Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Miss California làm sao xứng làm Hoa hậu Mỹ

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Á hậu 1 cuộc thi Miss USA 2009 Carrie Prejean cho rằng mình để tuột vương miện bởi câu trả lời về hôn nhân đồng giới, nhưng nhiều người khẳng định cô chỉ tưởng tượng hão huyền.

Trong phần thi ứng xử ở đêm chung kết 18/4, nhận được câu hỏi của blogger nổi tiếng Perez Hilton: "Vermont vừa trở thành bang thứ tư tại Mỹ công nhận hôn nhân đồng giới. Theo cô, các bang khác có nên học tập không và tại sao?", Miss California trả lời: "Chúng tôi sống ở nơi mà bạn có thể cưới người cùng giới hoặc khác giới. Nhưng bản thân tôi thì nghĩ, ở quê hương tôi, trong gia đình tôi, tôi tin rằng hôn nhân nên xảy ra giữa đàn ông và đàn bà. Tôi không có ý xúc phạm ai ở đây, nhưng đó là điều mà tôi đã được dạy dỗ".

Kết quả, cô chỉ giành ngôi Á hậu 1. Còn danh hiệu Miss USA 2009 thuộc về Kristen Dalton, đại diện Bắc Carolina.

Carrie Prejean (phải) và Kristen Dalton trong giây phút công bố kết quả. Ảnh: AP.

Khi dự cuộc phỏng vấn trong chương trình The Billy Bush Show ngày hôm sau, Carrie cho rằng cô phải trả giá cho câu trả lời đó bằng ngôi Hoa hậu. "Nhưng tôi cũng không thể trả lời theo cách nào khác. Tôi nói điều tôi cảm nhận. Tôi phát biểu quan điểm đúng với bản thân mình và đó là tất cả những gì tôi có thể làm".

Carrie nói thêm: "Đó là một đề tài nhạy cảm, anh ấy (Perez Hilton) là dân gay. Tôi biết anh ấy đến từ đâu và biết khán giả muốn tôi đưa ra một ý kiến mang màu sắc chính trị hơn. Nhưng tôi đã được nuôi dạy rằng, không nên phản bội niềm tin cũng như lập trường của mình vì bất cứ điều gì".

Xuất hiện trên MSNBC hôm 20/4, vị giám khảo đồng tính Hilton cho biết anh hoàn toàn "bị sốc, vô cùng thất vọng và có thể nói là vỡ mộng" trước phát biểu của Carrie Prejean, dù quan điểm của cô khá tương đồng với Tổng thống Mỹ Barack Obama và nhiều người khác. "Đó không phải người phụ nữ xứng đáng lên ngôi Hoa hậu Mỹ", anh nói. "Miss USA cần phải đại diện cho mọi người dân Mỹ, và với câu trả lời đó, cô ấy đã lập tức tỏ ra xa lánh hàng triệu người đồng tính nam, đồng tính nữ và cả bạn bè của họ".

Carrie Prejean giành ngôi Miss California tháng 10/2008. Ảnh: WireImage.

Chính Shanna Moakler – từng đoạt ngôi Hoa hậu Mỹ và hiện là giám đốc Tổ chức Hoa hậu bang California, người đi theo chăm sóc, tư vấn cho Carrie Prejean tại cuộc thi – cũng công khai phản đối đại diện của bang mình. "Đó là lý do chúng ta lập ra Ban giám khảo ở Miss USA, nhằm tìm ra cô gái đại diện cho tất cả chúng ta", Moakler phát biểu sau đêm chung kết. "Tôi không hiểu làm sao ai đó có thể gọi một người gay hoặc lesbian là bạn, nhưng lại không muốn họ được hưởng niềm hạnh phúc lứa đôi như mình. Gia đình tôi tin tưởng vào sự công bằng cho tất cả mọi người. Tôi rất buồn và tổn thương, tôi đồng ý 100% với Perez".

Một số nguồn tin cho biết, vợ cũ của tay trống Travis Barker từng rất thân thiết với Carrie. Nhưng ngay sau đêm chung kết, Moakler đã phải gửi lời xin lỗi tới các nhà tài trợ cuộc thi của California, nói rằng "ý kiến của Prejean không phải là quan điểm chung của Tổ chức Hoa hậu California".

Giám khảo Perez Hilton. Ảnh: Getty.

Carrie hiện là sinh viên tại Đại học San Diego, đang học tập để trở thành giảng viên. Trong thời gian rảnh, cô tích cực tham gia các hoạt động của tổ chức phi lợi nhuận Best Buddies, chuyên giúp đỡ những người tàn tật. Cô gái 21 tuổi cũng là tình nguyện viên cho các kỳ Para Olympics.

Nhưng theo tổ chức nhân quyền California – một nhóm hoạt động cấp bang chuyên đấu tranh vì quyền lợi của người đồng tính nam, đồng tính nữ, lưỡng tính dục và chuyển giới, quan điểm của tân Á hậu về hôn nhân đồng giới không phù hợp với thế hệ của cô.

Trong khi đó, Carrie Prejean cũng nhận được một số sự ủng hộ. "Phần lớn cử tri California – tức là khoảng hơn 7 triệu người – bỏ phiếu bảo vệ hôn nhân truyền thống. Và chúng tôi chúc mừng Miss California vì sự thuyết phục khi phát biểu về niềm tin của mình", Ron Prentice, Chủ tịch Liên minh ProtectMarriage.com, nói.

Keith Lewis, đồng nghiệp của Shanna Moakler trong Tổ chức Hoa hậu California, lúc đầu cũng tỏ ra phản đối Prejean. Nhưng đến cuối ngày hôm đó anh đã có cách phát ngôn mềm mại hơn: "Tôi rất tự hào về sắc đẹp của Carrie Prejean và kết quả cô đạt được tại Miss USA 2009. Tôi ủng hộ Carrie về quyền được tự do bày tỏ niềm tin cá nhân, dù điều đó có thể không trùng hợp với quan điểm của tôi".

Shanna Moakler – Giám đốc tổ chức Hoa hậu California. Ảnh: Splash.

Theo một nguồn tin, Lewis thực sự bực mình vì phản ứng của Prejean. Nhưng vì cô còn giữ vương miện Miss California tới tháng 10, nên họ phải tìm cách thỏa hiệp để còn tiếp tục cộng tác. "Thật thú vị khi xem họ vừa bất đắc dĩ quảng bá cho danh hiệu của Carrie, vừa tìm cách nhấn chìm sự nghiệp của cô ta", một người trong cuộc nói. "Họ không thể tước vương miện vì quan điểm của cô ấy, nhưng họ có thể khiến cho vầng hào quang của nó mờ dần".

Còn theo trang web chuyên về sắc đẹp Global Beauties, việc Carrie tuyên bố đáng lẽ vương miện phải thuộc về mình là vô căn cứ. Sự thực là Miss North Carolina – Kristen Dalton – đạt điểm cao nhất trong các phần thi ở đêm chung kết, và ngôi vị nữ hoàng sắc đẹp thuộc về cô là hoàn toàn xứng đáng. Còn Carrie chỉ đứng thứ nhì ở phần thi áo tắm và trang phục dạ hội, và nhận ngôi Á hậu 1 chung cuộc.

Ý Phương (Theo VNE)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)