Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Những nhà giáo đi B thời chống Mỹ – Bài 2: Người “cắm” chữ giữa rừng

Tạp Chí Giáo Dục

Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Hà đang dạy toán cho học sinh lớp 4 Trường Nguyễn Văn Trỗi ở rừng chiến khu Tây NinhCó hai ngôi trường mang tên anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi, một ở trong rừng chiến khu Tây Ninh trước năm 1975 và một ở quận Tân Bình sau ngày miền Nam giải phóng. Điều đáng nói là cả hai ngôi trường đều do một cô giáo chung tay xây dựng nên. Người có được vinh dự đó là nhà giáo Nguyễn Thị Ngọc Hà – nguyên Trưởng phòng GD quận Tân Bình.

Giữa chiến trường khát khao được dạy học

Mới 9 tuổi Ngọc Hà được các bác trong chiến khu đưa vào học Trường Thiếu Sinh Quân rồi chuyển sang Xứ đoàn Thanh niên Nam bộ. Vì quá nhỏ tuổi nên cô bé quê ở Tam Bình, Vĩnh Long chỉ được làm một số việc như in bột chữ cho tuyên huấn, dán phong bì thư liên lạc… Hai năm sau, Ngọc Hà là một trong những thành viên nhỏ tuổi nhất của đoàn cán bộ lên tàu ra Bắc tập kết. Cứ nghĩ là tạm xa gia đình hai năm ai ngờ phải đến 10 năm sau Ngọc Hà mới được đặt chân trở lại quê hương Nam bộ. Lúc này Hà không còn là cô bé “hạt mít” nữa mà đã trở thành một giáo viên cấp 3 vừa tốt nghiệp ra trường. Mong mỏi sớm được trở về Nam hoạt động nên Ngọc Hà từ chối một suất du học ở Liên Xô ưu tiên cho con em miền Nam có kết quả học tập tốt.

Đang hào hứng vì nghĩ về miền Nam sẽ được dạy học tại các vùng chiến khu thì Ngọc Hà thật sự thất vọng khi trở thành nhân viên của tổ trợ lý tại cơ quan Trung ương cục. Nhưng nhớ lại lời tuyên thệ trước ngày ra đi “làm bất cứ việc gì cách mạng cần” nên chị liền lao vào công việc. Được trợ lý cho đồng chí Nguyễn Chí Thanh – một con người tài giỏi và nghiêm khắc, Ngọc Hà càng trưởng thành hơn. Thời kỳ này đang có những đợt đưa con em các đồng chí cán bộ ra Bắc để học tập nhưng phải chờ dịp mới đi được. Qua tìm hiểu và sinh hoạt, Ngọc Hà thấy nhiều em chưa được học tập đến nơi đến chốn nên chị đã suy nghĩ: Tại sao lại không mở lớp ở đây cho các em? Chị đem ý kiến của mình đề nghị với cấp trên và được nhiều người ủng hộ. Và thế là một ngôi trường được ra đời trong khu rừng già tại Tây Ninh. Nói là trường nhưng chỉ có từ 30 rồi đến 50 học sinh và 4 giáo viên. Nhìn những chiếc bàn chiếc ghế được đóng từ cây rừng, dù tạm bợ nhưng lòng cô giáo trẻ vẫn rộn niềm vui. Như “cá được trở lại với nước”, Ngọc Hà đem niềm say mê của mình vào từng bài giảng cho các em giữa lớp học mái lợp bằng lá trung quân. Mọi thứ dụng cụ học sinh, sách giáo khoa đều từ ngoài miền Bắc đưa vào nhưng không phải lúc nào cũng có đủ. Có khi cả cô và trò tự ngồi in ra tài liệu để học. Khó khăn là vậy, nhưng lớp học bao giờ cũng rộn tiếng học bài ê, a át cả tiếng máy bay ầm ì của lũ giặc. Thời điểm này, sự hy sinh của anh hùng Nguyễn Văn Trỗi đã gây tiếng vang khắp nơi nên chị cùng các giáo viên xin cấp trên lấy tên anh đặt cho tên trường. Từ đó “tiếng lành đồn xa” nhiều cơ quan khác như bên tuyên huấn, binh vận, mặt trận… đã mang con em mình gửi vào Trường Nguyễn Văn Trỗi học tập.

Đến năm 1972, cô giáo Ngọc Hà được tổ chức cho ra Bắc học tiếp nhưng một lần nữa cô đã từ chối và xin hẹn đợt khác, rồi công việc cứ cuốn hút cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng chị theo đoàn cán bộ trong R về tiếp quản Sài Gòn.

Góp sức hồi sinh những ngôi trường

Là Hiệu phó Trường cấp ba Gia Long (nay là Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai) hơn ai hết chị phải thể hiện mình là một cán bộ giáo dục được đào tạo dưới chế độ XHCN và trưởng thành từ lò lửa cách mạng. Nhờ những ý kiến đề xuất và cả sự đấu tranh của chị mà những tài sản của nhà trường như đồ dùng trang thiết bị, sách, tài liệu của thư viện và một số công trình khác vẫn được giữ nguyên, không bị thu giữ để đưa đi nơi khác. Chính nhờ ý chí vững vàng của mình mà hai năm sau chị đã được đề bạt làm Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thái Bình (quận Tân Bình) và sau đó là Trưởng phòng GD Tân Bình. Chị nhớ lại: “Thời kỳ này không chỉ khó khăn về kinh tế mà còn khó khăn về cơ sở trường lớp và đội ngũ giáo viên”. Trường nào cũng thiếu giáo viên, ngoài thời gian dạy, thầy cô các trường phải lao động tăng gia sản xuất ở nông trường Lê Minh Xuân. Nhất là khi đi xuống cơ sở thăm các trường TH Lý Thường Kiệt, TH Trần Quốc Toản thấy nhiều em còn ngồi học trên cục gạch, học sinh nam cởi trần vì nóng quá chị thấy thương cho cả giáo viên và học sinh đồng thời chị cảm thấy mình chưa làm hết trách nhiệm. Biết bao khó khăn về công việc gia đình và xã hội nhưng chị không thể ngồi trông chờ vào ai được. Trường nào cũ kỹ xuống cấp chị cho cải tạo lại, nơi nào chưa có trường thì chị vận động các cấp và vận động nhân dân địa phương đóng góp. Nhờ vậy mà bộ mặt các trường TH Lê Lai (Tây Thạnh cũ), Trần Quốc Toản, THCS Tân Bình, Ngô Sĩ Liên… có rất nhiều thay đổi, tình trạng lớp học ca ba cũng được xóa dần. Từ một bãi rác ở phường 11, quận Tân Bình chị đã bỏ ra nhiều công sức đi thuyết phục chính quyền và bà con trong khu vực để xây nên ngôi trường mới. Tâm nguyện của chị là muốn con em nhân dân vùng này có một chỗ học khang trang và có một ngôi trường ở quận Tân Bình mang tên anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi như ngôi trường nhiều kỷ niệm trong vùng kháng chiến ngày nào. Thế nhưng lúc đầu cũng gian nan lắm, nhiều người không đồng tình để xây trường và khi ngôi trường mọc lên thì có một trường cấp 3 lớn nhất quận muốn đổi thành Trường Nguyễn Văn Trỗi. Trong lúc chờ hồ sơ cấp trên xét duyệt, chị làm một động tác “liều” là cho ban giám hiệu gắn bảng tên “Trường cấp 1 Nguyễn Văn Trỗi”. Nhờ “sự đã rồi” đó mà ngôi trường cấp 3 nọ vẫn phải giữ tên trường cũ cho đến bây giờ. Đây cũng là thời kỳ chị thực hiện chủ trương của Sở sắp xếp lại hệ thống trường mầm non để sau đó các trường này đều đạt chuẩn quốc gia.

Về hưu đã được mười năm nay nhưng chị vẫn còn đủ sức khỏe để tham gia nhiều tổ chức của địa phương như: Chủ tịch Hội Khuyến học quận, Bí thư Chi bộ khu phố, Hội Cựu giáo chức… Gần đến tuổi “thất thập cổ lai hy” rồi mà tôi cảm thấy chị vẫn nhanh nhẹn, tháo vát và năng động như một trưởng phòng GD quận ngày nào.

Hương Thủy

Bình luận (0)