Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Nhạc khí dân tộc tiếp cận học đường

Tạp Chí Giáo Dục

GS-TS Trần Văn Khê dạy đàn tranh tại Trường TH Phan Đình Phùng

Tiếp cận với nhạc khí dân tộc, học sinh được làm quen với những tiết tấu mang cung bậc thánh thót, sâu lắng của từng âm thanh, từng nốt nhạc trong các làn điệu dân ca ba miền. Qua đó, kiến thức về âm nhạc truyền thống được hình thành, tình yêu âm nhạc được nuôi dưỡng trong tâm hồn của các em học sinh…
Nét đẹp của nhạc khí
Lớpdạy thử nghiệm bộ môn nhạc khí dân tộc mở ra tại Trường TH Trần Hưng Đạo (quận 1, TP.HCM) và TH Phan Đình Phùng (quận 3, TP.HCM) được các thầy cô cũng như nhiều bậc phụ huynh rất quan tâm. Qua ba năm thử nghiệm, sĩ số ban đầu của lớp tại Trường TH Phan Đình Phùng gần 20 học sinh, nay lên đến 37 em. Đây không chỉ là niềm vui của các thầy cô có tâm huyết với âm nhạc truyền thống mà còn là niềm vui của nhiều bậc phụ huynh cũng như học sinh có mong muốn tiếp cận bộ môn nhạc khí dân tộc. “Ngay từ những ngày đầu, trường mở lớp học nhạc này, tôi thấy rất vui và động viên con theo học. Giờ đây, cháu đã có thể tự gảy đàn tranh từ các làn điệu dân ca Bắc bộ. Không riêng gì tôi, ông bà đều rất mừng và hạnh phúc khi nhìn cô cháu gái ngồi bên cây đàn tranh, diễn tấu những cung âm thánh thót, sâu lắng” – Chị Trần Hải Anh, phụ huynh em Nguyễn Thu Trang – lớp 3/5, Trường TH Phan Đình Phùng chia sẻ.
Mặc dù, để nghe và gảy được những ngón đàn, đòi hỏi học sinh phải biết thỉnh âm, biết lên dây nên bộ môn này không hề dễ học. Nhưng nếu học tốt, các em hiểu nhiều về lịch sử, tiếp cận được vẻ đẹp về hình dáng, âm sắc khác nhau: tiếng thổ đàn kìm, tiếng mộc nhạc phách, tiếng tơ tì bà, hợp âm đàn đáy, bồi âm đàn bầu…. Các em được học những bài hát ru, hát đồng dao, bài vè, câu đố, sau tiết tấu đi đến các chữ nhạc hò, xự, xang, xê, cống… Trong dự án “Đem âm nhạc dân tộc vào chương trình giáo dục cấp tiểu học tại châu Á”, GS.TS Trần Văn Khê có mong muốn không nhằm để huấn luyện học sinh trở thành ca sĩ hay nhạc sĩ mà chỉ là giúp cho học sinh nhận thức được bản sắc văn hóa dân tộc và quan trọng nhất là gieo tình yêu âm nhạc truyền thống vào trong tim của các em.
Khó khăn nhiều bề
Đứng ra mở hai lớp thử nghiệm và trực tiếp giảng dạy là GS.TS Trần Văn Khê và “Câu lạc bộ Tiếng hát Quê hương” do nhà giáo ưu tú Phạm Thúy Hoan chủ nhiệm. Giải thích lí do này, cô Phạm Thúy Hoan cho biết: “Hiện nay, giáo viên giảng dạy bộ môn âm nhạc trong nhà trường là những giáo viên được đào tạo về chuyên ngành nhạc – họa, rất ít giáo viên được học chuyên sâu về bộ nhạc khí dân tộc, đây là điều gây khó khăn cho việc giảng dạy bộ môn nhạc truyền thống. Trong khi đó, hàng năm, số lượng sinh viên đăng ký theo học bộ môn nhạc khí rất đông, mà hầu hết sau khi ra trường, các bạn thường biểu diễn trong các câu lạc bộ, các đoàn. Mặt khác, thu nhập giảng dạy tại các trường học còn nhiều khó khăn nên rất ít bạn chọn trường học là nơi công tác. Chính điều này mà GS.TS Trần Văn Khê cho rằng: “Cần đưa ra chương trình đào tạo âm nhạc dân tộc cho học sinh từ khi còn học tiểu học đồng thời tạo cơ chế, chính sách đãi ngộ đối với những người chuyên nghiên cứu về âm nhạc dân tộc và các nghệ nhân, nghệ sĩ, những ai có tâm huyết theo đuổi lĩnh vực âm nhạc””.
Cũng theo GS.TSTrần Văn Khê thì với chương trình nhạc lớp 2, trong 20 bài gọi là dân ca thì chỉ có bài Bắc kim thang là dân ca và một bài là dân ca Nùng, 18 bài còn lại là các sáng tác mới của những nhạc sĩ đã học sáng tác theo truyền thống phương Tây. Nhạc khí dùng đệm theo dân ca lại là đàn guitar loại lục huyền cầm Tây Ban Nha, organ hay là synthetiseur kết hợp với phương pháp dạy:chép bài ca trên bảng, học trò hát theo thầy cho đến thuộc bài – một cách dạy theo phương Tây. Bên cạnh đó, để tìm được cuốn sách giới thiệu, hướng dẫn cách chơi về khí dân tộc thì không hề dễ, rất hiếm, lèo tèo cuốn nhạc khí dân tộc Khmer Sóc Trăng (NXB Tổng hợp TP.HCM) và cuốn 100 bài dân ca 3 miền của NGND – nhạc sĩ Xuân Khải.
Bài, ảnh: Ngọc Trinh


 

“Việc dạy thử nghiệm nhạc khí dân tộc như nhiệm vụ gieo hạt giống. Nếu gặp mảnh đất phì nhiêu, được nhiều người ra tay vun tưới thì sẽ có cây xanh, hoa tươi, quả ngọt. Nếu chẳng may đất cằn cỗi, không ai quan tâm, chăm sóc thì hạt giống sẽ chết, đó là một điều thật đáng tiếc” – GS.TS Trần Văn Khê trăn trở.

 

Bình luận (0)