dưới góc nhìn của một người nghiên cứu mỹ học, Tiến sĩ Mỹ học Thế Hùng, giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng: “Đài truyền hình hiện nay đang quá lạm dụng những phim hay để chèn quảng cáo nhằm đạt được doanh thu cao. Phim đang đến đoạn cao trào gay cấn lại bị nhà đài nhào vô nhét quảng cáo vào. Sự thái quá này phá hủy cảm xúc thẩm mỹ của người xem. Đài truyền hình nên xem xét điều chỉnh thời lượng quảng cáo vì truyền hình mục đích chính là phục vụ thông tin văn hóa nghệ thuật cho toàn dân, không nên nặng về việc kiếm tiền”.

Ngọc Trần (theo VNE)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)