Vị tổ sư của cắt gan có kế hoạch
Đưa bệnh viện Phủ Doãn lên ngang tầm quốc tế
Sau ngày Hà Nội giải phóng, ông xin thôi giữ chức Thứ trưởng Bộ Y tế để chuyên tâm làm khoa học. Qua tranh cãi gay gắt, cuối cùng, phương pháp cắt gan của Tôn Thất Tùng được nhiều nước công nhận. Ông được tặng Huy chương Phẫu thuật quốc tế Lannelongue, được bầu làm viện sĩ nhiều viện hàn lâm, rồi được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I. Tên tuổi ông được đặt cho nhiều đường phố ở Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Long An…
Sau ngày Hà Nội giải phóng, 10/10/1954, GS Tôn Thất Tùng bắt tay cải tạo Bệnh viện Phủ Doãn (nay là Bệnh viện Việt – Đức) cũ kỹ thành môt bệnh viện hiện đại với 350 giường và 60 chuyên gia (một số đạt trình độ giáo sư theo tiêu chuẩn quốc tế). Nhiều khoa của bệnh viện đuổi kịp các nước tiên tiến khi đó.
Năm 1958, ông thực hiện thành công ca mổ tim đầu tiên ở Việt Nam.
Năm 1965, cũng lần đầu tiên ở Việt Nam, ông sử dụng thành công máy tim-phổi nhân tạo trong khi mổ tim. Ở Sài Gòn thời đó, các bác sĩ Mỹ có đến biểu diễn phương pháp ấy, nhưng người Việt chưa ai áp dụng được. Tuy nhiên, đó vẫn chỉ là việc ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến của nước ngoài, chứ chưa phải tự mình sáng chế, phát minh.
Nhớ lại bốn năm 1935-1939, khi mới 23-27 tuổi, ông đã mổ hơn 200 lá gan người chết, từ đó, viết thành công trình được Đại học Paris tặng huy chương bạc: Cách phân chia các mạch máu trong gan. Đó thật sự là một khám phá, bởi vì, từ thời cổ đại Hy Lạp cho đến lúc ấy, chưa ai làm được.
Nắm chắc các mạch máu trong gan rồi, ông đi đến một giả thuyết táo bạo: Rất có thể tìm tất cả các mạch máu trong gan, buộc chúng lại và sau đó mới cắt gan. Đấy chính là cách làm về sau được gọi là phương pháp cắt gan có kế hoạch mà ông là người thực hiện đầu tiên trên thế giới, là “cha đẻ” – như lời khẳng định của nhà phẫu thuật Pháp Jean-Michel Krivine, Chủ nhiệm Khoa Phẫu thuật Trung tâm Bệnh viện Émile-Roux, Paris.
Ca mổ đầu tiên theo phương pháp do Tôn Thất Tùng đề xướng và được GS Mayer-May tán thành, diễn ra tại Hà Nội năm 1939, được viết thành báo cáo gửi tới Viện Hàn lâm Phẫu thuật Paris. Viện giao cho GS Funck-Brentano đọc và nhận xét. Tiếc thay, ông này công kích!
“Ý tuởng của Tôn Thất Tùng quá mới – J.-M. Krivine viết – cho nên, lúc bấy giờ, chưa được cơ quan khoa học đầy quyền uy này thấu hiểu!”
Thất vọng trước sự “đón tiếp” của “vị thánh” của ngành phẫu thuật thế giới thời ấy, Tôn Thất Tùng e ngại, không đụng dao mổ đến gan trong hơn 20 năm ròng rã!
Một lần nữa, cái mới có thể bị bóp chết!
Trở về Hà Nội giải phóng, không bị biệt lập về khoa học với thế giới bên ngoài, GS Tùng mới biết: Năm 1952, GS Pháp Lortat-Jacob đã thành công khi cắt gan có kế hoạch, bằng cách trước khi cắt, tìm buộc tất cả các cuống mạch máu ở ngoài gan. Ông lại cảm thấy hăm hở như xưa, muốn tiếp tục cái công việc bỏ dở từ năm 27 tuổi.
Ngày 7/1/1961, ông cắt thuỳ gan phải của một ca ung thư sơ phát chỉ vẻn vẹn trong… 6 phút! Nếu làm theo phương pháp Lortat-Jacob, thì phải mất 3-4 giờ! Phương pháp của ông khác phương pháp Lortat-Jacob ở chỗ: Ông tìm các mạch máu và ống mật ở ngay trong gan (qua tổ chức gan ung thư bị ông bóp vỡ) để thắt lại trước khi mổ; trong khi Lortat-Jacob tìm ở ngoài gan, do vậy, lâu hơn nhiều. Sở dĩ ông có thể làm được như vậy là vì chính ông là người đầu tiên trên thế giới mô tả được rành rẽ các mạch máu và ống mật trong gan.
Ông bèn cho công bố Một phương pháp cắt gan mới trên tờ The Lancet (Dao bầu) ở London, tờ tạp chí rất nổi tiếng trong ngành phẫu thuật thế giới, phát hành hàng triệu bản. Công trình gây chấn động dư luận. Chỉ sau một tháng, hơn 100 nhà phẫu thuật từ Mỹ đến Australia gửi thư sang Hà Nội, xin ông thêm tài liệu. Một số người viết bài dè dặt hoan nghênh. Nhưng nhiều người hoài nghi, kịch liệt phản đối! Đọc những lời bài bác của giới phẫu thuật phương Tây, không ít người Việt Nam vội cho là “phen này ông Tùng hố to” bởi vì đã làm một việc… “phản khoa học”!
Một lần nữa, cái mới đứng trước nguy cơ bị bóp chết!
Để có thể dành hết thời gian và tâm huyết cho phẫu thuật, GS Tùng xin thôi giữ chức Thứ trưởng Bộ Y tế.
Không nên nghe “tây” bảo sai, là bỏ cuộc!
Về “cuộc đọ sức với cái cũ” năm ấy, GS Tùng kể lại:
“Nhà phát minh, sáng chế phải là người can đảm rất mực, không hề biết nản chí là gì, không sợ có ý kiến chống đối! Con người ấy phải luôn kiên trì tiếp tục công việc của mình, phải dám tranh cãi, và phải thông thạo chuyên môn cũng như ngoại ngữ để tranh cãi với đồng nghiệp quốc tế. Không nên có mặc cảm tự ti, nghe “Tây” bảo sai là thôi, không dám làm nữa; hoặc nghe chung quanh có người không tin hay thậm chí cho mình “phản khoa học” là bỏ cuộc!”
Giờ đây, ông vững tin ở mình hơn. Nếu năm 1939, ông chán nản do lời nhận xét bất công của GS Funck-Brentano, thì năm 1962, ông sẵn sàng “một mình một ngựa” lao vào cuộc luận chiến tưởng chừng không cân sức với những tên tuổi lớn. Và rồi cuối cùng, ông đã thắng. Những người công kích ông dữ dội nhất, một khi đã thấu hiểu phương pháp mới do ông đề xướng, liền “phục thiện”, quay ra ca ngợi ông hết lời, coi ông là “cha đẻ”, là “vị tổ sư” của phương pháp cắt gan có kế hoạch!
Phương pháp cắt gan của Tôn Thất Tùng cũng được giới thiệu trong Encyclopédie médico – chirurgicale (Bách khoa thư nội thương – phẫu thuật) của Pháp; được đưa vào Obstetrics and Surgerys Reader Digest (Tuyển chọn các tài liệu sản khoa và phẫu thuật) của Mỹ.
Tạp chí Lyon chirurgicale (Lyon Phẫu thuật) viết:
“Hai tinh hoa mà Đại học Y Hà Nội có thể tự hào là: 1) Lần đầu tiên trên thế giới nghiên cứu các mạch máu trong gan, và 2) Lần đầu tiên cắt gan có kế hoạch.”
Cả hai tinh hoa đó đều là của Tôn Thất Tùng.
Không có nhà phẫu thuật nào sánh ngang tầm cỡ
Năm 1979, Nhà xuất bản Masson ở Paris in tiếp một cuốn sách khác của GS Tùng: Les Résections majeures et mineures du foie (Phẫu thuật lớn và nhỏ về gan). Trong tác phẩm này, ông tổng kết 715 ca ông đã cắt gan. Con số đó vượt xa kinh nghiệm của các nhà phẫu thuật gan khác trên thế giới: Sau ông là một nhà phẫu thuật Singapore cắt hơn 100 ca.
GS Tôn Thất Tùng giới thiệu phương pháp cắt gan do mình đề xướng với các nhà phẫu thuật Pháp. |
Nhà phẫu thuật Pháp J.-M. Krivine nhận xét:
“Với cuốn sách đó, kỹ thuật cắt gan của Tôn Thất Tùng đã dứt khoát được xác định thành quy trình, thao tác. Quả thật, người ta có thể nói ông đã “dân chủ hoá” phẫu thuật cắt gan, cho phép mọi nhà phẫu thuật đại cương, nếu chịu khó học tập phương pháp của ông, cũng sẽ không còn phải chịu bó tay trước những tổn thương nghiêm trọng ở gan.”
GS Tôn Thất Tùng được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm Phẫu thuật Paris, Viện sĩ Viện Hàn lâm Y học Liên Xô, v.v.
Ông được nhiều nước mời đến trình diễn phương pháp do chính ông đề xướng.
Trong một đời người, có được một công trình kinh điển như thế, đã là vinh hạnh lắm rổi. Thế mà, Tôn Thất Tùng công bố tới 123 công trình lớn, nhỏ.
Năm 1977, GS Tôn Thất Tùng được Viện Hàn lâm Phẫu thuật Paris tặng Huy chương Phẫu thuật quốc tế Lannelongue. Đây là loại huy chương đặt ra từ năm 1911 và 5 năm mới trao cho 1 người. Người ấy hiển nhiên phải là nhà phẫu thuật xuất sắc nhất thế giới trong 5 năm ấy. Tôn Thất Tùng là người thứ 12 được tặng huy chương đó.
Nhà phẫu thuật trứ danh của nước ta qua đời lúc 11 giờ 45 phút ngày 7/5/1982, thọ 70 tuổi.
Trong bài tưởng niệm GS Tôn Thất Tùng – một nhà phẫu thuật lớn đã ra đi in trên tờ Témoignage (Bằng chứng), tờ báo của giới Y học Pháp, BS J.-M. Krivine viết:
“Không ai có thể thay thế được GS Tôn Thất Tùng! Không một nhà phẫu thuật nào có tầm cỡ như ông trong thế hệ hiện nay (…). Nhưng chúng ta tin rằng ngành phẫu thuật Việt Nam sẽ tiếp tục nuôi dưỡng và phát huy nhiệt tình, tính nghiêm túc và trí tuệ cởi mở của bậc thầy khai sáng ấy.”
Tôn Thất Tùng đã qua đời!
Nhưng ông vẫn sống với trường phái phẫu thuật do ông sáng lập.
Ông còn được thế giới trân trọng vì đã công bố những công trình mở đường cho việc nghiên cứu chất độc da cam/ dioxin.
Năm 1984, GS Arthur H. Westing ở Stockholm cho in cuốn: Chất diệt cỏ trong chiến tranh – những hậu quả lâu dài về mặt sinh thái học và đối với cơ thể con người, với lời để từ: “Cuốn sách này được để tặng vong linh GS Tôn Thất Tùng (1912-1982)”.
Tên tuổi ông còn lại mãi trên các đường phố Tôn Thất Tùng ở Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Long An…
Hàm Châu (Theo dantri)
Bình luận (0)