Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Eo sèo những nhóm nhạc Việt

Tạp Chí Giáo Dục

Sự tan rã của nhóm AC&M là một tổn thất lớn cho nền âm nhạc Việt Nam. Ảnh: S.M

Thị trường nhóm nhạc Việt Nam năm qua đang ở trong tình trạng bế tắc bởi sự nháo nhào, lộn xộn. Trong khi đó, trên thế giới, rất nhiều mô hình nhóm nhạc hoạt động sôi nổi và thống lĩnh thị trường.
Trông người…
Chưa kể đến các thị trường âm nhạc lớn như Mỹ hay các nước châu Âu, nơi có những nhóm nhạc lừng danh tồn tại suốt nhiều thập kỷ, chỉ tính riêng khu vực châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông đã có vô vàn các nhóm nhạc tiêu biểu thành công. Điển hình nhất là thị trường Hàn Quốc. Chưa lúc nào các nhóm nhạc tại Hàn Quốc lại có những hoạt động mạnh mẽ như thời điểm này. Thống lĩnh các bảng xếp hạng trong nước, xuất hiện dày đặc trên các sân khấu lớn, các nhóm đình đám như SNSD, Wonder Girls, Kara, 2NE1, Big Bangm Super Junior, SS501… Phạm vi hoạt động còn vươn ra tới tầm khu vực khi 5 cô gái của Wonder Girls tấn công sang Mỹ, nhóm nhạc nam DBSK, SS501bành trướng ở Nhật, Super Junior, 2P.M khuấy động các fan hâm mộ tại Hồng Kông, Thái Lan… Ngoại hình đẹp, đội hình đều, trang phục bắt mắt, phong cách biểu diễn hiện đại cùng với các bản hit sôi động đã làm nên sức hút cho các nhóm nhạc này. Mỗi nhóm một hình tượng riêng, rất bài bản và chuyên nghiệp, sự chỉn chu thể hiện đến từng chi tiết. Như các cô gái trong Wonder Girls hay SNSD, dẫu quy tụ khá nhiều thành viên nhưng tất cả vẫn cùng gắn kết thành một khối, đều tăm tắp trong từng điệu nhảy, tạo nên ấn tượng đặc biệt. Học theo các động tác vỗ tay hay đá chân trong các bài hit như Nobody (Wonder Girls) hay Tell me your wish (SNSD) cũng trở thành trào lưu.
Và ngẫm ta…
Thị trường nhóm nhạc Việt Nam hiện đang “ngủ gật”, duy nhất chỉ có mini liveshow Night of 9 của Mây Trắng, còn lại trước và sau đó không nhóm nào có hoạt động đáng kể, không có các sản phẩm âm nhạc, hoặc như có một vài nhóm phát hành album thì cũng không tạo được sự chú ý. Không so sánh về chất lượng mà là vị thế rất quan trọng trong thị trường âm nhạc của họ, thậm chí nhiều nhóm thành công vượt mặt cả các ca sĩ đơn lẻ, dẫn đầu các bảng xếp hạng uy tín đẳng cấp. Trong khi đó, đối với các ca sĩ Việt Nam, việc thành lập nhóm nhạc thường chỉ là bước đệm cho tiến tới con đường solo, chẳng mấy ai muốn cả đời gắn mình trong một cái tên chung nào. Các nhóm nhạc thành lập tự phát, đa phần là những người bạn cùng yêu nhạc, cùng học nhạc hay cùng chơi chung với nhau, do cơ duyên mà kết hợp thành. Không nhiều ràng buộc, không nhiều tâm huyết, đam mê, các nhóm nhạc vì thế mà hoạt động cầm chừng, trôi nổi. Phong cách của các nhóm cũng thường bị lẫn lộn, na ná nhau, chỉ một số rất ít như AC&M, MTV hay 5 Dòng kẻ, Mặt trời đỏ, Phù sa…là xây dựng được dòng nhạc riêng, còn lại thì cứ một vài bài balad buồn xen vào một vài bài dance vũ đạo sôi động, được chăng hay chớ, thiếu hẳn tính định hướng rõ nét.
Hoàng Bách, cựu thành viên nhóm AC&M trải lòng: “Thật sự mà nói, thị trường nhạc Việt còn nhiều định kiến với các nhóm nhạc. Băng rôn quảng cáo chương trình ca nhạc lúc nào tên của nhóm cũng mặc định sắp ở cuối cùng, sau cả những ca sĩ trẻ mới vào nghề. Mình có thể ý kiến chỉnh sửa vài lần, nhưng đâu phải lúc nào cũng can thiệp được. Còn về tài chính thì rất phức tạp, nhóm nhạc Việt không có công ty quản lý chuyên nghiệp, không thể đầu tư tổng lực khi doanh thu cũng còn hạn chế. So với các nhóm nhạc Hàn Quốc họ chuyên nghiệp từ công nghệ, công ty quản lý cho đến tiêu thụ băng đĩa, sản xuất chương trình. Nếu có mâu thuẫn, thường các nhóm cũng có thể giải quyết qua một trung gian như công ty hay người quản lý, như vậy vừa khách quan vừa đơn giản hơn rất nhiều.”
Có một nhóm nhạc nữ đã tuyên bố công khai thẳng thừng rằng, làm cái gì cũng cả nhóm cùng làm, ai làm riêng là vi phạm nội quy. Thực tế nhóm nhạc này đã chứng kiến sự ra đi ồn ào của 2 cựu thành viên cũng vì lý do này và đến nay, dù là một trong những nhóm nhạc đầu tiên thành lập nhưng rốt cục đẳng cấp còn thụt lùi sau rất nhiều những cái tên non trẻ khác. Những suy nghĩ mang nặng tính chất cá nhân như vậy không thiếu, trong khi nhóm tồn tại thì yêu cầu hàng đầu là phải biết đoàn kết và nương tựa lẫn nhau.
Lý giải về tình trạng eo sèo của các nhóm nhạc hiện nay, Thu Thủy, cựu thành viên nhóm Mây Trắng trầm ngâm: “Nhóm nhạc Việt còn bị hạn chế về phần ý tưởng, người đứng đầu cũng chưa gắn kết được linh hồn của các thành viên. Để duy trì một nhóm nhạc lâu dài là điều rất khó, trừ phi nhóm nhạc đó mang tính gia đình, các thành viên là anh chị em với nhau. Trong thời buổi khó khăn như hiện nay, nhóm nhạc đầu tư thì cao, mà cát xê thu vào lại phải chia 3, chia 5, nên họ cũng nản lắm”.Về những hoạt động riêng, sự nổi bật của một cá nhân nào đó thay vì được xem là tiếng thơm chung của cả nhóm trong nhiều trường hợp lại bị quy thành chơi trội, thiếu hòa hợp.
DIỆU MINH

Bình luận (0)