Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

“Mỹ nhân ngư”… trở lại

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Live show My Le in symphony (Mỹ Lệ với dàn nhạc giao hưởng, dự kiến diễn ra lúc 20g ngày 8-3 tại Nhà hát TP.HCM) như một cách khép lại một chương cũ, mở ra một chương mới trong sự nghiệp ca hát của "mỹ nhân ngư" Mỹ Lệ. Cuộc trò chuyện chị dành cho Tuổi Trẻ cũng là để trao gửi một quyết tâm của một người "đi rất chậm"…

Poster live show My Le in symphony – cũng là hình tượng mới của chị

 

* Hát với dàn nhạc giao hưởng, hẳn là lần này chị muốn tiết lộ với khán giả về "nguồn gốc" của mình?

– Chính xác là như thế! Ai cũng muốn về với nguồn cội cả. 7 tuổi Lệ đã được ba me cho học cello ở Trường Âm nhạc Huế. Học hết 11 năm sơ cấp và trung cấp Lệ chỉ mong ước mình sẽ trở thành giảng viên cello ở Trường Âm nhạc Huế thôi. Nhưng để tốt nghiệp bậc đại học và trở thành giảng viên thì phải ra Hà Nội học vì Trường Âm nhạc Huế không có bậc đại học ngành cello.

Khi đó, chính bản thân Lệ cũng không muốn rời Huế nên quyết định ở lại và học hệ đại học 5 năm khoa thanh nhạc. Rất may mắn là khi ấy giáo sư Lô Thanh (người từng hướng dẫn rất nhiều giọng ca opera hàng đầu VN hiện nay như: NSND Quang Thọ, Lê Dung, Thanh Hoa, Ánh Tuyết, Nhất Sinh…) về giảng dạy tại trường. Và Mỹ Lệ đã được thầy dìu dắt suốt ngần ấy năm. Sau khi tốt nghiệp, Lệ còn được thụ giáo một năm với một giáo sư người Ý. Ngần ấy năm gắn mình với âm nhạc cổ điển thì làm sao lãng quên được!

 

* Vậy tại sao chị lại "ra nghề" như một ca sĩ hát nhạc nhẹ?

– Có lẽ Mỹ Lệ sẽ là một ca sĩ hay giáo viên thính phòng nếu tour diễn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không ghé Huế năm 1997. Lệ được mời hát trong tour diễn đó, được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và các nhạc sĩ nhóm Những Người Bạn hết lời động viên. Chính nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã khuyên Lệ nên vào TP.HCM lập nghiệp.

Và Lệ đã lên đường với hành trang là những kiến thức nhạc cổ điển, một vài giải thưởng thời sinh viên (huy chương vàng Liên hoan tiếng hát sinh viên toàn quốc 1994, giải triển vọng Liên hoan thính phòng 1995, huy chương bạc Liên hoan thính phòng các trường chuyên nghiệp 1996 – PV), lời động viên của các nhạc sĩ mình quý trọng và… chiếc xe Max. Lệ chọn nhạc Trịnh, một số tác phẩm tiền chiến hay nhạc nhẹ sâu lắng, hợp với chất giọng và tính cách mình để từng bước tiếp cận với khán giả TP.

 

* Và chị đã được giới chuyên môn đánh giá cao từ những ngày đầu đó. Nhưng với khán giả thì…

– Ðó là thời của Phương Thanh, Lam Trường, Hồng Nhung, Thanh Lam… Một thân một mình nơi đất khách quê người, không có ca khúc riêng, bài hát mới và vẫn đang "đấu tranh" dữ dội với chuyện hát thật chỉn chu như những gì mình đã học hay hát theo thị hiếu của người nghe thì làm sao nổi được. Ðó là chưa kể ca sĩ phải có người nâng đỡ, có mối quan hệ với bầu sô… Vì vậy mà Lệ đã "đi" rất chậm.

 

* Chậm, nhưng rồi chị cũng được công nhận như một ca sĩ có tầm. Ngay khi có được một lượng fan không nhỏ chị lại "theo chồng bỏ cuộc vui" và bây giờ trở lại với cổ điển, opera và nhạc kịch?

– Lệ đã làm hết khả năng của mình để được khán giả công nhận như một ca sĩ thực thụ. Vì vậy có tạm nghỉ một thời gian để lo việc nhà, đồng thời để tự nhìn lại mình cũng không phải là điều gì quá đáng (cười). Chính thời gian nghỉ ngơi đó đã cho Lệ cơ hội quan sát, tự rèn luyện bản thân, nảy ra rất nhiều ý tưởng mới trong công việc. Và bây giờ là lúc những ý tưởng đó được hiện thực hóa.

 

* Cụ thể là một Mỹ Lệ như thế nào sau ngày trở lại?

 

– Một Mỹ Lệ trẻ trung, tươi vui trong album Nhan sắc. Nhưng đây sẽ là hình ảnh nhất thời thôi vì Nhan sắc là dự án nối tiếp của album nhạc trẻ Mỹ nhân ngư. Album này cùng với live show My Le in symphony là một dự án mang tính chuyển đổi của Lệ. Live show sẽ được dàn dựng như một tổ khúc với ba phần mà mỗi phần chuyển tải một ý tưởng trọn vẹn. Phần 1 là những ca khúc nhạc trẻ từng gắn với tên tuổi Mỹ Lệ: Từ khi em đến, Và cơn mưa tới, Dòng sông không trở lại, Gọi tên bốn mùa…

 

 

Phần 2 là những ca khúc bất hủ trong kho tàng nhạc trữ tình VN như: Giọt lệ cho ngàn sau, Ngọc lan, Kiếp nào có yêu nhau… Và phần 3 là những tác phẩm mà Mỹ Lệ chưa từng ghi âm hay biểu diễn. Ðây là lúc Lệ quay về với "gốc" của mình với các trích đoạn opera, nhạc kịch hiện đại, bài hát cổ điển: nàng Carmen phóng túng với bài Habanera trong opera Carmen, nàng Solveig u sầu với Solveig’s song, Christine Daáe có giọng hát thiên thần trong trích đoạn The phantom of the opera…

 

* Và chị tin là khán giả đón nhận?

– Tin! Lao động nghệ thuật nghiêm túc luôn được đón nhận. Những bài nhạc trẻ gắn liền với tên tuổi Mỹ Lệ, những tuyệt khúc VN là những gì khán giả khó từ chối. Ðặc biệt là khi tất cả được hòa âm kỹ lưỡng, dày dặn và được biểu diễn cùng với dàn nhạc nhẹ Hoài Sa và dàn giao hưởng của Nhà hát Giao hưởng – nhạc vũ kịch TP.HCM.

Còn opera và nhạc kịch ư? Nghe có vẻ cao siêu và xa lạ nhưng thật ra lại vô cùng quen thuộc. Ta vẫn có một bộ phận khán giả có "gu" âm nhạc, kể cả khán giả trẻ. Một bộ phận khác thì rất chịu khó tiếp thu mà nghệ thuật đỉnh cao thì lại rất dễ lay động lòng người. Một tín hiệu đáng mừng khác là những thử nghiệm về opera, nhạc kịch, giao hưởng gần đây của những người trẻ "ngoại đạo" như Ðức Tuấn, nhóm Unlimited… đã được đại đa số khán giả chấp nhận.

 

* Cảm ơn chị. Chúc chị thành công với những dự án và con đường đã chọn!

QUỲNH NGUYỄN thực hiện (Theo TTO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)