Với một ca khúc đầy cảm xúc cùng một bài hát sôi động, vui tươi – Trần Hoàng Nghiệp đã thực sự để lại ấn tượng
tốt đẹp cho khán giả cũng như Hội đồng nghệ thuật.
Anh là người có phần trình diễn được đánh giá là tốt nhất trong đêm đầu tiên của vòng 2. Với ca khúc Cha tôi (An Hiếu), Trần Hoàng Nghiệp đã làm nhiều khán giả xúc động khi thể hiện tình cảm biết ơn của anh đối với người cha của mình. Những ai thân thiết với anh thì càng hiểu những giọt nước mắt kia là từ trong tim anh dành cho người cha đang bị bạo bệnh ở nơi quê nhà. Bài thứ 2 có tên Chào buổi sáng (Nguyễn Dân) như lời tri ân của anh đối với khán giả đã yêu thương mình. Ca khúc này anh hát rất trong sáng, vui tươi đúng như bản chất con người anh.
Trần Hoàng Nghiệp được đánh giá là tiến bộ qua từng đêm diễn. Anh cũng là người luôn làm cho Hội đồng nghệ thuật yên tâm về phong cách cũng như kỹ thuật thanh nhạc. Là một người cầu thị, khiêm tốn… Hoàng Nghiệp đang ngày càng đến rất gần giải quán quân Sao Mai điểm hẹn năm nay.
Cùng hát một bài về cha nhưng Duy Khoa lại chưa làm Hội đồng nghệ thuật hài lòng. Tuy lời chê của Thanh Lam có hơi cảm tính (không thích hình ảnh người đàn ông yếu đuối…), nhưng rõ ràng, anh chưa truyền được cảm xúc của mình tới khán giả, dù anh hát sạch sẽ, và “nhân vật” quan trọng mà anh muốn thông qua bài hát để cảm ơn đang ngồi dưới hàng ghế khán giả. Ánh mắt của cha (Minh Châu) nên phối khí một cách “mộc” hơn và Duy Khoa đáng lẽ ra cũng nên hát bằng phong cách giản dị để đẩy cao trào ở bài sau có lẽ sẽ tạo “kịch tính” và dễ “ăn điểm” hơn.
Chú bé con (Dương Tuấn Long) khá sinh động – một ca khúc về đề tài xã hội khá hay nhưng Khoa hát đôi khi nghe không rõ lời nên chưa làm cho khán giả ấn tượng về một bài hát mới. Phần trình diễn của anh khá hấp dẫn với những bước nhảy điêu luyện cùng bộ trang phục khá trẻ trung, sáng sủa.
Duy Khoa tâm sự rằng, bắt đầu vào vòng 2, anh sẽ chinh phục khán giả từ đề tài xã hội rồi mới đến các “ngõ ngách” khác của đời sống tình cảm. Anh cũng bật mí rằng sẽ tạo ra bất ngờ qua từng đêm diễn, hy vọng anh sẽ làm được điều khán giả mong muốn, đúng như tình cảm mà họ đã dành cho anh ở vòng 1.
Hải Yến và Hà Linh luôn được coi là “đối thủ” của nhau trong việc giành “vé” của Hội đồng nghệ thuật. Và hai ca sỹ này cũng khá thông minh khi chọn cho mình hai ca khúc mang hai “màu sắc” khác biệt nhau để thể hiện sự đa dạng trong giọng hát của mình.
Hải Yến hát Và cơn mưa tới (Bảo Chấn) tuy rất lửa nhưng vẫn thiếu sự tinh tế cần thiết. Điều này Yến biết nhưng giọng của Yến có chất “lửa” bản năng nên sẵn sàng bùng cháy bất cứ lúc nào. Quan trọng là cô phải học cách tiết chế để ngọn lửa đó luôn âm ỉ, dữ dội từ bên trong chứ không phải lúc nào cũng “ầm ầm” bên ngoài như cách Yến vẫn hát. Bài hát thứ 2 khả quan hơn vì nó gần với con người của Hải Yến hơn. Tìm lại (Microwave) là một bản anternative rock nên khá dễ dàng đối với Yến. Cô hát rất “sung” và lôi cuốn được khán giả hòa mình vào không gian âm nhạc sôi động ấy – đó là ưu điểm rất lớn của Hải Yến.
Hà Linh cũng có sự lựa chọn khá giống Hải Yến – một ca khúc “thị trường” để làm hợp tai nghe số đông và bài thứ 2 là phong cách âm nhạc cô theo đuổi. Về vấn đề kỹ thuật thanh nhạc và biểu diễn, Hà Linh luôn làm khán giả hài lòng. Tuy thế, sự “đóng hộp” của cô đôi khi khiến nhiều người không nhận ra sự “tiến bộ”, hoặc ít nhất là những bứt phá để vượt qua chính mình ở cô. Hà Linh vẫn “quai quái” như hồi Sao Mai 2007, cho dù về giọng hát, cô đã “chín chắn” hơn rất nhiều.
Hội đồng nghệ thuật có vẻ khá “căng thẳng” khi thấy Linh hát một bài “thị trường” và họ đều có những sự “cảnh cáo” vì chuyện này. Tuy nhiên, Hà Linh giải thích cũng có phần hợp lý bởi cô muốn mở rộng biên độ khán giả, chứ không chỉ “bó gọn” trong một bộ phận chỉ thích sự “quái quái” của cô. Có lẽ lời giải thích này khá thuyết phục số đông, nhưng vẫn phải lưu ý Hà Linh rằng, một người nghệ sỹ thì cần có cá tính và sự dũng cảm theo đuổi đến cùng con đường mình đã chọn.
Khắc Hiếu “mở màn” đêm diễn hơi bất lợi khi âm thanh có vấn đề nên đoạn đầu anh hát không nghe được lời. Thực ra, Hiếu là người thông minh nhất trong “lứa” Sao Mai điểm hẹn năm nay, ít nhất là trong việc chọn bài nên anh cũng tạo được một “style” rõ ràng. Nhưng ca khúc anh chọn đa phần là mới và khá hiện đại được sáng tác bởi một nhạc sỹ trẻ cũng “dân 8X” như anh. Hoàng hôn (Thành Vương) là một ca khúc chưa thể coi là hay nhưng nó lạ, và chính cái sự “lạ” trong các bài hát của Thành Vương lại rất hợp với sự “lạ” trong giọng hát của Khắc Hiếu và anh đã có những thành công bước đầu.
Nồng nàn Hà Nội (Nguyễn Đức Cường) Hiếu hát không “phê” như chính tác giả của nó, nhưng anh lại làm theo một cách khác. Anh hát “sung” hơn và rõ lời hơn. Tuy nhiên, để so sánh thì có lẽ rất khó, và fan của Nồn nàn Hà Nội có lẽ cũng chưa chấp nhận được ngay lối hát này của Khắc Hiếu. Tiếc nhất là việc anh chỉ ôm đàn “làm dáng”, trong khi đêm tổng duyệt, anh đã chơi đàn thực sự ở cả nửa đầu bài hát tạo ấn tượng khá tốt.
Nhật Thu hát Nghe mưa (Dương Thụ) có vẻ hơi căng thẳng tuy rằng bản phối nghe khá lạ tai. Nhưng giọng Thu không phù hợp để hát bài này. Ca khúc thứ 2 có vẻ hợp hơn nhưng lại quá sức đối với cô. Vì đâu (An Hiếu) phải cần cả sức khỏe cộng với kỹ thuật thanh nhạc điêu luyện, vì đây là một bảm rock ballad khá “nặng đô” mà Thu thì vẫn thiếu nhiều thứ để hát tốt ca khúc này.
Có thể nhận thấy rằng bắt đầu vào vòng 2, các ca sỹ sẽ chịu nhiều “áp lực” hơn khi mỗi đêm phải trình diễn 2 bài, nhưng đó lại là cơ hội để họ thể hiện bản thân, “phơi bày” được hết ưu điểm từ việc định hình phong cách âm nhạc đến chuyện chọn bài, tạo dựng hình ảnh và bứt phá.
Hội đồng nghệ thuật đã khắt khe hơn, ngay cả với những “ứng viên” như Hà Linh, Hải Yến, Trần Hoàng Nghiệp… Họ cần phải nghiêm khắc như thế để các ca sỹ nhìn nhận mình một cách toàn diện hơn. MC Mỹ Lan cũng tiến bộ hơn vòng 1 khi đã hoàn toàn tự tin với những mẩu đối thoại ngắn dí dỏm và tạo được “không khí” vui vẻ trên sân khấu.
Ngô Bá Lục – (ảnh Sơn Saa) (VnMedia.vn)
Bình luận (0)