Những thước phim ghi lại chân thực hành trình và những nét văn hóa của con người dưới ống kính của các đạo diễn Việt Nam và thế giới sẽ ra mắt khán giả thủ đô từ ngày 21 – 25/6.
Theo đánh giá của Viện Goethe, sau nhiều năm phim truyện thống trị, gần đây phim tài liệu đã dần lấy lại sự quan tâm của công chúng và phát triển thêm nhiều hình thức mới mẻ trong việc tiếp cận hiện thực. Các bộ phim tài liệu đã giành được nhiều giải thưởng quan trọng và có thể sánh ngang với phim truyện trên các phương diện hấp dẫn, hài hước, tính nghệ thuật và tính thời trang. Ở nhiều quốc gia phát triển, phim tài liệu được bán vé ngoài rạp. Tuy nhiên, ở Việt Nam, thể loại này chỉ được chiếu vào những giờ ít người xem như 22h – đạo diễn Nguyễn Như Vũ, tác giả của Thành phố bên sông Hồng trăn trở.
"Những pho tượng Phật khổng lồ" là bộ phim tài liệu của Thụy Sỹ nói về sự kiện làm nổ tung những pho tượng bằng đá khổng lồ ở Afghanistan – nhân chứng duy nhất của nền văn hóa đã nở hoa đến tận thế kỷ 13, nằm dọc theo con đường tơ lụa. |
Sau thành công năm 2009, Viện Goethe tiếp tục tổ chức "Tuần phim tài liệu quốc tế lần thứ 2" nhằm mang phim tài liệu đến gần hơn với khán giả. Những phim tài liệu quốc tế trong danh sách trình chiếu đều là các tác phẩm tiêu biểu từng đoạt nhiều giải thưởng và được thực hiện công phu. Sự biến đổi của một nhà ga (Bỉ) dài 80 phút, thực hiện trong vòng 10 năm, kể từ nhát xẻng đầu tiên tới khi lát viên đá cuối cùng trong cuộc phiêu lưu kiến trúc đặc biệt xây dựng nhà ga Guillemins. Tĩnh Ngục (Italy) đoạt giải khán giả bình chọn cho Phim tài liệu tại Liên hoan Popoli lần thứ 50. Những pho tượng Phật khổng lồ (Thụy Sĩ) được đánh giá là “Một hành trình tuyệt vời. Khúc khuỷu, hoang mang, đậm chất thơ và sâu sắc“ (Sean Farnel, Liên hoan phim quốc tế Toronto)…
Các tác phẩm của Đức, Italy, Bỉ, Pháp và Thụy Sĩ sẽ được chiếu cùng các bộ phim tài liệu mới của Việt Nam có chủ đề tương ứng. Sự biến đổi của một nhà ga sánh vai với Thành phố bên sông Hồng trong trường liên tưởng về việc thực hiện những dự án hiện đại hóa tưởng như không tưởng và tác động của nó với quy hoạch tổng thể của một vùng. Tĩnh Ngục chung cảm hứng với Bàn thờ của mẹ về góc độ tâm linh trong việc thờ cúng những linh hồn. Bến cuối nhớ nhung của nữ đạo diễn Sung Huyng Cho kể về 3 người phụ nữ Hàn Quốc rời khỏi quê hương 30 năm trước để sang CHLB Đức lao động xuất khẩu, giờ họ trở về với các ông chồng Đức của mình, về ngôi làng mà họ luôn nhớ nhung. Tại đây họ nhận ra rằng, nối lại cội rễ của mình là điều không dễ dàng. Tác phẩm này gần gũi với câu chuyện Quê cha đất tổ khi đề cập tới nguồn cội thiêng liêng của mỗi người, dù khác dân tộc, màu da. Những pho tượng Phật khổng lồ và Quốc Tử Giám gặp nhau ở việc đặt ra vấn đề bảo tồn di tích lịch sử văn hóa. Và tạp chí Elle đã tạo ra phụ nữ của Pháp với Con cần bố mẹ cùng ca ngợi những người phụ nữ. Đây là cơ hội để công chúng tiếp cận nhiều hình thức phim tài liệu khác nhau, có thể so sánh và thảo luận.
Các phim được chiếu tại Hãng phim tài liệu và khoa học trung ương, Hoàng Hoa Thám, Hà Nội, bằng phụ đề tiếng Anh và tiếng Việt.
Ngọc Trần (Theo VNE)
Bình luận (0)