Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

“Mất đôi chân nhưng đôi mắt của tôi vẫn có ích…”

Tạp Chí Giáo Dục

Chị Hướng Dương vẫn ngày ngày đọc các câu chuyện, thu lại vào băng, làm tài liệu học tập cho các em khiếm thị khắp cả nước.

Mất đi đôi chân trong vụ tai nạn, đau khổ tột cùng, nhiều lúc chỉ muốn chết. Nhưng khi tiếp xúc với các em khiếm thị, chị hiểu rằng giọng nói và đôi mắt của mình vẫn còn rất hữu ích.

Nỗi lòng với trẻ khiếm thị 

Chị là Nguyễn Hướng Dương, 39 tuổi, chủ nhiệm Dự án Thư viện sách nói dành cho người mù. Sau khi tốt nghiệp đại học chị làm hướng dẫn viên du lịch tại Công ty du lịch Sài Gòn Tourist. Số phận đã khiến chị phải chuyển qua một con đường khác khi vụ tai nạn giao thông cướp mất đôi chân. Lúc đó với tâm trạng khủng hoảng, buồn chán nhiều lúc chị không còn thiết sống nữa. 
Gia đình sợ chị làm điều nông nổi nên đưa chị đến thăm trường mù Nguyễn Đình Chiểu. Ở đây chị có thể nói chuyện, sinh hoạt với những em nhỏ khiếm thị, hiểu được tâm trạng của các em. Từ những lần tiếp xúc đó chị đã dần dần lấy lại niềm tin trong cuộc sống. Mỗi lần tới đây, chị hay đọc truyện, kể những câu chuyện cổ tích cho các em nghe với trong niềm vui khó tả.  
Mỗi lần như vậy chị lại cảm thấy cuộc sống mình hữu ích hơn, như được sống lại. Từ đó chị nghĩ mình phải làm cái gì đó để giúp đời cũng như giúp các em. Nhìn những khuôn mặt háo hức chờ đợi nghe đọc truyện, chị quyết tâm phải làm một thư viện sách nói để có thể giúp các em được “nghe mọi lúc chứ không phải chỉ nghe khi có mặt của chị”. Tâm nguyện đó đã được gia đình chị và các tổ chức, cá nhân hảo tâm giúp sức rất nhiều. 
Đem dự án lên trình bày với lãnh đạo Hội Phụ nữ từ thiện TPHCM để nhờ giúp đỡ. Khi đọc bản dự án, Hội Phụ nữ từ thiện TPHCM đã rất ủng hộ và chia sẻ với chị cách thực hiện. Những ngày đầu, chị cùng mẹ đi đến từng doanh nghiệp để kêu gọi sự đóng góp để hoạt động. 
Với dự án chuyển chữ đọc thành tiếng nói, nói một cách khác là dùng một máy thu âm đọc và thu lại vào băng rồi mở cho các em nghe. Khi chị trình bày vấn đề này, nhiều doanh nghiệp không hiểu nhưng nể phục sự quyết tâm, nghị lực của một cô gái tật nguyền nên cũng ủng hộ ít nhiều. Chị cho biết: “Những ngày đầu ngồi trong căn phòng chỉ có một mình, nhiều khi cũng cảm thấy buồn. Nhưng nghĩ đến các em khiếm thị đang chờ đợi thì ý chí của chị càng mãnh liệt”. 
Việc nghe các cuốn sách từ băng là cách làm còn khá mới tại Việt Nam. Với cách làm này sẽ giúp nhiều em khiếm thị có thể nắm bắt nhiều điều hay từ các cuốn sách đang được phát hành.  
Sự kiên trì và tấm lòng của các nhà hảo tâm đã giúp chị hoàn thành ước nguyện. Chị kể: “Thời gian đầu, mình phải sống nhờ bố mẹ. May mắn nhất là bố mẹ rất hiểu nên hết lòng ủng hộ cô con gái. Nhớ nhất là lần đầu tiên gọi điện cho các cơ sở khiếm thị, trường học sinh mù đến nhận sản phẩm, thấy các em hớn hở. Mình thật là hạnh phúc, vậy là sản phẩm đã có ích cho các em”. 
Những lá thư nghĩa tình 
 

Hiện việc phát hành các loại băng, đĩa sách nói đã được chị gửi đến rất nhiều hội người mù trong cả nước. Chị cười bảo: “Kinh phí ít nên sản phẩm làm ra mới đầu chỉ gửi được đến các cơ sở người mù trong thành phố. Thế nhưng nhiều cơ sở trong nước gọi điện về xin được sử dụng. Họ đưa ra lý do chúng tôi cũng mù sao không phục vụ chúng tôi. Lúc đó tôi vừa vui vừa lo, chỉ biết cố mà làm ngày càng nhiều hơn”. 

Nhưng cũng may, các tổ chức, cá nhân hảo tâm đã hiểu được giá trị công việc của chị nên đều tự nguyện ủng hộ. Ngay bưu điện cũng giúp chị chuyển sách nói đến các cơ sở mù trong nước không lấy tiền, đây là niềm động lực lớn đồi với chị. Càng về sau, nhiều anh chị làm phát thanh viên cũng tự nguyện đến đọc sách thu băng mà không đòi hỏi gì. Từ đó sản phẩm sách nói được làm nhiều hơn, phục vụ ngày càng tốt hơn. 
Chị cho biết thêm, hiện nay Thư viện đang cung cấp miễn phí sách nói cho 75 đơn vị người mù khắp cả nước. Lượng sách nói được làm ra chưa đáp ứng đủ, nên theo ý của chị, mình chỉ có đáp ứng cuốn băng gốc còn các cơ sở phải cố gắng nhân bản thêm để chuyển đến từng người khiếm thị.
Miệt mài với công việc thầm lặng, với người phụ nữ mang tên loài hoa mặt trời này niềm vui lớn nhất là các bức thư với những lời biết ơn, lời chia sẻ và cả những cầu mong của các em khiếm thị đối với người làm ra sách nói. 
Chị đọc cho chúng tôi nghe lời tâm sự của em Nguyễn Văn Tý, trước đây là học sinh trường mù Nguyễn Đình Chiểu tại TP Đà Nẵng, hiện đang là Sinh viên Ngữ văn Trường Đại học Quảng Nam:
Càng học lên cao, thì việc học tập của em càng gặp rất nhiều khó khăn. Tài liệu sách vở bằng Brai và bằng sách nói là không có. Hơn nữa đối với chuyên ngành Ngữ Văn thì vấn đề đọc, nghiên cứu tài liệu là vô cùng quan trọng, nhưng với người khiếm thị như em thì việc đó là không thể. Vì thế những cuốn sách nói của các anh chị đã giúp em rất nhiều trong việc học tập, đây là những tài liệu quý đã giúp em rất nhiều trong việc đến trường”.
Rồi những bức thư của Hội người mù tỉnh Hải Dương đã viết: “Nguồn băng từ thư viện sách nói đã góp phần rất đáng kđể nâng cao trình độ văn hoá, tinh thần cho hội viên và trẻ em khiếm thị tỉnh Hải Dương”.
Nâng niu những bức thư này, chị tâm sự: “Mình sẽ cố gắng hết sức để có thể giúp nhiều người bị khiếm thị có thể hưởng văn hoá sách nói. Với tôi, được làm việc để giúp các em là niềm hạnh phúc cao nhất”.  
Hoài Lương (Dân trí)

Bình luận (0)