Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Bộ chữ Pacô – Tà Ôi của thầy giáo làng

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Trình độ chỉ mới hết cấp 1 và đứng lớp ở trường làng, vậy nhưng thầy giáo Hồ Ngọc Mỹ (ảnh – sinh năm 1925 ở làng Phổ Lại, Quảng Vinh, Quảng Điền, Thừa Thiên – Huế) đã tự mình mày mò và sáng chế ra bộ chữ viết Pa Cô – Tà Ôi đầu tiên cho đồng bào dân tộc ở A Lưới. Từ đây, đồng bào đã biết đến chữ viết…

“Thai nghén” mười năm ròng

Thầy giáo làng này đã ngoài 80 nhưng hằng ngày vẫn dành thời gian “tập viết” bộ chữ viết cho đồng bào Pa Cô – Tà Ôi để khỏi quên. Dừng nét chữ đang viết, thầy trầm ngâm: “Chữ viết này một thời là cầu nối giữa cách mạng với đồng bào Tra Hy, Pa Cô, Tà Ôi ở A Lưới, là cầu nối để  đào tạo bao nhiêu thế hệ cán bộ cơ sở”…

Học hết cấp 1, Hồ Ngọc Mỹ là người rất hiếm hoi có “trình độ” cao trong làng. Ngay lập tức ông được cách mạng giao nhiệm vụ dạy lớp nha bình dân học vụ để xóa mù chữ cho người dân. Từ đó mà nhiều người nông dân đã biết đến mặt chữ. Với thành tích phổ cập chữ, ngày 20-6-1945 Hồ Ngọc Mỹ vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Nhưng đến tháng 11-1947, mặt trận cách mạng ở đây bị vỡ, Hồ Ngọc Mỹ được tổ chức điều lên A Lưới dạy chữ quốc ngữ để tuyên truyền và gầy dựng cơ sở cách mạng. “Đồng bào còn sống như thời ăn lông ở lỗ, còn tính tuổi, tính năm theo mỗi mùa rẫy. 100% là mù chữ, còn 99 % thì không biết đến tiếng Kinh là gì. Một đảng viên đầu tiên như tui chỉ là hạt muối giữa núi rừng. Tui biết cái gì thì dạy cho họ vậy thôi” – ông nhớ lại. Trước đó, thực dân Pháp vẫn quen gọi đồng bào là mọi rợ nên khi thấy có người của Bác Hồ lên họ cũng dè dặt. Ông Mỹ nhớ lần đầu tiên ở trong nhà Quỳnh Chăm (xã Hồng Kim), vì sợ cán bộ chê bẩn mà gọi là mọi nên trước khi nấu nướng gia đình phải để sẵn một thau nước múc từ đầu con suối để rửa tay trước mặt “cán bộ”…

Ông cùng ăn, cùng ở với đồng bào và gắn bó với họ từ những kỷ niệm ngày đầu tiên đó. Với tư cách là người thầy dạy chữ cho đồng bào, nhưng ngay buổi học đầu tiên ở lán học nằm bên dòng suối A Xà ông nghiệm ra một điều rất… ngược đời: “Mình phải là học trò của đồng bào trước mới có thể làm thầy dạy chữ cho họ được”. Không biết tiếng, hàng ngày đến lớp thầy Mỹ đề nghị học trò dạy tiếng dân tộc cho mình. “Thấy cán bộ cách mạng lên dạy chữ mà lại đi học tiếng của đồng bào nên họ thương mình lắm. Cả làng, cả bản kéo nhau ra lớp học. Dù lớp phải lấy lá chuối rừng làm vở, que củi làm bút, than làm mực nhưng mà vui” – thầy Mỹ xúc động. Sau mấy tháng trời được đồng bào “phụ đạo” “trò” Mỹ đã có thể nói tiếng như người dân tộc thực thụ. Ông bắt tay vào công việc dạy chữ quốc ngữ và tuyên truyền cách mạng của mình… Nhưng kết quả sau 10 năm trời “đánh vật” từng con chữ cùng học trò của thầy cũng không mấy khả quan. “Bản chất đồng bào rất thật, thật đến kỳ lạ. Dạy họ chữ nào họ nhớ mặt chữ đó, nhưng đến lúc hỏi nghĩa của chữ đó thì họ lại lắc đầu. Chỉ một số thanh niên là học khá” – thầy Mỹ kể tiếp: “Ngay lập tức tui đưa các thanh niên này trở về bản làng của họ mở lớp để dạy chữ”. Rồi thầy Mỹ nghiền ngẫm: “Nếu cứ cái đà này thì khó tuyên truyền cách mạng được. Tại sao người Kinh có chữ còn người Pa Cô – Tà Ôi thì không”. Ông liền chọn hai học trò “xuất sắc” là Cu Pông và Cu Tích phụ giúp, cùng với vốn kiến thức ngôn ngữ dân tộc gần 10 năm trời ông bắt tay vào sáng chế bộ chữ viết cho đồng bào. Cật lực sau nửa năm trời, bộ chữ viết đầu tiên trong lịch sử người Pa Cô – Tà Ôi ra đời vào tháng 7-1958, “do phát âm của đồng bào không có dấu nên phải sử dụng mẫu tự Latinh để phiên âm, đặt dấu như chữ “uh” thì “h” là dấu nặng thành chữ “ục”” – thầy Mỹ cho biết.

Cái chữ soi đường tương lai

Lứa học sinh “nguồn” mà thầy Mỹ chọn để phổ cập chữ viết Pa Cô – Tà Ôi “mới cáu” là những học trò xuất sắc mà ông đã cử về các bản để xóa mù. “Lạ lùng lắm, học chỉ một vài buổi mà ai cũng hiểu như đã từng có thứ chữ ấy trong bụng rồi. Sau chỉ ba tháng trời là họ có thể đọc thông, viết thạo chữ viết của chính dân tộc họ” – thầy Mỹ  sung sướng. Lớp đó tốt nghiệp tiếp tục công tác tuyên truyền ở vùng xa, còn thầy Mỹ đón lớp học sinh khác vào. Thấy học sinh kéo đến học không chỉ có thanh niên mà cả ông già, bà lão và thậm chí cả con nít cũng xin vào lớp. Đông đúc quá, thầy Mỹ liền xin cấp trên cho mở lớp suối Pây Hây (xã Hồng Quảng), rồi Hồng Thượng, Hồng Hạ, Hồng Kim… Cả vùng đồng bào hình thành nên phong trào đi học chữ Pa Cô – Tà Ôi. Và những học trò xuất sắc, giác ngộ lý tưởng cách mạng của thầy Mỹ lần đầu tiên được đứng vào hàng ngũ của Đảng như Ăm Mật, Ku Dung, Ăm Mít, Ăm Quan, Ăm Đay. Huyện A Lưới lần đầu tiên có chi bộ đảng do thầy Hồ Ngọc Mỹ là bí thư chi bộ.

Rồi những thế hệ học trò của thầy Ku Nô (biết ơn thầy Mỹ dạy chữ cho mình, đồng bào đặt tên dân tộc cho thầy Mỹ là Ku Nô) nhanh chóng trở về làm cán bộ cấp cơ sở, rồi họ xung phong vào bộ đội Cụ Hồ. Ngay những lá thư của người lính Pa Cô – Tà Ôi gửi về cũng chính là thứ chữ viết mà họ đã được thầy Ku Nô truyền thụ.

Bà Kăn Lịch – Anh hùng LLVT nhân dân vẫn thầm cảm ơn thầy Ku Nô mỗi khi nhắc đến bộ chữ mà thầy đã sáng chế dành riêng cho đồng bào: “Ngày trước, người Pa Cô không có chữ viết nên không thể đọc, không thể viết cái thư. Thầy Ku Nô có công nhiều lắm với người Pa Cô, với A Lưới. Mình cũng nhờ học cái chữ đó mà đến được với cách mạng và nhiều người khác cũng vậy”. Hay như Hồ Văn Liên nguyên là bí thư xã Hồng Kim cũng từng là học trò của thầy Ku Nô tâm sự: “Thế hệ của mình biết đến cái chữ cũng nhờ thầy Ku Nô. Bao nhiêu năm đồng bào mình có biết đâu là cái chữ viết”. Bà Hồ Thị Kăn Mìn – lão thành cách mạng ở A Lưới tâm sự: “Chúng tôi được học cái chữ của đồng bào do thầy Ku Nô dạy. Từ đó mà giúp các đảng viên thâm nhập dễ hơn vào cuộc sống của đồng bào để vận động họ tham gia kháng chiến”. Rồi những học trò như Ku Pông, Ku Tích, Ku Pooc… đều trở thành những lãnh đạo xã có uy tín trong các cuộc kháng chiến. Đến năm 1959, lần đầu tiên trong lịch sử người Pa Cô – Tà Ôi khi bản tin tiếng dân tộc Pa Cô – tờ báo đầu tiên bằng chữ của đồng bào ra đời. Cùng thời gian này, những giáo viên được điều động lên A Lưới làm “cố vấn” cho các cán bộ đều phải học chữ Pa Cô – Tà Ôi mới có thể giao tiếp được với đồng bào.

Phó chủ tịch UBND huyện A Lưới Nguyễn Thị Sửu cho biết: “Từ năm 2002, bộ sách dạy chữ cho đồng bào Pa Cô – Ta Ôi đã được lồng ghép vào chương trình dạy từ mẫu giáo đến lớp 1, lớp 2 các trường trên địa bàn. Đến năm 2004, các cán bộ, lực lượng vũ trang… đều phải học bộ chữ này để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Công lao của thầy Ku Nô rất lớn đối với đồng bào chúng tôi”.

ĐOÀN CƯỜNG

m 1983, Viện Ngôn ngữ học tiến hành nghiên cứu và hoàn thiện bộ chữ viết Pa Cô – Tà Ôi  với sự cộng tác của thầy Ku Nô để làm hệ thống chữ chính thức. Và đến năm 1986, công trình chữ Pa Cô – Tà Ôi chính thức được nghiệm thu và công bố. Trong lời giới thiệu cuốn sách có viết: “Chữ Pa Cô – Tà Ôi ra đời đã góp phần tuyên truyền, giác ngộ cách mạng, là phương tiện mang ánh sáng cách mạng đến với đồng bào”.

Bình luận (0)