Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Những ngày tuồng, nhớ thầy Ký

Tạp Chí Giáo Dục

Thầy Ký – ấy là cách gọi quen thuộc của giới nghệ thuật tuồng cả nước về cố GS Hoàng Châu Ký. Những ngày rôm rả của tuồng ở Đà Nẵng, nỗi nhớ thầy Ký của lớp hậu bối lại trở về…

Ông Phan Diễn chúc mừng GS Hoàng Châu Ký thượng thọ 80 tuổi Ảnh: N.C

Buổi tọa đàm về cố GS Hoàng Châu Ký sáng qua thu hút khá nhiều người trẻ quan tâm đến nghệ thuật tuồng (hát bội). Những cây đa cây đề trong giới hát bội rưng rưng khi nhắc đến kỷ niệm về người anh cả, về bậc thầy Hoàng Châu Ký, còn lớp diễn viên trẻ thêm một lần cảm nhận dung mạo cũng như thân thế sự nghiệp của ông.

Ông Nguyễn Tiến Thọ – Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL vẫn còn nhớ như in những ngày được là học sinh của thầy Ký.

"Tôi coi thầy Ký như thần tượng bởi sự uyên thâm, hiểu biết về xã hội, đặc biệt là nghệ thuật tuồng". Vị thứ trưởng này là một NSND, là học sinh đầu tiên của trường Nghệ thuật Sân khấu do cố GS Hoàng Châu Ký sáng lập.

Ông Thọ nhớ lại: "Ngoài tài năng, thầy Ký còn luôn quan tâm đến những giá trị nghệ thuật mà cha ông để lại. Thầy cũng là người thường xuyên xem biểu diễn rồi trao đổi và chỉ ra những những điểm yếu của những nhà sáng tác.

Thầy đau đáu vì sự chệch hướng của một số chỉ đạo nghệ thuật, những đạo diễn, những tác giả chưa am hiểu nghệ thuật truyển thống mà đã vội chê trách cha ông, đã vội làm mất đi những giá trị đích thực của nghệ thuật truyền thống".

Cùng là người xứ Quảng, ngấm dòng máu tuồng từ thủa nhỏ,  hơn ai hết NSND Trần Đình Sanh – GĐ Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh (Đà Nẵng) thẩm thấu một cách đầy đủ về con người và sự nghiệp của thầy mình.

Theo NSND Trần Đình Sanh, có giai đoạn hai luồng ý kiến bất phân thắng bại về xuất xứ của tuồng. Các sử gia phong kiến cho rằng tuồng cổ xuất xứ từ Trung Hoa, còn những người khác (như Mịch Quang, Phan Huy Lê, Đinh Xuân Lâm, Trần Quốc Vượng…) lại nghiêng về hướng tuồng là của người Việt.

"Giữa lúc đó, thầy Ký công bố tác phẩm "Sơ khảo lịch sử nghệ thuật tuồng", chính thức bỏ một lá phiếu có tính chất quyết định, khẳng định tuồng là của người Việt. Đây là công trình đầu tiên viết về nghệ thuật tuồng.

Bằng thái độ khách quan nghiêm túc và cẩn trọng của một nhà nghiên cứu, bằng phương pháp biện chứng của nhà khoa học với tinh thần tuyệt đối tôn trọng bộ môn nghệ thuật lâu đời", NĐN Trần Đình Sanh bồi hồi nhớ lại. 

Còn NSND Đàm Liên, với hơn 50 năm sống chết với nghệ thuật hát bội, nhớ về thầy Ký :"Thầy muốn ai cũng là diễn viên tuồng, ai cũng yêu tuồng, hiểu tuồng nên đến đâu, đi đâu gặp ai thầy cũng tranh thủ dạy tuồng, đặc biệt là cho lớp trẻ".

Nghệ sĩ Đàm Liên kể lại kỷ niệm lần thầy Ký nghiêm khắc phê bình các diễn viên. Ấy là lần đoàn tuồng thể nghiệm tập vở "Sơn Hậu". Khi các diễn viên trẻ đang diễn "đánh nhau" trong đoạn giữa Linh Tá và anh em Tạ Ôn Đình, thầy Ký bảo dừng lại, nghiêm khắc: "Các cậu đánh nhị hiệp bán cũng được đấy, nhưng chẳng hiểu gì cả. Đánh như trò trẻ con cầm giáo chơi vậy. Làm diễn viên khi đánh nhau phải hiểu đánh để làm gì, chứ không phải đánh chỉ để mà đánh".

Theo GS Hoàng Chương – một người bạn của cố GS Hoàng Châu Ký, sẽ chưa bao giờ đủ khi viết về thầy Ký. "Thầy là người mở lối khai thông, đặt nền móng cho sự phục hồi và phát triển ngành sân khấu Việt Nam.

Suốt đời, thầy như người thợ cả cần cù say mê, không bao giờ dừng tay nghỉ ngơi. Thầy Ký ra đi là một tổn thất lớn cho ngành nghệ thuật sân khấu, đặc biệt là hát tuồng".

Cố GS Hoàng Châu Ký sinh năm 1920 trong một gia đình nho học ở huyện Quế Sơn (Quảng Nam). Ông tham gia cách mạng từ trước năm 1945.

Bị giam ở Hỏa Lò năm 1944, vượt ngục về Quế Sơn làm Trưởng ban bạo động cướp chính quyền tại khu mỏ Nông Sơn năm 1945. Từ năm 1950, hoạt động thiên về lĩnh vực văn học nghệ thuật: Ủy viên Thường vụ Chi hội Văn nghệ phía nam – Tổng Biên tập Báo Hừng Đông, báo Dân Tộc.

Năm 1952, thành lập Đoàn tuồng Liên khu 5. Năm 1954, ra Hà Nội, làm Trưởng phòng Văn hoá quần chúng của Bộ Văn hóa, rồi cùng Thế Lữ phụ trách Ban Nghiên cứu nghệ thuật sân khấu.

Năm 1957, làm Tổng Thư ký Hội Nghệ sĩ sân khấu VN. Năm 1959, xây dựng Trường nghệ thuật sân khấu và là hiệu trưởng đầu tiên.

Sáng tác, cải biên trên 20 vở tuồng. Xuất bản nhiều sách nghiên cứu tuồng giá trị. Thụ phong Giáo sư năm 1984. Nhận Giải thưởng Văn học nghệ thuật nhà nước năm 2007. Cố GS Hoàng Châu Ký là Tổng thư ký đầu tiên của Hội sân khấu Việt Nam. Ông mất tháng 1-2008 ở Đà Nẵng".

Nam Cường (Theo PO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)