Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Tùng Dương: “Kịch bản dở đôi khi cũng phải nhận lời”

Tạp Chí Giáo Dục

“Tôi tham gia nhiều phim về các băng đảng xã hội đen. Ngoài đời, thú thật, tôi cũng có những mối quan hệ bạn bè với nhiều tay “anh chị”. Đôi khi đọc kịch bản thấy rất ngớ ngẩn, nhưng góp ý sửa lại không được chấp nhận…”, diễn viên Tùng Dương cho biết.

Những bộ phim truyền hình chiếu giờ vàng nhưng chất lượng… chưa vàng đang gây thất vọng trong dư luận. “Hành trình bí ẩn” – bộ phim anh tham gia vừa khép sóng không lâu, cũng không làm nên chuyện. Là một diễn viên, có khi nào, biết là kịch bản dở nhưng anh vẫn tham gia?

Có, đôi khi nhận ra kịch bản dở nhưng vẫn làm vì tham vai tiếc việc, vì cơm áo gạo tiền.

Nhận đóng vai trong một kịch bản dở, anh có nghĩ đến việc khán giả sẽ đánh giá trình độ và tài năng của người nghệ sỹ?

Tôi tham gia nhiều phim về các băng đảng xã hội đen. Ngoài đời, thú thật, tôi cũng có những mối quan hệ bạn bè với nhiều tay “anh chị”. Đôi khi đọc kịch bản thấy rất ngớ ngẩn, nhưng góp ý sửa thì không được chấp nhận.

Với vốn sống của mình, tôi biết vào hoàn cảnh như thế, những tay giang hồ sẽ không xử sự như thế, kiểu như trừng phạt đàn em của mình chẳng hạn, họ không gọi ra rồi làm nhục trước mặt đám đông, họ cao tay hơn nhiều… Các nhà biên kịch của chúng ta ít vốn sống. Họ ngồi và nghĩ ngợi các tình huống một cách chủ quan và áp đặt điều đó lên cách diễn xuất của diễn viên. Tôi đã góp ý nhiều lần, nhưng kịch bản sửa một tình tiết thì lại làm thay đổi cả tính cách nhân vật và liên quan trực tiếp tới các tình huống sau, thành ra, nếu đã sửa một trang thì phải sửa lại tất cả!

Các tình huống trong kịch bản phim hình sự của chúng ta thường rất… trẻ con. Để có được kịch bản hay phải cần tới vốn sống dày dặn của người cầm bút. Cái này chúng ta đang thiếu.

Khán giả vẫn thắc mắc, tại sao diễn viên A, diễn viên B có thể nhận lời đóng một vai… ngớ ngẩn đến thế. Phải chăng, trình độ, sự hiểu biết của số đông diễn viên chúng ta cũng phải xem xét lại?

Cũng phải thông cảm, là người diễn viên ai chẳng muốn được làm nghề. Kịch bản hay thì hiếm, cứ ngồi đợi đến khi có kịch bản hay mới đóng thì đến bao giờ? Mà có khi, kịch bản hay thì lại chẳng được mời. Điện ảnh cũng như phim truyền hình đều đang gặp khó khăn về nhiều mặt. Bởi vậy, thật sự, có khi đọc thấy kịch bản dở mà vẫn phải nhận lời. Cũng có những diễn viên đọc kịch bản dở mà không thấy dở… Những “trường hợp” đó thì nói làm gì?

Tùng Dương trong một cảnh phim Những người độc thân vui vẻ

Chỉ đến những vai phản diện anh mới để lại được ấn tượng với khán giả. Có lẽ vì, anh có sẵn một gương mặt nhìn không được… lương thiện! Việc vào phản diện với anh hẳn là đơn giản và dễ dàng hơn?

Không phải thế đâu! Để trả lời câu hỏi này, tôi xin lấy vai Bình trong bộ phim mới tôi vừa quay xong- Tiễn biệt những ngày buồn làm chứng. Đó là một vai chính diện. Một sỹ quan quân đội trở về cuộc sống đời thường sau khi đất nước bước vào đổi mới. Anh ta phải đối diện với nỗi lo toan cơm áo gạo tiền, nhưng với bản chất lương thiện, cuộc sống của anh rơi vào khó khăn, và bị lỗi thời trước cuộc sống mới… Một vai khác hẳn những vai phản diện trước đây của tôi. Khán giả hãy xem và đánh giá. Một vai hoàn toàn lương thiện.

Sau 3 đời vợ, anh đã hài lòng với hạnh phúc hiện tại?

Sống để không lặp lại những nỗi buồn. Nói là hài lòng thì cũng không hẳn. Nhưng phải biết mình có gì, biết điểm dừng ở đâu, và biết giữ lại cho mình một mái ấm để trở về.

Trở thành bạn thân với diễn viên Hoa Thuý sau cuộc hôn nhân đổ vỡ, anh có hay về thăm con?

Thú thật là mẹ Thuý không thích tôi, bởi vậy, tôi cũng ngại về… Thỉnh thoảng, Thuý đưa con đến gặp tôi. Tôi vẫn tranh thủ gặp con mỗi khi có thể. Tôi đã làm khổ vợ con nhiều… Nhiều người bảo tôi số vất vả, nhìn mặt khắc khổ, cứ cười một cái là mặt đầy nếp nhăn.

Đi qua những sóng gió, đi qua những năm tháng tuổi trẻ ham chơi, điều còn lại trong anh là gì?

Mỗi người sẽ tự phải trả giá, tự phải chịu trách nhiệm về những gì mình làm.

Ly Lan (dantri.com.vn)

Bình luận (0)