Bị mẹ bỏ rơi từ khi mới lọt lòng, phải bỏ học từ năm lớp 7, nhưng bằng sự nỗ lực không ngừng, chị Thanh đã vượt qua tất cả khó khăn để tốt nghiệp ĐH Cô giáo của trẻ mồ côivà trở thành cô giáo của những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại mái ấm Bà Chiểu, TPHCM.
Không muốn là gánh nặng
Khi học đến lớp 7, chị Nguyễn Bá Phương Thanh mới biết mình là con nuôi của bố mẹ. Nhờ tấm lòng của bố mẹ nuôi, chị đã được hưởng không khí của một gia đình. Nhưng biết rằng mình không thể là gánh nặng của bố mẹ mãi được, chị quyết định nghỉ học lên Sài Gòn làm thuê kiếm tiền phụ giúp gia đình.
Không có gì ngoài hai bàn tay trắng, chị đành đi phụ bán cơm, sau đó giúp việc nhà cho một gia đình giàu có. Chị kể: “Nhiều khi nhìn gia đình họ sum vầy, ấm êm bên nhau, tôi buồn lắm. Lúc đó tôi chỉ ước giá mình có một gia đình, được đi học chắc tôi không cực như bây giờ”.
Sau 7 năm đi làm thuê, chị quyết định đi học nghề nấu ăn. Vừa tham gia học, chị vừa đi phụ nấu tiệc cưới thuê nên tay nghề cũng lên nhanh chóng. Nhờ đó, chị đã quen cô Đặng Hồng Nhực, Trưởng ban quản trị mái ấm Bà Chiểu (quận Bình Thạnh – TPHCM). Đồng cảm với các em có hoàn cảnh khó khăn, chị Thanh về làm việc tại mái ấm.
Tấm lòng với trẻ đường phố
Khi vào làm việc tại mái ấm, chị Thanh mới 26 tuổi nên cũng gặp nhiều khó khăn, bỡ ngỡ. Công việc nơi đây vốn không có tên gọi, chị như là chị cả trong nhà, lo cho các em ăn ngủ, thay mặt các em để tiếp xúc với nhà trường...
Chị Thanh nhanh chóng nhận ra rằng cần phải có vốn kiến thức nhất định để dạy dỗ các em. Và thế là chị quyết định đi học trở lại. Chị Thanh tâm sự, ngày mới đi học lại chị nản lắm, học chậm, nói trước quên sau. Nhưng với sự động viên của các cô trên Hội Phụ nữ Từ thiện TPHCM, chị đã lấy được bằng tú tài. Sau đó chị tiếp tục theo học khoá cán sự xã hội 2 năm, và lấy tiếp bằng cử nhân xã hội học.
Chị kể: “Khi cầm được tấm bằng mình rất vui, để có được nó mình phải cực khổ lắm. Nhưng nhờ sự giúp đỡ về tinh thần, vật chất của các cô Hội Phụ nữ Từ thiện TPHCM nên mình mời có được ngày hôm nay. Hội đã tạo động lực thúc đẩy cho mình chứ không mình sẽ khó có thể như bây giờ”.
Với vốn kinh nghiệm trong lĩnh vực nấu ăn, chị đã dạy các em biết nấu những món ăn ngon. Chị cười bảo: “Bây giờ các em đã có thể nấu tiệc khoảng 2-3 bàn với 4-5 món rồi. Những dịp lễ, tết, kết thúc học kỳ chúng tôi vẫn thường tổ chức cho các cháu thi tài nấu ăn với nhau để giúp các em có sự hoà đồng, hiểu nhau hơn”.
Đối với chị, mái ấm Bà Chiểu như là gia đình thứ hai. Chị muốn lo cho các em, giúp các em vượt qua hoàn cảnh để có cuộc sống tốt đẹp cho ngày mai.
Hoài Lương
Theo Dân trí
Bình luận (0)