Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Mười lăm năm gieo chữ

Tạp Chí Giáo Dục

Bà Tư chấm bài của học trò

Cách cổng ký túc xá Đại học Quốc gia không xa về phía tây, người ta đã không còn xa lạ với một lớp học tình thương vẫn đều đặn ngày hai buổi lên lớp. Cô giáo của các em không phải là “Cô giáo em tre trẻ, dạy em hát rất hay” mà là hai ông bà giáo đang dần bước vào tuổi “thất thập cổ lai hi” – ông bà Tư. Đó cũng là cách gọi đầy tôn kính và mộc mạc mà mười lăm năm qua bọn trẻ xóm lò gạch nghèo này dành cho hai con người mà lẽ ra chúng phải gọi là thầy, là cô.

Ông bà Tư quê gốc ở Bến Tre. Năm 1990, vợ chồng ông Tư về ấp Tân Lập, xã Đông Hòa, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương định cư. Bà Tư hồi trẻ từng là cô giáo đứng lớp, còn ông Tư vốn là bảo vệ của Công ty TNHH Đại Dương. Những ngày ấy còn khó khăn, những hộ dân đa số là dân lao động tay chân về đây tìm kế sinh nhai ngày một đông đúc. Rồi những đứa trẻ ra đời và lớn lên trong sự vật vã với gánh nặng "cơm áo gạo tiền". Đứa thì lượm ve chai, đứa đi bán vé số, làm thuê, làm mướn… nào biết cái chữ là gì. Cái nghiệp của nghề giáo như vẫn còn đeo đuổi bà Tư làm cho lòng già không yên khi nhìn những đứa trẻ lớn lên trong nghèo nàn tăm tối. Thế là lớp học tình thương ra đời giữa những ngày bộn bề khó khăn…

Đến với nghề bằng tấm lòng

Lúc đầu ông bà Tư chỉ dạy cho hai ba đứa nhỏ trong xóm "cho chúng biết được cái chữ với người ta", nhưng rồi tấm lòng nhân ái kia cũng không nỡ để những đứa trẻ khác bị thiệt thòi, ông bà Tư sẵn lòng đón nhận tất cả những đứa trẻ được gia đình dẫn đến gửi gắm. Và giờ đây lớp học ấy đã lên đến 70 em, có lúc còn đông hơn, từ lớp một cho đến lớp bốn.

Để có tiền chi phí lặt vặt cho lớp học, ông bà đã động viên mỗi cháu đóng 15.000 đồng/tháng. Để 15.000 đồng kia không là gánh nặng quá lớn cho các em, ông bà Tư bèn nghĩ ra cách mỗi ngày đi học các em phải tiết kiệm 500 đồng. Số tiền ấy chẳng đáng là bao so với trẻ em thành phố nhưng đối với những đứa trẻ lam lũ ở xóm lò gạch nghèo này là cả một vấn đề. Nên có khi đã bước sang tháng học mới hơn nửa tháng rồi mà có em vẫn chưa có tiền đóng.

Vì phần nào thấu hiểu hoàn cảnh của các em nên "mấy đứa nạp thì nạp, không thì Tư cũng chẳng nỡ đòi. Tiền điện đôi khi Tư bỏ tiền túi ra trả con à” – bà Tư tâm sự. Số tiền không lớn, nhưng ông bà Tư cũng phải chắt chiu từng đồng qua gánh hủ tiếu chay và hàng quán bữa nắng bữa mưa mới có được.

"Vẫn dạy cho đến khi sức khỏe không cho phép"

Mười lăm năm, cũng là ngần ấy thời gian ông bà Tư vừa làm thầy cô, vừa làm hiệu trưởng, vừa làm nhân công, bảo vệ…chỉ với mong muốn giản dị ngày nào các em cũng đến lớp đặng học cho được cái chữ mà ăn nói với người ta.

Cứ đầu mỗi năm học, ông Tư lại tất bật ngược xuôi để liên hệ có nhà hảo tâm nào cho tập, sách để cha mẹ các em đỡ được phần nào gánh nặng. Rồi ông Tư ghé qua mấy nhà sách cũ để tìm sách giảm giá, bổ sung những quyển còn thiếu cho các em. Bà Tư kể lại: "Tư còn nhớ mấy năm trước khi Bộ GD-ĐT đổi mới sách giáo khoa, cả thầy và trò ở đây đều phải dạy và học sách cũ chứ nào có tiền mà mua sách mới. Chờ sang năm mua lại sách cũ của người ta cho rẻ, đành học chậm hơn người ta một năm chứ biết làm sao. Sách mới đắt tiền quá!". Rồi khi có sách, ông bà Tư cũng phải chật vật lắm với việc giảng dạy chương trình mới cho các em. Ông Tư kể: "Tư đọc qua các sách mới thật kỷ rồi kết hợp với kinh nghiệm đứng lớp mười mấy năm trời của mình để dạy lại cho các cháu một cách dễ hiểu nhất".

Khi tôi hỏi ông bà Tư định khi nào sẽ thôi công việc này, nét mặt bà Tư thoáng buồn: "Khi nào Đại học Quốc gia giải tỏa khu này thì thôi chứ còn trường thì Tư đây vẫn dạy đến khi nào sức khỏe không cho phép nữa…". Đã có những học sinh từ lớp học này ra đời rồi vì hoàn cảnh khó khăn họ không thể tiếp tục việc học nữa mà lập gia đình. Và con của họ giờ đây lại là học trò nhỏ của lớp học tình thương này. Những đứa trẻ hiếu động, ngỗ nghịch, mà ba má chúng vì bận kiếm đồng tiền nên không có thời gian quan tâm, lúc này hai ông bà vừa làm thầy làm cô lại kiêm làm cha làm mẹ để dạy dỗ chúng.

Năm 2004, ông bà Tư vinh dự được nhận huân chương "Vì sự nghiệp giáo dục" của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT và nhiều bằng khen của UBND, Sở GD-ĐT tỉnh Bình Dương. Nhưng với ông bà Tư, đó chưa phải là tất cả những gì mình mong muốn. Tôi cảm nhận được trong ánh mắt mệt mỏi vì tuổi già của ông bà vẫn ánh lên một niềm hi vọng rằng sẽ có những em từ lớp học này thành đạt, thành đạt cho bằng người, thành đạt không phải để về đền đáp công ơn của ông bà vào ngày 20-11 này, mà để giúp đỡ lại những đứa trẻ ở lớp học tình thương sau này. "Chúng nó cần lắm sự chung tay giúp đỡ của tất cả mọi người".

Tôi ngồi nghe ông bà Tư kể mà lòng như đắm chìm trong câu chuyện cổ tích giữa ban ngày, như mình đang lạc qua một khu rừng xa xăm mơ hồ nào đó đã bị tàn phá, ở đó chỉ còn hai cây cổ thụ đang ngày đêm vươn mình che chở cho những mầm non yếu ớt rất cần sự sống.

Những năm gần đây, giữa xô bồ biến động của cuộc sống kinh tế thị trường, người ta thường đau lòng mỗi khi nhắc đến sự sa sút đạo đức của một số ít nhà giáo. Hình ảnh ông bà giáo với hai mái đầu trắng hiện lên giữa xóm lò gạch nghèo này đẹp như một loài hoa đồng nội dân dã mà thanh khiết, càng nhìn càng khiến người ta phải xao lòng…  

NGUYỄN HỮU CÔNG (Áo trắng)

 

Bình luận (0)