Trên thế giới đã có những cái bắt tay giữa nhà làm phim và nhà tài trợ thành công một cách mỹ mãn. Phim được đông đảo khán giả yêu thích, kéo theo sản phẩm quảng bá trong phim được tiêu thụ nhanh chóng. Còn ở VN thì sao?
“Chẳng đáng kể là bao” – các nhà làm phim VN khẳng định.
Các hãng phim tư nhân hợp tác với đài truyền hình làm phim theo phương thức trao đổi bằng mẩu (spot) quảng cáo. Thông thường, mỗi tập thu vài mẩu quảng cáo tương đương khoảng 180 triệu đồng. Cho dù bộ phim đó hấp dẫn, nhà đài thu được rất nhiều quảng cáo thì các hãng phim cũng chỉ nhận một số lượng quảng cáo nhất định.
Chuyện thanh kẹo cao su
Số tiền từ các mẩu quảng cáo chưa đủ để làm phim và trang trải những chi phí khác, vì thế họ phải ráo riết tìm kiếm thêm tiền từ nguồn quảng cáo trong phim. Trên thực tế chưa có đánh giá sự thành công của loại hình quảng cáo này nên các công ty vẫn chưa thật sự mặn mà lắm, các hãng sản xuất phim làm ăn theo kiểu… “có được đồng nào hay đồng đó”. Tuy nhiên, theo tiết lộ của đại diện một hãng phim tư nhân, một số nhãn hàng giới thiệu trong phim chủ yếu chỉ để hỗ trợ lẫn nhau.
Ví dụ như các công ty sản xuất nước uống đóng chai hỗ trợ đoàn phim về nước uống, đoàn phim đền bù lại bằng cách đưa những sản phẩm đó vào một số cảnh trong phim. Cũng có trường hợp một số công ty đăng ký trước quảng cáo sản phẩm của mình vào giờ phát sóng phim nên được nhà làm phim ưu ái đưa nhãn hàng vào phim để thắt chặt “tình thương mến thương”.
Nói về vấn đề quảng cáo trong phim, đạo diễn hình ảnh đến từ Hollywood là Joel Spezeski – người từng cộng tác làm phim Mưa thủy tinh và Giải cứu thần chết – cho rằng: “Chuyện quảng cáo trong phim là chuyện bình thường. Nếu sản phẩm phù hợp với câu chuyện thì khả năng “thắng” cao. Nhưng nếu không phù hợp với câu chuyện phim lại có tác dụng ngược. “Thậm chí, ngay cả khi sản phẩm được quảng cáo trong phim thì việc lấy tiền cũng không dễ dàng. Trong giới quảng cáo đã từng có bài học về “thỏi kẹo cao su”.
Trong một bộ phim có cảnh hai tên trộm định đột nhập nhà. Trước khi khởi sự, một tên thò tay vào túi quần móc ra thỏi kẹo cao su bỏ vào miệng. Khi thấy hình ảnh này, công ty sản xuất sản phẩm ấy dĩ nhiên từ chối trả tiền với lập luận bôi nhọ hình ảnh sản phẩm của mình. Trong bộ phim khác, công ty quảng cáo rất hài lòng khi nhà sản xuất phim đã xử lý thỏi kẹo cao su trong bối cảnh vô cùng lãng mạn: nhân vật nam chính trong lúc chờ đợi người yêu đã lấy thanh kẹo cao su ra ăn. Sau đó anh chàng này lấy tờ giấy gói kẹo gấp hình một con hạc để tặng người yêu…
Làm trong thận trọng
Diễn viên Nguyễn Hậu nhận xét: “Ở nước ngoài quảng cáo sản phẩm lồng trong phim rất tinh vi, khán giả khó mà biết được. Tuy nhiên ở VN đang diễn ra tình trạng quảng cáo bị phô. Các nhà làm phim chưa khéo léo trong liều lượng và cách thể hiện nên khán giả không đồng tình.”
Ông Trần Minh Tiến, chủ tịch hội đồng thành viên Công ty cổ phần Lasta, bày tỏ về cái khó của người làm phim: “Một phút quảng cáo trong phim, ví dụ có trị giá khoảng chục triệu đồng, nhưng thu khoản tiền đó khó lắm. Xử lý sản phẩm lên trong một phút ấy không dễ dàng chút nào. Mấy lần thì đủ một phút, lồng ghép như thế nào cho hiệu quả tế nhị? Nó đòi hỏi phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các công ty, nhà sản xuất phim, đạo diễn và diễn viên”.
Cũng bởi khó, nhất là sau một thời gian bị phản đối vì phim quá thương mại, Hãng phim Lasta quyết định tạm ngưng triển khai phương pháp này một thời gian để tìm kiếm cách thể hiện sao cho hợp lý. Ðạo diễn Ðinh Ðức Liêm cho biết: “Ðạo diễn chúng tôi chẳng có lợi lộc nào từ vấn đề này, bị các nhà sản xuất phim gí thì phải làm thôi. Theo tôi, quảng cáo trong phim không phải là nghệ thuật mà đó là sự sinh tồn, vì thế chuyện quảng cáo trong phim là đương nhiên. Người xem không nên nghĩ ngợi hay phân tâm vấn đề này mà nên quan tâm nội dung phim”.
Nhìn nhận chuyện quảng cáo trong phim là chuyện đương nhiên, bà Huỳnh Thanh Diệu, chủ tịch hội đồng quản trị Hãng phim Gia đình Việt, có ý kiến: “Vấn đề là sản phẩm đưa vào có hợp lý hay không mà thôi. Quay cảnh trong nhà bếp, phòng tắm thì có nước rửa chén, xà bông… là bình thường. Nhưng nếu để diễn viên mất ba bốn phút lấy chìa khóa mở xe máy thì lại thành vô duyên”.
“Các nhà sản xuất phim nếu có sự chọn lọc cần thiết và biết nói không với những đòi hỏi quá đáng của các công ty, sẽ dễ dàng cho đạo diễn làm phim”. Ý kiến của đạo diễn Minh Cao đáng suy nghĩ, bởi suy cho cùng công việc chính của đoàn phim là làm nghệ thuật. Chất lượng nhất thiết phải đặt lên hàng đầu. Nếu cứ chăm bẳm quá vào quảng cáo sẽ khiến bộ phim bị thương mại hóa, giảm sút rất nhiều thiện cảm trong mắt người xem.
HOÀNG LÊ (Nguồn Tuổi trẻ)
Bình luận (0)