Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Nguyễn Thúc Hào – Một Đại trưởng lão trong làng Giáo sư (Kỳ cuối)

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Rời Thủ đô, GS Hào tình nguyện về "tỉnh lẻ" xây dựng Trường ĐHSP Vinh. Nhưng rồi trường phải sơ tán lên tận vùng núi rừng Thanh Hoá. Suốt đời tận tuỵ với nghề dạy học, GS Hào sống giản dị, thanh cao, được bao thế hệ học trò mến phục, kính yêu.

> Nguyễn Thúc Hào – Một Đại trưởng lão trong làng Giáo sư (kỳ 2)

Kỳ cuối: Trải bao "dâu bể", vẫn tận tuỵ với nghề 
Từ năm 1951 đến 1954, Trường Dự bị đại học, rồi Trường Sư phạm Cao cấp mở tại tỉnh Thanh Hoá. GS Nguyễn Thúc Hào được Bộ Quốc gia Giáo dục cử vào Ban Giám đốc cùng các Giáo sư Trần Văn Giàu, Đặng Thai Mai, Đặng Xuân Thiều và Nguyễn Mạnh Tường. Giảng dạy tại hai trường này, còn có các ông: Cao Xuân Huy, Nguyễn Lương Ngọc, Phó Đức Tố, Hồ Đắc Liên, Tôn Thất Chiêm Tế….
Phan Huy Lê và Trần Quốc Vượng là sinh viên dự bị đại học dạo ấy.
"Không gian đại học lúc bấy giờ là một mái đình xưa hay vài ngôi nhà mượn của dân. – Trần Quốc Vượng kể lại. Thời gian đại học là màn đêm, dưới ánh đèn "đom đóm". Giáo trình đại học là dăm bảy cuốn sách in ty-pô hay ly-tô gói gọn trong ba-lô dã chiến. Nhưng không khí đại học sao mà hưng phấn lạ thường!"
Hoà bình được lập lại trên miền Bắc, GS Nguyễn Thúc Hào trở về Hà Nội. Ông cùng GS Lê Văn Thiêm dạy toán tại Trường Đại học Khoa học và Trường Đại học Sư phạm Khoa học. Rồi ông được cử làm Phó Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội bên cạnh Giáo sư, Hiệu trưởng Phạm Huy Thông. Các anh Nguyễn Văn Hiệu, Vũ Đình Cự, Nguyễn Văn Đạo, Phan Đình Diệu, Nguyễn Đình Trí, Nguyễn Văn Ba, Văn Như Cương, Đoàn Quỳnh… được học toán thầy Hào vào dạo ấy.
Lê Văn Thiêm và Nguyễn Thúc Hào là hai nhà toán học đầu tiên  được Nhà nước ta công nhận chức danh Giáo sư đại học. Ngoài trách nhiệm Phó Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam, GS Hào còn là đại biểu Quốc hội nhiều khoá, Phó Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh Nghệ An, v.v.
Tận tuỵ với nghề, GS Hào biên soạn nhiều bộ giáo trình: Hình học giải tích, Hình học vi phân, Giải tích, Hình học vectơ, Hình học tuyến tính. Trong nhiều năm liền, ông còn dịch sang tiếng Việt 14 cuốn sách toán từ ba thứ tiếng Nga, Anh, Pháp, như: Giải tích tenxơ và hình học Riemann của Rashevsky, Cơ sở lý thuyết mặt của Kagan (từ tiếng Nga); Không gian, thời gian, vật chất của H. Weyl, Toán Ricci của J. A. Schouten (từ tiếng Anh); Không gian liên thông xạ ảnh của Élie Cartan, Xác suất và ứng dụng của H. Cramer, Thuyết tương đối và điện động lực học của A. Lichnerowicz (từ tiếng Pháp), v.v. Đáng tiếc, đến nay, nhiều bản dịch vẫn chưa được in do  nhà xuất bản cảm thấy khó thu lãi!

GS Nguyễn Thúc Hào và Hội Toán học Việt Nam. Từ trái sang phải, hàng đầu: GS Hoàng Tuỵ (thứ 3), GS Nguyễn Thúc Hào (thứ 4), GS Lê Văn Thiêm (thứ 5), GS Nguyễn Cảnh Toàn (thứ 6), GS Nguyễn Đình Trí (thứ 7)…

Người khai sinh Đại học Vinh
Năm 1959, GS Nguyễn Thúc Hào được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường ĐHSP Vinh (tiền thân của Đại học Vinh hiện nay). Đây là trường đại học đầu tiên trên miền Bắc đặt tại một tỉnh lẻ.
Năm học đầu 1959-1960, cơ ngơi của trường chỉ có hai dãy nhà hoang. Thư viện lèo tèo vài nghìn cuốn sách. Cả trường vẻn vẹn có 17 cán bộ giảng dạy, 159 sinh viên. GS Hào cùng tập thể nhà trường và chính quyền địa phương bắt tay "nhen nhóm".
Sau 5 năm, cơ ngơi đã khá: 4 ngôi nhà cao tầng làm thư viện, phòng thí nghiệm, nơi ở, làm việc và học tập cho cán bộ, sinh viên. Số sách trong thư viện lên tới 6 vạn cuốn. Trường đã có 15 phòng thí nghiệm với thiết bị khá đủ. Từ 2 ban Văn-Sử và Toán-Lý, trường xây dựng thành 4 khoa: Văn, Toán, Lý, và Hoá-Sinh, cùng 4 bộ môn trực thuộc, gồm 140 cán bộ giảng dạy. Ba khoá sinh viên đã tốt nghiệp ra trường, đóng góp cho đất nước 1.085 giáo viên THPT trẻ tuổi.
"Hành quân" lên rừng
Hè 1964, Mỹ ném bom miền Bắc Việt Nam. Vinh – Bến Thuỷ bị đánh phá dữ dội. Trường sơ tán khỏi thành phố. Trong vòng 18 tháng, 4 lần di chuyển: Từ Vinh ra Nghi Lộc, lên Thanh Chương (Nghệ An); rồi từ Thanh Chương ra tận Hà Trung, Thạch Thành (Thanh Hoá). Hàng nghìn sinh viên, cán bộ dắt díu theo hàng trăm cháu bé, vận chuyển mấy vạn cuốn sách, mấy trăm tấn thiết bị, "hành quân" an toàn qua hơn 300 cây số, vượt nhiều trọng điểm bị đánh phá ngày đêm như Cầu Giát, Hoàng Mai, Tĩnh Gia…
Giữa rừng núi Thạch Thành, sống chung với đồng bào dân tộc thiểu số, thầy, trò vào rừng chặt nứa, đẵn gỗ, dựng lán học, thư viện, phòng thí nghiệm, chỗ ở cho trò, nhà riêng cho thầy, cô có con nhỏ.
Thầy Hiệu trưởng, tuổi ngót lục tuần, vẫn trèo đèo, lội suối đến từng khoa cách xa Hiệu bộ cả chục cây số, cùng khoa lo toan cho từng lán học, hầm trú ẩn, bếp ăn, gạo, mì, mắm, muối… Bận rộn thế, nhưng thầy vẫn dành thời gian bồi dưỡng toán chuyên đề cho các đồng nghiệp trẻ.
Vợ con thầy sống kham khổ như mọi người, cũng ăn cơm độn sắn, độn khoai, cũng tự mình đào hầm trú ẩn. Thầy xắn quần lội bùn đến lớp, băng rừng tới dự những đêm liên hoan văn nghệ sinh viên.  
Biết bao công việc âm thầm ở chốn "tỉnh lẻ", chẳng được báo, đài trung ương "ngó ngàng" tới để mà phản ánh, biểu dương… Thầy Hào như một "ẩn sĩ" giữa chốn "thâm sơn cùng cốc". Chỉ còn một nét tài hoa kinh kỳ đêm đêm người dân miền núi cảm nhận được ở thầy, đó là tiếng đàn viôlông réo rắt mấy khúc nhạc Mozart, Beethoven hay Chopin, Tchaikovsky – "ngón đàn" mà thầy đã học được từ thời trai trẻ giữa Paris hoa lệ…
Sau 7 năm sơ tán, trường lại trở về Vinh. Nhưng, cay đắng thay, cơ ngơi bao năm đổ mồ hôi xây đắp đã bị máy bay Mỹ giội bom phá đổ tan tành! Phải làm lại từ đầu…
Năm 1976, thầy Hào về hưu, chuyển ra Hà Nội, sống cùng các con, nhưng vẫn theo dõi từng bước tiến của trường. Năm 1984, phát biểu tại lễ kỷ niệm 25 năm Ngày thành lập trường, thầy nói:
"Trường ĐHSP Vinh đang lớn lên, đẹp về hình dáng cũng như về tâm hồn, xứng đáng là một trong những trường có truyền thống cao quý nhất ở  nước ta."
Lúc bấy giờ, trường đã có 15 phó giáo sư, 53 tiến sĩ, 384 cán bộ giảng dạy và hàng mấy nghìn sinh viên.
Một tuổi già thanh cao, hạnh phúc
Từ đấy, thầy Hào sống trong mấy gian nhà trệt mái tôn ở phường Kim Liên, Hà Nội. Nhiều năm sau, các con thầy mới gom đủ tiền "nâng cấp" thành một ngôi nhà gạch tàm tạm ổn.
 Cái phúc của thầy là nuôi dạy được những người con ưu tú. Anh Nguyễn Thúc Hoàng nhiều khoá liền được bầu làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Kiến trúc sư Việt Nam. Anh Nguyễn Thúc Hải, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, nhiều năm làm Chủ nhiệm Khoa Công nghệ Thông tin Trường Đại học Bách khoa Hà Nội…
Tôi đến thăm thầy Hào vào một buổi chiều đầu đông mưa bụi. Gia đình thầy sống trong một nếp nhà xuềnh xoàng, bên hồ nước rộng in bóng mây trôi. Tôi chợt nhớ tới bài thơ Đường luật Mừng Thầy do anh Phan Đình Diệu mừng thầy vào dịp thầy Hào thọ tám mươi:
Một tấm gương trong 
giữ vẹn tròn
Sá bao công lội suối trèo non
Tay dù trắng, đẹp đời trong trắng
Lòng vẫn son, bền chí sắt son
Từng trải nắng mưa, lo nghiệp lớn
Giờ vui mây nước, mảnh tình con
Đời còn sương bụi bao mờ tỏ
Xin hãy long lanh ánh nguyệt tròn.
Trong nhà thầy, chỉ thấy mấy thứ đồ đạc cũ kỹ, ọp ẹp. Không có một tiện nghi nào sang trọng, đắt tiền. Một tuổi già thanh thản. Một cuộc đời thanh bạch. "Tay dù trắng, đẹp đời trong trắng/ Lòng vẫn son, bền chí sắt son".
– Gần đây, cậu Châu có về trong ta không?
– Dạ, đã khá lâu rồi, em chưa có dịp về quê.
– Nam Đàn có thay đổi chi không, cậu?
Tôi ngồi trầm ngâm… GS Hào và tôi là người đồng hương Nam Đàn, cùng quê Hồ Liễu, xóm dưới, xóm trên. Thuở nhỏ, tôi thường nghe ông nội tôi (cụ Phó bảng Nguyễn Văn Chấn mở trường dạy học ở quê) khuyên bảo: "Lớn lên, cháu phải gắng học cho chăm, cho giỏi theo gương các nhà "tân học" người huyện ta, như ông Tạ Quang Bửu, ông Nguyễn Thúc Hào. Chứ cái vốn "cựu học" của ông, thì giờ đây không còn đắc dụng nữa!"
Chà, "nhà tân học" Nguyễn Thúc Hào ngày ấy, mặc com-plê, thắt cà-vạt, mới trẻ, đẹp làm sao! Nhà thơ Lý Bạch từng than dài: Thời gian trôi đi như nước sông Hoàng Hà chảy ra biển cả, chẳng bao giờ còn quay trở lại chốn Trung Nguyên! "Người ta không tắm hai lần ở một dòng sông". Tuổi trẻ trôi qua là trôi mãi mãi! Và rồi, "Thế sự du du nại lão hà/ vô cùng thiên địa nhập hàm ca", như Đặng Dung đã viết…
"Nam Đàn có thay đổi chi không?" Đúng là đã có đổi thay. Nhưng sao mà chậm quá! Nam Đàn có rú Đụn, sông Lam, có thị trấn Sa Nam "trên chợ, dưới đò". Nam Đàn, một miền quê cần kiệm và hiếu học, có dứt bỏ được xích xiềng trì trệ để vươn tới, bay xa?
Thế giới đang biến đổi từng ngày với tốc độ chóng mặt. Nhưng, trong cơn lốc của thời đại, cũng hiện lên bao đám sương mù và bụi bặm.
Là những người trí thức hậu sinh, mỗi khi soi mình vào tấm gương thầy Hào, chúng tôi lại như có thêm niềm tin và nghị lực để giữ gìn nhân cách và phẩm hạnh trước bao cám dỗ lợi, danh:
Đời còn sương bụi bao mờ tỏ   
Xin hãy long lanh ánh nguyệt tròn.
Hàm Châu (Dan tri)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)