Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Kết thúc hội thảo khoa học “VH-NT trong cơ chế thị trường và hội nhập”:Nâng cao giá trị đích thực của nền VH-NT

Tạp Chí Giáo Dục

Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4

Ngày 18-11, Hội thảo khoa học Văn học, nghệ thuật (VH-NT) trong cơ chế thị trường và hội nhập đã khép lại sau 2 ngày thảo luận. Nhiều vấn đề đã được làm sáng tỏ, nhiều câu hỏi, câu trả lời đã được nêu ra và cũng còn nhiều suy tư để lại cho các đại biểu tham dự.

Nhận diện thị trường các sản phẩm VH-NT

Trong phần tổng kết cuộc hội thảo, GS-TS Phùng Hữu Phú, Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội đồng lý luận phê bình VH-NT TƯ đã nhấn mạnh điểm thành công quan trọng nhất của cuộc hội thảo lần này chính là việc làm rõ mối quan hệ giữa cơ chế thị trường (CCTT), hội nhập quốc tế với quá trình phát triển VH-NT trong nước. Các tham luận đã phân tích khá sâu sắc và toàn diện nhiều vấn đề về mối quan hệ trên ở nhiều vai trò khác nhau như quản lý, nghiên cứu, lý luận phê bình đến kinh doanh, đào tạo, giải pháp xây dựng và phát triển VH-NT hiện nay…

Các tham luận đã nêu ra một vấn đề đó là khi chấp nhận vận hành theo CCTT, đồng thời chúng ta phải chấp nhận tác động của nó đến mọi yếu tố trong xã hội trong đó có VH-NT. VH-NT trong CCTT cũng được xem như một loại hàng hóa, nó cũng hàm chứa các thuộc tính của hàng hóa và chịu sự chi phối của các quy luật cung cầu, cạnh tranh. Tham luận của nhà văn Vũ Hạnh đã nêu lên tình trạng xuất hiện một số tác phẩm mang tính cá nhân, tủn mủn, thậm chí báng bổ anh hùng, bôi nhọ danh nhân, kích động bạo lực, tình dục.

TS Ngô Phương Lan thuộc Cục Điện ảnh thì đưa ra một nghịch lý là tư nhân làm phim thị trường chạy theo thị hiếu của khán giả bị phê phán là phản cảm nhưng khi các hãng phim nhà nước lẽ ra phải giữ vai trò định hướng thì cũng nhảy vào làm phim thị trường, thậm chí còn phản cảm hơn. Họa sĩ Trần Khánh Chương, Chủ tịch Hội Mỹ thuật VN phản ánh một thực trạng trong lĩnh vực hội họa là đang có tình trạng tìm kiếm sự nổi tiếng bằng mọi giá kể cả dùng những biện pháp giật gân như sắp đặt gây sốc, vẽ lên người… Công tác phê bình vốn đóng vai trò khách quan, hướng dẫn dư luận thì lại bị xem nhẹ, thậm chí xuất hiện nhiều bài phê bình mang tính quảng cáo cho các sản phẩm VH-NT. Nhiều đại biểu cho rằng chính điều này đã tạo nên một tình trạng nguy hiểm khi các giá trị đúng sai, tốt xấu bị đảo lộn hoàn toàn khiến khán giả, bạn đọc không còn phân biệt đâu là thật, giả.

Ông Ngô Thảo, Phó chủ tịch phụ trách nghệ thuật Công ty BHD và Hãng phim Việt lại có một cái nhìn khác về VH-NT trong CCTT và hội nhập. Theo ông, chính nhờ CCTT mà nền VH-NT của Việt Nam có sự năng động hơn, đa dạng hơn và phát triển từ số lượng đến chất lượng thông qua việc xuất hiện hàng loạt doanh nghiệp, công ty VH-NT tư nhân.

Nguy cơ và giải pháp

Có sự thống nhất cao từ các đại biểu tham dự về tính hàng hóa của VH-NT trong cơ chế thị trường và hội nhập. Tuy nhiên, tính giáo dục, định hướng của các sản phẩm VH-NT trong CCTT và hội nhập hiện nay đang bị tính thương mại lấn át, chỉ nghĩ đến lợi nhuận trước mắt, tuyệt đối hóa nhu cầu của người sử dụng sản phẩm VH-NT dẫn đến việc hạ thấp giá trị đích thực của nền VH-NT. Đã xuất hiện một số nguy cơ như: Một bộ phận sáng tác chỉ biết sao chép, mô phỏng VH-NT nước ngoài, đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc; xuất hiện các sản phẩm VH-NT thoát ly khỏi cuộc sống hiện thực, một số nhà sáng tác không sống với buồn vui của đất nước; vì lợi nhuận, đã tập trung nhập khẩu các sản phẩm văn hóa nước ngoài một cách tràn lan dẫn đến sự xâm lăng văn hóa…

Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát (Hội Điện ảnh Việt Nam) đề nghị cần có chính sách bảo hộ điện ảnh trong nước, một bài học mà nhiều quốc gia trong khu vực (Hàn Quốc, Trung Quốc) và trên thế giới đã áp dụng thành công nhằm chống sự tràn ngập của điện ảnh ngoại lai. Ông Phạm Quang Long, GĐ Sở VH-TT-DL Hà Nội đề nghị cần đi vào những yếu tố cụ thể như trả thù lao cho nghệ sĩ xứng đáng với tài năng nhằm tìm kiếm tác phẩm hay đồng thời tăng cường mức chế tài cho các vi phạm văn hóa. Nhà văn Vũ Hạnh đề nghị giảm bớt số lượng các NXB hiện nay trên cả nước (gần 60 NXB) nhằm thuận tiện cho quản lý và dễ dàng xây dựng được một hệ thống lý luận phê bình tại mỗi NXB nhằm tuyển chọn các tác phẩm hay có giá trị nghệ thuật phù hợp với bạn đọc.
Với hơn 40 bản tham luận cùng rất nhiều ý kiến phát biểu trong suốt hai ngày hội thảo vừa qua, Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật TƯ đã tổng kết và ghi nhận tất cả nhằm đề đạt lên Đảng và Nhà nước. Từ đó tiến tới hoàn thiện một thị trường sản phẩm VH-NT, khơi dậy mọi nguồn lực, góp phần xây dựng, phát triển nền VH-NT Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. 

Nhóm PV VHVN (Theo SGGP)

Bình luận (0)