Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Ba bài thơ mừng xuân một khúc ca hùng tráng

Tạp Chí Giáo Dục

Năm nào xuân đến, dù bận trăm công nghìn việc, kháng chiến hay hòa bình Bác đều có thơ mừng xuân. Thơ xuân Bác chúc hòa bình thắng lợi, chúc đoàn kết một lòng, chúc phụ lão, chúc quân đội, chúc năm học mới… Mỗi bài thơ chúc xuân là niềm vui của tâm hồn Bác với niềm tin cùng xuân mới.
Nhưng riêng ba mùa xuân nối tiếp 1967-1968-1969 cùng trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, một hứa hẹn thắng lợi phía trước. Hai miền Nam Bắc, hai hậu phương, tiền tuyến cùng một lòng thi đua sau trước có nhau. Ba mùa xuân cùng một nhịp đi, nhịp chiến thắng, nhịp reo vui, nhịp của lòng dân, nhịp của lãnh tụ. Xuân trước đi tới gửi lại xuân sau. Xuân sau gửi lại xuân sau nữa. Xuân tới sau nối lòng nối nhịp của xuân đi trước. Bác đi qua ba mùa xuân. Bác vỗ nhịp ba mùa xuân ấy. Ba mùa xuân vỗ nhịp trong Bác một liên hoàn, một khúc ca.
Bài thơ Mừng xuân 1967
Xuân về xin có một bài ca
Gửi chúc đồng bào cả nước ta
Chống Mỹ hai miền đều đánh giỏi
Tin mừng thắng trận nở như hoa.
Đầu câu thơ, đầu bài thơ, Bác đặt chữ xuân như một định vị, vị trí số một. Bởi lẽ, đất trời có xuân để tươi tốt núi sông. Tổ quốc có xuân để Tổ quốc rạng rỡ. Dân tộc có xuân để tâm hồn dân tộc thơm mát. Xuân trong thơ Bác năm 1967 là xuân của hồn đất nước, hồn dân tộc.
Bác không chỉ trân trọng để có thơ xuân, Bác còn thân mật, gần gũi để được lời xuân như bài ca của mọi nhà, mọi người. Chính vì vậy mà lời thơ Bác ấm áp, tin cậy trong ba chữ xin có một là chữ của lòng mọi nhà, của lòng mọi người. Ôi Bác khiêm tốn, Bác nhỏ nhẹ, Bác dung dị từ tính dân tộc, từ hồn nhân dân thấm sâu của ngàn đời.
Hơn nữa, năm 1967 năm của Tổ quốc, năm của dân tộc đang vào trận. Vào trận mà thiếu mùa xuân, làm nên chiến thắng mà không có sức xuân thì đâu phải xuân Việt Nam, xuân Như Nguyệt, xuân Đống Đa. Bài ca Mừng xuân 1967 của Bác là lời chúc, lời mừng cũng là niềm cổ vũ lớn lao. Lời cổ vũ cho một mục đích, cho một nhiệm vụ mà dân tộc đã đặt ra đó là cuộc chiến đấu chống Mỹ, chiến thắng giặc Mỹ: “Chống Mỹ hai miền đều đánh giỏi/ Tin mừng thắng trận nở như hoa”. Lời chúc, lời cổ vũ cho một công cuộc, cho một sự nghiệp cao cả của thời đại. Còn đánh là chiến lược, chiến thuật để thực hiện mục tiêu, mục đích trước mắt, lời chúc của Bác như muốn dặn riêng. Hai từ hành động trong một câu thơ Bác nhấn mạnh chữ chống chữ đánh: “Chống Mỹ hai miền đều đánh giỏi”. Đánh giỏi là chữ của Bác, lời chúc, lời khen của Bác đồng nghĩa với trận thắng là trận đánh hay, trận đánh đẹp thường có trong thơ Bác xưa nay.
Bài thơ Mừng xuân 1968.
Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua
Thắng trận tin vui khắp nước nhà
Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ
Tiến lên!
Toàn thắng ắt về ta.
 Ở bài thơ Mừng xuân 1967 thắng trận nở như hoa cũng có ý nghĩa lòng vui như hoa nở ở trong Bác. Ở Mừng xuân 1968 thơ Bác nói rõ ra niềm vui từ tin thắng trận. Nếu hiểu ở năm 1968 miền Nam tiến công nổi dậy đồng loạt, sinh lực địch bị tiêu hao, buộc Mỹ ngừng ném bom miền Bắc, chấp nhận đàm phán Paris. Câu thơ Bác vui đến tràn ngập, câu thơ Bác dẫn ta đến niềm vui trước thời cơ có một không hai của thắng lợi.
Vẫn chữ xuân ở đầu câu thơ, nhưng là xuân vui, xuân vui hơn xuân trước, xuân năm qua: “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua”. Trận thắng làm vui khắp nước và đặt thi đua, đặt nhiệm vụ thật thiết thực, thật cụ thể. Ý nghĩa câu thơ của Bác như lời truyền, lời hịch. “Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ”. Dứt khoát, rõ ràng, mạnh mẽ. Chữ trong câu thơ sáng lên vì đấy là thơ của một tâm hồn vì đại nghĩa.
Ba câu thơ như truyền lệnh và niềm vui hòa trộn. Đọc ba câu thơ mắt ta như chạm với tin vui, đọc vang lên cùng với sảng khoái:
Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua
Thắng trận tin vui khắp nước nhà
Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ
Bỗng bất ngờ câu thơ trở nhịp ngắt ra trên dưới của hai chữ tiến lên như tiếng kèn thúc, tiếp liền năm chữ của điệu thơ đĩnh đạc toàn thắng ắt về ta. Tiến lên không làm chúng ta đột ngột, bất ngờ trái lại là tỉnh táo nhận ra thời cơ, nhận ra nhiệm vụ và với một động thái gọn gàng, năm chữ trong một vị trí một chỗ đứng. Thơ Bác có lời gọi, lời giục. Thơ Báckhông chỉ nằm trong chữ, trong nghĩa mà còn là nằm trong âm, trong giọng, trong vần. Tất cả nằm trong vần đó là vần thắng.
Bài thơ Mừng Xuân 1969
Năm qua thắng lợi vẻ vang
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to
Vì độc lập, vì tự do
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào
Mừng xuân 1967, Mừng xuân 1968 Bác dùng thể thơ Đường luật cho lời chúc vừa vui vừa nghiêm thì Mừng xuân 1969 cho lời chúc thật vui hơn, cởi mở hơn, thân quen và gần gũi hơn cho một điều chắc chắn. Năm qua thắng lợi thì năm nay thắng lợi hơn, vẻ vang hơn. Nhất là thể lục bát rất dân tộc trong lời ăn tiếng nói, trong phô diễn càng được rõ hơn cho một ý định, một ý nghĩa có tầm quan trọng.
“Vì độc lập, vì tự do” Bác đặt ở câu thơ sáu chữ vừa trọn vẹn vừa khẳng định chắc chắn thì câu thơ tám chữ Bác đặt vào một thế tiến công, một đường lối sáng suốt, mạnh mẽ nhanh như chớp “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Hai vế hai tiểu đối gọn trong bốn chữ của câu thơ tám chữ. Hai chữ “đánh” đầu hai vế thơ, đối tượng “Mỹ” nằm vế trước, đối tượng “ngụy” nằm vế sau; chữ “cút” dành cho Mỹ, chữ “nhào” dành cho ngụy là nói thế tất yếu của giặc không cách gì khác. Hai câu thơ lục bát đứng kề nhau để làm rõ thế tất thắng vì chính nghĩa của ta, thế thất bại tất yếu của giặc.
Vì độc lập, vì tự do
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào
Thơ lục bát của Bác là nét vẽ cụ thể về thời cuộc nhưng lại là ý nhị của hơi thơ Kiều về tiểu đối và mạch cảm của Chinh phụ ngâm làm nên cái thoáng, cái rộng, giàu niềm vui, giàu cảm hứng.
Nếu ở Mừng xuân 67, 68 là một bài ca của thể thất ngôn tứ tuyệt vui trong nét đọng thì Mừng xuân 69 là lời hát thấm đẫm niềm vui trong thể thơ sáu tám quen thuộc, mặn mà.
Ba bài thơ của một khúc liên hoàn nối tiếp bổ sung của một tư tưởng, của một tâm hồn, nắm tất thắng trong tay, tầm suy nghĩ và mạch cảm xúc rộng mở bay về phía trước. Ba bài thơ cùng một niềm vui, cùng bài ca lời hát để lại cho chiến sĩ, đồng bào trước lúc Bác đi xa.
Xuân Tân Mão 2O11
Trúc Chi

Bình luận (0)