Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Nhà giáo là nữ sĩ

Tạp Chí Giáo Dục

Nhân ngày Nhà giáo 20-11-2009, chúng ta hãy biểu dương một số nhà giáo thuộc nữ giới, hay nữ sĩ đã làm vẻ vang nền văn học nước nhà qua nhiều thời đại:
Bà Ngô Chi Lan, sống vào thế kỷ XV, quê quán ở huyện Kim Anh, ngày nay thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, chồng là ông Đông các đại học sĩ Phù Thúc Hoành.
Bà là một phụ nữ thông minh, được vua Lê Thánh Tôn (1460-1497) phong chức “Phù gia nữ học sĩ, dạy học các cung nữ”. Bà để lại 4 bài thơ về bốn mùa, dưới đây trích 2 bài:
Mùa xuân
“Khí trời ấm áp đượm hơi dương,
Thấp thoáng lâu đài vẻ ác vàng.
Rèm liễu líu lo oanh hót gió,
Giậu hoa phấp phới bướm châm hương”.
Mùa thu
“Gió vàng hiu hắt cảnh tiêu sơ,
Lẻ tẻ bên trời bóng nhạn thưa.
Giếng ngọc sen tàn bông hết thắm,
Rừng phong lá rụng tiếng như mưa”.

TS. Huỳnh Công Minh, Giám đốc Sở GD-ĐT TP tặng bằng khen cho nữ nhà giáo

 
Công chúa Lê Ngọc Hân là con gái vua Lê Hiển Tôn. Năm 1786, Nguyễn Huệ kéo quân ở Nam ra Bắc, thắng chúa Trịnh, được vua gả con gái cho. Năm 1788, Nguyễn Huệ lên làm vua, phong bà làm Bắc cung hoàng hậu. Khi vua Quang Trung (tức Nguyễn Huệ) mất, bà có làm một trường thi để khóc ông, dưới đây xin trích một đoạn ngắn:
“Khi sao gang tấc gần chầu,
Trước sân phong nguyệt, trên lầu địch ca.
Giờ sao bỗng cách xa đôi cõi,
Tin hàn huyên khôn hỏi thăm lênh!
Nửa cung gãy phím cầm lành,
Nỗi con côi cút, nỗi mình bơ vơ!
Nghĩ nông nỗi ngẩn ngơ đôi lúc,
Tiếng tử qui thêm giục lòng thương,
Não người thay cảnh tiêu lương!
Dạ thường quằn quại, mắt thường ngóng trông”.
Bà Hồ Xuân Hương là con ông Hồ Phi Diễn, quê Quỳnh Lôi, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An; mẹ là người Hải Dương. Bà sống vào thời Lê Mạt, Nguyễn Sơ (cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX). Học giỏi, có tài thơ văn. Hai lần lấy chồng, chồng đều chết:
Than thân
“Canh khuya văng vẳng trống canh dồn,
Trơ cái hồng nhan với nước non.
Chén rượu hương đưa say lại tỉnh,
Vừng trăng bóng xế khuyết chưa tròn.
Xiên ngang mặt đất, rêu từng đám,
Đâm toạc chân mây, đá mấy hòn.
Ngán nỗi xuân đi, xuân lại lại,
Mảnh tình chia sẻ chút con con”.
Một nhà thơ người Hoa Kỳ, John Balaban, giáo sư ở Đại học công Bắc Carolina (North Carolina State University) ngạc nhiên về sự táo bạo và tuyệt diệu của những vần thơ Hồ Xuân Hương. Ông là tác giả cuốn sách “Spring’s Essance” dịch sang tiếng Anh 50 bài thơ của Hồ Xuân Hương, với lời ca tụng:
“Ở bên trời Mỹ vẫn mơ,
Nguồn sông còn chảy, tình lờ lững bay…
Trăm năm tiếng khéo ngân dài,
Trên sông Cổ Nguyệt nhớ hoài Xuân Hương”.
 
Bà Huyện Thanh Quan khi còn con gái tên họ là Nguyễn Thị Hinh, người làng Nghi Tàm (ngoại ô Hà Nội), chồng là Lưu Nghi, người huyện Thanh Trì (Hà Đông, nay là Hà Nội). Ông đậu cử nhân năm Minh Mạng thứ 2 (1821), làm tri huyện ở Thanh Quan. Bà được mời vào trong kinh, làm “cung trung giáo tập” dạy học các con quí tộc.
Những bài thơ của bà truyền lại tuy còn ít, nhưng là những bài thơ tả cảnh hay tả tình, bài nào cũng hay, tỏ ra bà là một nhà thơ có trình độ, có học thức, bàn chuyện nhà, chuyện nước, vần thơ đoan trang, thanh tao, điêu luyện.
Thăng Long hoài cổ
“Tạo hóa gây chi cuộc hí trường,
Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương.
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo,
Chốn cũ lâu đài bóng tịch dương.
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt,
Nước còn cau mặt với tang thương.
Ngàn năm, gương cũ soi kim cổ,
Cảnh đấy, người đây, luống đoạn trường”.
 
Chiều hôm nhớ nhà
“Chiều trời bảng lảng bóng hoàng hôn,
Tiếng ốc xa xưa lẫn trống đồn;
Gác mái, ngư ông về viễn phố,
Gõ sừng, mục tử lại cô thôn;
Ngàn mai, gió cuốn, chim bay mỏi,
Dặm liễu, sương sa, khách bước dồn…
Kẻ chốn chương đài, người lữ thứ,
Biết ai mà kể nỗi hàn, ôn!”.
Bà Nguyễn Nhược Thị (1830-1909), chính tên là Nguyễn Thị Bích, quê ở Phan Rang, con quan bố chánh Nguyễn Nhược San. Bà nổi tiếng thông minh, có văn học. Năm 1848 (Tự Đức) được tuyển vào kinh, dạy học. Sau khi vua Tự Đức băng hà, cho tới đời vua Thành Thái, bà thảo các sắc dụ:
Hạnh thục ca (1885)
(đoạn kết)
(Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường đánh úp quân đội Pháp đóng ở đồn Mang Cá (Huế); quân Pháp phản công lại)
“Liệu chừng thuốc đạn đã mòn,
Giãy lên, Tây mới thành môn bắn vào.
Dường như sấm sét ào ào,
Dẫu là núi, cũng phải chao, huống thành!
Quân ta khôn sức đua tranh,
Đem nhau trốn chạy tan tành bèo trôi”.
Bà Tương Phố nổi tiếng ở Hà Nội trong thập niên 1920-1930. Thơ bà buồn vì hoàn cảnh gia đình (góa chồng sớm) và vì ảnh hưởng phái lãng mạn Pháp đầu thế kỷ XIX (Chateaubriand, Lamartine, Victor Hugo). Tác giả các cuốn: Giọt lệ thu (1923-1928), Một giấc mộng (1928), Mối thương tâm người bạn gái (1928)…
Giọt lệ thu (1923)
“Trời thu bảng lảng một màu,
Gió thu hiu hắt thêm rầu lòng em.
Trăng thu bóng ngả bên thềm,
Tình thu ai để duyên em bẽ bàng.
……………………
“Thu về đẹp lứa duyên Ngâu,
Năm năm Ô Thước bắc cầu sang ngang.
Đôi ta ân ái lỡ làng,
Bước đường sinh tử giữa đường chia hai”.
Tuy vậy, không phải bà không có óc trào phúng: Sau khi Annam tạp chí của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu đăng 2 câu thơ:
“Muốn ăn rau sắng chùa Hương,
Tiền đò ngại tốn, con đường ngại xa”.
Ít lâu sau, bà cho người mang lại Tòa báo một bó rau sắng chùa Hương với 2 câu thơ:
“Không đi, em gửi lại nhà,
Tiền đò không tốn, đường xa hóa gần”.
GS.TS.NGND Nguyễn Chung Tú

Bình luận (0)