Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Phụ đề phim, sai là khỏi sửa !

Tạp Chí Giáo Dục

Phim Xích Bích khi chiếu ở VN cũng có những phụ đề sai – ảnh: T.N cung cấp

Thỉnh thoảng khán giả VN khi xem phim nước ngoài ở rạp lại nhăn mặt với những sai sót trong khâu làm phụ đề.

Tào Tháo thành "muội"

Trong nhiều năm qua, lượng phim ngoại nhập về VN ngày càng nhiều. Những phim mới nhất, ăn khách nhất của thị trường Bắc Mỹ lẫn châu Á như: Dị nhân Benjamin, Chuyện tình nước Úc, Chạng vạng, Người vận chuyển 3, Định mức khuây khỏa, Xích Bích, Mai Lan Phương, Thập diện mai phục… đều lần lượt ra mắt khán giả Việt Nam trên toàn quốc. Người xem hồ hởi vì được thưởng thức phim gần như cùng thời điểm với khán giả thế giới. Tuy nhiên, cũng không ít khán giả vẫn phải nhăn mặt vì những hạt sạn không đáng có trên phụ đề phim. Đó có thể là một đại từ nhân xưng sai có thể làm biến đổi giới tính nhân vật, như Chu Du gọi Tào Tháo là "muội" ở phần cuối Xích Bích phần 2. Hoặc hai nhân vật có quan hệ máu rủ ruột rà nhưng xưng hô như những người xa lạ, không ăn nhập với nội dung hoặc tình tiết trên phim… Tình trạng "chạy trước thời gian" phim một nơi, phụ đề một nẻo, nhân vật nhiều khi đã nói xong và chuyển cảnh, dòng phụ đề mới chịu… xuất hiện và rơi vào miệng của một nhân vật khác, hoặc lơ lửng trên màn ảnh, tự nói… cũng là điều thường thấy trong một số phim, gây nên nhiều cảnh bẽ bàng hoặc nực cười. Chuyện phụ đề được dịch tối nghĩa, khó hiểu cũng không phải hiếm.

"Dịch chay" trên bản thảo

Những khán giả khó tính phản ứng rằng nhà phát hành phim hoặc rạp phim làm phụ đề ẩu, đòi sửa ngay. Tuy nhiên họ không thể hiểu rằng khi phụ đề phim đã hoàn tất, không thể sửa chữa được. Và việc làm phụ đề phim cũng lắm gian truân, có cả những nỗi khổ khó nói. Người dịch và thậm chí cả đơn vị nhập không được xem trước khi phim về VN và phát hành tại rạp do đối tác bán phim nước ngoài không cho phép. Chỉ trong một số trường hợp đặc biệt như phim có cảnh quá nhạy cảm, có khả năng bị kiểm duyệt gắt gao, có thể sẽ phải cắt bỏ một số đoạn, phải xem trước khi đưa lên trình duyệt tại Cục Điện ảnh, đối tác bán phim mới đồng ý cung cấp một bản phim duyệt dưới dạng đĩa DVD, băng VHS hoặc một bản phim nhựa đơn vị nhập phim xem trước. Tuy nhiên để tăng tính bảo mật của phim, các chủ phim nước ngoài kỹ tính thường chỉ định luôn đơn vị cung cấp dịch vụ làm phụ đề phim cho các đối tác nhập phim VN.

Như vậy, các công ty nhập phim VN chỉ được nhận bản thoại phim từ phía đối tác, cho triển khai dịch trên thoại và gửi lời thoại đã dịch sang nước ngoài để làm phụ đề phim. Phía bán phim sẽ chuyển thẳng phim sang đơn vị làm phụ đề đó để khớp thoại. Phần lớn các phim nước ngoài nhập về VN luôn được chuyển sang Singapore (như MegaFilm Singapore…) để "bắn" phụ đề. Điều này gây khó khăn lớn cho người dịch, người biên tập và ráp thoại, thậm chí có thể gây nên những sai sót vì người dịch phim phải "dịch chay" trên bản thảo, không được xem phim, phần lớn lại không được cung cấp tóm tắt nội dung phim. Vì vậy người dịch khó có thể đảm bảo việc sử dụng đại từ nhân xưng cho chuẩn xác và hợp lý với các tình tiết, nội dung phim. Hoặc người dịch không nắm rõ quy tắc dịch phim để làm phụ đề cần phải ngắn gọn, tối đa không được quá 42 ký tự/dòng phụ đề nên để thoại quá dài, gây khó khăn cho người biên tập dẫn đến phải cắt bớt khiến lời thoại còn lại trở nên tối nghĩa. Mặt khác khi làm phụ đề phim ở nước ngoài cũng không hề có nhân viên người Việt nào bên đó để khớp lại thoại với nhân vật trên phim.

Các nhân viên nước ngoài chỉ căn cứ vào time-code đánh sẵn để gắn lời thoại đã dịch vào đúng vị trí. Tuy nhiên chỉ cần một dòng phụ đề bị bỏ sót, không được bắn lên phim hoặc việc đánh số time-code lệch với lời thoại, khán giả sẽ lập tức phải chứng kiến cảnh trớ trêu như vẫn thường thấy: phụ đề không phù hợp với nhân vật hoặc "râu ông nọ cắm cằm bà kia", dòng phụ đề chạy trước quá nhanh hoặc quá chậm. Khi phụ đề được hoàn tất và chuyển về VN để duyệt trước khi chiếu thì "sự đã rồi", dẫu sai cũng không thể sửa được.

Quy trình làm phụ đề phim gồm nhiều bước nghiêm ngặt như những móc xích xâu chuỗi nhau, chỉ cần một mắt xích bị hở sẽ khiến cả dây chuyền bị lỏng lẻo. Mong sao các nhà nhập phim VN sớm tìm ra giải pháp để giải quyết triệt để những tồn tại trong khâu làm phụ đề phim, để đảm bảo sản phẩm phim nhập ngoại luôn là mặt hàng mới, "sạch" và đạt chất lượng cao.

Nguyễn Lệ Chi (Theo TNO)

Bình luận (0)