Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Từ trang văn bước ra sân khấu

Tạp Chí Giáo Dục

Cùng một lúc, Nhà hát sân khấu nhỏ 5B và Sân khấu vàng trực thuộc Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang đều cho lên sàn tập vở Lôi vũ được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Tào Ngu (Trung Quốc). Có thể nói, hiện nay, việc đưa những tác phẩm văn học lên sân khấu đã trở nên quen thuộc với khán giả. Vốn đã được yêu mến khi còn là những trang văn nên khi được dàn dựng trên sân khấu với nhân vật cụ thể, nội dung sinh động, các vở đều được khán giả đón nhận nồng nhiệt.

Mỗi nơi một vẻ

Sau thành công của các vở chuyển thể từ văn học hiện thực phê phán của các nhà văn Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Ngô Tất Tố như  Số đỏ, Làng nhảy, Chí Phèo – Thị Nở, Chị Dậu, cuối tháng 8 này Sân khấu kịch Phú Nhuận sẽ cho ra mắt khán giả kịch bản Kỹ nghệ lấy Tây của tác giả Đức Thịnh chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Vũ Trọng Phụng do NSƯT Hồng Vân đạo diễn. Nội dung rất độc đáo và đầy bất ngờ với sự tham gia của Minh Nhí, Hồng Vân, Trịnh Kim Chi, Đức Thịnh, Thanh Thúy, Vân Anh, Hòa Hiệp, Kim Huyền… Trong khi đó thì NSND Doãn Hoàng Giang  cũng đang chuẩn bị phân cảnh cho vở Bỉ vỏ của nhà văn Nguyên Hồng do ông chuyển thể và đạo diễn. NSƯT Hồng Vân cho biết: “Chúng tôi  đầu tư kinh phí khá cao cho hai vở này để tham gia Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc 2008. Bên cạnh đó, nhiều năm qua, việc đưa văn học hiện thực phê phán lên sân khấu là “đặc sản” riêng của Sân khấu Phú Nhuận. Những vở này đều tái hiện những vấn đề gai góc, đầy bi hài kịch của xã hội cũ nên đã chinh phục được khán giả. Một số diễn viên tham gia các vở kịch ấy cũng đã đạt nhiều giải thưởng quan trọng: bản thân tôi đạt giải Mai vàng 2003 với vai chị Dậu, Cát Phượng đạt giải Mai vàng 2004 với Thị Nở…”.

 Tác phẩm Số đỏ của nhà văn Vũ Trọng Phụng rất ăn khách khi được dàn dựng trên Sân khấu Kịch Phú Nhuận

Vở Chiếc áo thiên nga của tác giả Lê Duy Hạnh chuyển thể từ truyền thuyết Mỵ Châu – Trọng Thủy do Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang dàn dựng, công diễn tại Nhà thi đấu Quân khu 7 trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua đã tạo được tiếng vang lớn trong cả nước. Trước đó, Nhà hát Trần Hữu Trang cũng rất thành công khi đưa tác phẩm Kim Vân Kiều của đại thi hào Nguyễn Du lên sân khấu và lần này, khi chọn Lôi vũ để dàn dựng, nhà hát cũng rất tự tin nắm phần thắng trong tay.

Đây cũng không phải là lần đầu tiên Nhà hát sân khấu nhỏ 5B chọn tác phẩm văn học để dàn dựng, sân khấu này đã gây nên hiện tượng sốt vé với các vở Người điên trong ngôi nhà cổ (chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Ngọc Linh do Ái Như đạo diễn) và Romeo và Juliet không trẻ mãi (chuyển thể từ truyện ngắn của nhà văn –  kịch tác gia Lưu Quang Vũ, đạo diễn Thành Hội). Nội dung của hai vở với rất nhiều tình huống bi kịch nhưng cũng không kém những bi hài, lại được các diễn viên tài năng thủ diễn nên rất ăn khách là điều không có gì phải bàn cãi.

Sân khấu IDECAF thì thích chọn những tiểu thuyết tình cảm để chuyển thể và dàn dựng cho phù hợp với sở trường của các diễn viên cũng như “gu” khán giả của mình. Hai vở Cơn mê cuối cùng (chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Ngọc Linh) và Nắng sớm mưa chiều (chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Hồ Biểu Chánh) ra đời đã gần hai năm nhưng đến nay vẫn còn thu hút khán giả. Trong tay của ông bầu Huỳnh Anh Tuấn hiện nay có đến ba kịch bản được chuyển thể từ văn học, có thể qua mùa mưa này sẽ chính thức được dàn dựng.

Đạo diễn Hoàng Duẫn của Nhà hát kịch Thành phố cũng đang chạy nước rút để kịp thời ra mắt khán giả vào cuối tháng 8 kịch bản Nợ sữa của tác giả Xuyên Lâm, chuyển thể từ truyện ngắn Cánh đồng bất tận của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Đây cũng là một trong những vở được khán giả chờ đợi bởi sự tò mò: từ truyện ngắn bước lên sân khấu sẽ độc đáo và mới lạ như thế nào?

Tâm sự của những “người trong cuộc”

Nghệ sĩ Hồng Vân cho biết: “Với Bỉ vỏ, đến hôm nay vẫn mang đầy tính thời sự, con người luôn khát khao vươn đến chân thiện mỹ, khát khao sống trong sạch, lương thiện nhưng đứng trước những cạm bẫy cuộc đời thì cũng khó mà thoát được. Hay như Kỹ nghệ lấy Tây mang đầy tính trào phúng dí dỏm cứ ngỡ như không còn phù hợp với thời đại mới nhưng thật sự giá trị hiện thực của nó vẫn còn đó, khi mà hiện nay trào lưu phụ nữ lầy chồng Đài Loan vì đua đòi hay vì hoàn cảnh gia đình túng thiếu vẫn được báo chí đăng tải rất nhiều…”. Diễn viên trẻ Thúy Nga tâm sự: “Được giao vai chính trong vở Bỉ vỏ, Nga hồi hộp lắm nên tạm thời gác lại một số công việc khác để vào vai. Chị Hồng Vân là người rất kỹ tính, Nga tán đồng việc chị bắt buộc các diễn viên phải đọc các tác phẩm văn học trước khi lên sàn tập. Điều đó giúp cho các diễn viên cảm thụ được nội dung, cái hay, cái đẹp của nhân vật mà ứng biến nhanh hơn”.

Lần đầu tiên dàn dựng một tác phẩm văn học “nổi đình nổi đám” như Cánh đồng bất tận của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư  nên Hoàng Duẫn chịu khá nhiều áp lực. Anh và tác giả Xuyên Lâm đã đọc tác phẩm này rất nhiều lần cũng như  sửa chữa lại kịch bản cho phù hợp với việc tái hiện nhân vật lên sân khấu.

SONG MINH

Bình luận (0)