Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Văn hóa của sự tôn trọng

Tạp Chí Giáo Dục

Thí sinh HotVteen đang phát biểu suy nghĩ của mình về văn hóa đúng giờ trong giới trẻ hiện nay. Ảnh: S.M
Đó chính là văn hóa về thời gian. Đúng giờ trong công việc, kinh doanh, học tập, đi lại, lễ tiệc… tưởng chừng là việc rất đơn giản, nhưng lại khó có thể thực hiện được. Nhiều người đã không hình dung được sự lãng phí thời gian khiến mình bị mất khá nhiều: từ tiền bạc, kiến thức đến cả uy tín, lòng tự trọng.
Trễ giờ ngày càng phát triển trong cách sống, lối suy nghĩ của giới trẻ hiện nay. Đầu tiên là lí do khách quan, do có một sự cố nào đó khiến người ta đến trễ để người khác phải chờ đợi. Nhưng sau đó thì đến trễ trở thành mặc nhiên, thành thói quen, lối sống, nếp nghĩ khi nào không hay biết…
1.001 lý do trễ giờ
Bạn N.T.M (Trường ĐH Bình Dương) được bạn bè mệnh danh là chuyên gia đi trễ cho biết: “Tới sớm phải chờ mệt lắm, tới trễ để người ta chờ thì mình mới là người quan trọng chứ!”. Nhưng thường xuyên đi trễ và viện mãi một lý do thì bạn bè cũng không còn tin nên M. cũng trở thành chuyên gia sáng tạo ra lí do đi trễ như: xe hư, có việc gấp và vô số những lí do khác, nhưng lí do thực sự cho những lần “trễ hẹn” này lại là… ngủ nướng. Q.H (Q.9) tâm sự: “Dường như ai cũng có “bệnh” đi trễ nên mình cũng quen luôn. Nếu hẹn 9 giờ đi ăn hay đi đâu chơi thì khoảng 10 giờ mình mới có mặt, có bị hỏi thì cứ nói kẹt xe, đến trước là ngốc, là hạ mình đó”. Có 1.001 lý do để các bạn biện minh cho sự đi trễ của mình. Nhưng lý do thực tế là chẳng qua là họ chưa xem “thời gian là vàng bạc” nên vẫn vô tư với những suy nghĩ “muộn một tí cũng chẳng sao”. Thực ra, những người chuyên đi trễ thường là người có tính ỷ lại, vô tư, bàng quan, ích kỷ… Có một số người nghĩ rằng, việc đi trễ còn thể hiện vị thế VIP, đẳng cấp của mình. Nhưng thói quen nhỏ này lại có tác hại lớn. Nói về hậu quả của việc trễ giờ thì có lẽ ai trong chúng ta đã từng trải nghiệm, đã từng chứng kiến, tùy từng trường hợp và mức độ của vấn đề đó mà gây ra hậu quả nghiêm trọng hay có thể dễ dàng được bỏ qua. Tuy nhiên, việc trễ hẹn lần đầu do sự cố không mong muốn, bất khả kháng còn được cho qua, thông cảm nhưng nếu hết lần thứ nhất đến lần thứ hai, lần thứ ba và rồi đến lần thứ… n thì nó đã trở thành thói quen, thành tính cách của người đó. Đáng sợ hơn, thói quen đó lại dễ dàng lây lan, được người khác “học hỏi”. “Đúng hẹn làm gì, đâu có ai đúng giờ đâu” và cứ thế hết người này đến người khác… bị “nhiễm”. Tony Nguyễn (một bạn trẻ Việt kiều) nói là trước khi về nước, rất nhiều bạn bè của anh dặn rằng: “Ở Việt Nam, người ta hay trễ giờ lắm. Trong thiệp cưới mời 17 giờ thế nhưng đến 19 giờ lễ cưới mới diễn ra. Tôi không tin, thế nhưng về đây đã ba tháng, tôi thấy đó là sự thật và cảm thấy rất ngạc nhiên về điều này”. Cùng tâm trạng, bạn L.V than thở: “Nhận thiệp cưới không ngại chuyện phong bì mà lo chuyện chầu chực, chờ đợi”. Cũng chính vì thế mà V. đã có kinh nghiệm “đi ăn cưới phải hành xử theo số đông”… nghĩa là đến trễ khoảng 1 giờ so với thư mời, để khỏi phải chờ đợi, hoặc tránh cảm giác “sợ mất phần ăn nên đến sớm”. Lâu dần hình thành một loại “luật bất thành văn”: mời dự đám cưới trừ hao và đi dự cũng trừ hao. Các cuộc họp báo cũng thế, phóng viên đi trễ là chuyện bình thường. Người tổ chức thì cứ đi ra đi vào, căng thẳng lẫn hồi hộp. Và hầu như không có cuộc họp báo nào diễn ra và kết thúc đúng giờ.
Văn hóa thời gian là văn hóa của sự tôn trọng
Việc đúng giờ không những thể hiện tư cách đạo đức, lòng tự trọng mà còn thể hiện thái độ tôn trọng người khác. Bạn nghĩ sao khi để người khác phải chờ đợi bạn mà không biết là lúc nào bạn đến hoặc thậm chí là bạn có đến hay không? Hãy đặt mình vào trường hợp là người chờ đợi thì bạn sẽ như thế nào? Họ cũng như bạn, họ tôn trọng bạn nên mới chờ đợi bạn, còn bạn thì sao. Khi đã nhận lời hẹn thì không có lý do nào mà không thể không thực hiện; hãy tôn trọng chính mình, tôn trọng lời nói của mình và tôn trọng cả những người đang chờ mình nữa. Để thực hiện được điều này không khó, chỉ cần bạn biết cách xác lập và quản lý thời gian cho chính mình. Hãy tuân thủ, thực hiện theo đúng những điều mình xác lập và tìm mọi cách để làm hết chúng, trừ một số trường hợp không thể thực hiện thì bạn hãy nhẹ nhàng thông báo cho người khác biết về điều đó trước giờ hẹn. NSƯT Bảo Quốc có lần tâm sự: “Đôi khi 9 giờ sáng tập tuồng, 9 giờ kém 15 tôi đã ngồi một mình giữa sân khấu vắng lặng. Nhưng 11-12 giờ các em trẻ mới đến tập. Việc này kéo dài thường xuyên, và tôi đã “luyện” cho mình cách thông cảm với tuổi trẻ như thông cảm con cháu mình, có thể các em còn ham vui, tối qua diễn xong còn đi chơi khuya nên sáng dậy sớm không nổi. Nhưng chính vì các cháu thấy tôi ngồi đợi ở sân khấu như thế nên dần dần không tái diễn việc đến trễ nữa. Tôi thấy vui vì mình đã làm gương cho tuổi trẻ chút ít…”.
TS tâm lý Huỳnh Văn Sơn

Tập dần thói quen đúng giờ và biến nó trở thành tính cách của bạn. Khi đó bạn mới thực sự làm chủ được công việc, cuộc sống cũng như điều tiết được các mối quan hệ xung quanh.

 

Bình luận (0)