Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Nỗi lòng ca sĩ Bích Chiêu

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Nữ ca sĩ thổi chất jazz đầy ngẫu hứng cho ca khúc "Nỗi lòng" của nhạc sĩ Nguyễn Văn Khánh tái ngộ khán giả TP HCM sau nhiều năm xa cách. Ở tuổi 67, Bích Chiêu – chị cả của nam danh ca Tuấn Ngọc – mới bắt đầu thực hiện CD riêng đầu tiên của mình tại quê nhà.

– Hầu như khán giả Việt Nam chỉ biết đến cái tên Bích Chiêu qua duy nhất một ca khúc "Nỗi lòng". Chị giải thích thế nào?

Nỗi lòng gắn với cuộc đời tôi như một định mệnh. Hầu như không có buổi diễn nào mà tôi không hát bài này, thậm chí có đêm hát đi, hát lại đến mấy lần. Lý giải thì có nhiều lý do, có thể tôi là một trong những người đầu tiên hát bài này, cũng có thể người ta thích cách hát ngẫu hứng, chọc ghẹo của tôi nên nhớ nhiều.

Thật ra tôi hát nhiều bài nhạc Việt lắm, cả nghìn bài đấy, nhưng là vào thời gian trước. 5 tuổi, tôi đã hát cho Đài phát thanh Đà Lạt. Vào Sài Gòn, song ca "em bé" Bích Chiêu – Tuấn Ngọc nhanh chóng nổi tiếng, dù lúc đó tôi 11-12 tuổi, không còn bé lắm (cười). Năm 13 tuổi, tôi bắt đầu đi hát phòng trà. Bài hát Nỗi lòng cũng được yêu mến từ thời gian này.

Sau này, đi học rồi định cư ở Pháp, tôi ít sinh hoạt với cộng đồng người Việt nên ít hát nhạc Việt hơn. Mà tôi cũng chưa thu một CD nhạc Việt nào. Chắc vì thế mà nhắc đến Bích Chiêu, khán giả chỉ nhớ ca khúc thành công nhất.

Ca sĩ Bích Chiêu được yêu mến nhất với bài hát "Nỗi lòng". Ảnh do ca sĩ cung cấp.

– Nhưng sau thành công bước đầu ấy, càng ngày khán giả càng ít thấy chị xuất hiện, tên tuổi của chị cũng không gây được tiếng vang nhiều như các em Khánh Hà, Tuấn Ngọc… Vì sao vậy?

– Là do hoàn cảnh đời sống cả. Ít lâu sau khi có tiếng ở Sài Gòn, tôi sang Pháp du học về thương mại, học nhạc cổ điển và lập gia đình, sống luôn ở đây. Không ở gần gia đình, lại sống trong khu vực chỉ toàn người ngoại quốc nên tôi ưu tiên hát nhạc ngoại. Tôi có thu một số album khi cộng tác với hãng SBS (Pháp) và vài trung tâm ở Colombia nhưng cũng chỉ nhạc ngoại. Tôi từng được Truyền hình Pháp chọn làm gương mặt châu Á tham dự Festival nhạc Jazz ở Bỉ với sự tham gia của 24 nước trên thế giới.

– Do đâu mà một cô bé mới 13-14 tuổi đã chọn cho mình cách hát vô cùng ngẫu hứng để phả chất jazz ngoại quốc vào một bài tình ca Việt?

– Đây gần như là một bí mật ít khi tôi chia sẻ, cũng là kỷ niệm không thể nào quên trong suốt cuộc đời này. Chẳng tài cán gì đâu. Ban đầu tôi cũng hát bình thường nhưng nhờ một lần tình cờ, tôi tìm thấy một nốt nhạc jazz trong đấy.

Ngày xưa đi hát, tôi hay bị các cậu trai trẻ chọc ghẹo. Có một cậu tỏ ra không thích ca sĩ, nhưng mỗi khi tôi xuất hiện lại cứ lải nhải liên tục, đến độ nhiều khi nhìn thấy anh ta, tôi sợ không dám hát, chỉ muốn bỏ chạy khỏi sân khấu. Tôi nhớ lần đó, ban nhạc dạo đến lần thứ 3 mà do phân tâm, tôi vẫn không vào được câu đầu. Giận quá, tôi gằn giọng thật mạnh 2 chữ đầu tiên "yêu ai" rồi buông thêm từ "khốn nạn" (lấy tay che miệng). Phóng lao thì phải theo, tôi giải thích thêm cho khán giả hiểu, "tình yêu khốn nạn lắm quý vị à, có lúc yêu, có lúc hờn, mình nặng lời là để thân mình đỡ khốn đốn". Khán giả vỗ tay hưởng ứng, giúp tôi lấy lại tự tin nhìn thẳng vào mắt anh ta mà nói "em yêu anh". Thấy mặt anh ấy cứ đờ ra, chỉ biết phủi tay theo kiểu ra dấu hiệu "thôi dẹp đi", tôi sướng quá, cười luôn.

Nhưng, nhờ 2 chữ "yêu ai" giận dữ ấy, tôi tìm thấy chất jazz lạ lẫm trong ca khúc Nỗi lòng. Về đến nhà sau đêm hát đó, tôi ngồi chỉnh sửa và chọn cách hát chọc ghẹo, ngẫu hứng để hoàn thiện cả bài. Tôi cứ nghĩ bụng, sau này gặp lại cậu trai ấy, tôi phải cảm ơn anh mới được (cười lớn).

– Hát jazz đòi hỏi sự ngẫu hứng rất cao mà chỉ những ai trải nghiệm cuộc sống nhiều mới có được. Chị gặp khó khăn gì khi chọn lối hát này từ nhỏ?

– Tôi thấy không có khó khăn gì cả. Thuận lợi của tôi là có được bản tính thích chọc phá người khác như bố (nhạc sĩ Lữ Liên) nên cứ theo đó mà hát. Mấy cậu trai trẻ mà nghe tôi nhấn nhá "yêu, yêu, yêu… ai" là thích lắm, lập tức hưởng ứng và nhại theo.

Nhưng đúng là trải nghiệm làm mình hát hay hơn. Đó cũng là lý do tôi thích giọng hát của mình sau này hơn lúc trước. Khi nghe, nó có đời sống, vui buồn, khổ hạnh của mình trong đó.

Ở tuổi 67, những vui, buồn nào trong đời sống khiến chị không thể quên?

– Là ca sĩ, vui nhất vẫn là những giờ phút đứng trên sân khấu và quên hẳn mình đang sống, quên cả những lo toan của cuộc đời. Lúc đó, tôi như lạc vào thế giới khác, chỉ có riêng mình và khán giả đồng cảm tạo thành một gia đình. Có những tối về nhà, tự nhiên tôi thấy mình bật cười khi nhớ lại nụ cười của khán giả khi nghe mình chọc ghẹo.

Còn nỗi buồn… đau khổ nhất là thường xuyên phải xa gia đình, con cái. Không chỉ hát, tôi còn kiêm luôn nghề thông dịch viên trong các hội chợ, buôn bán vải và làm từ thiện. Cứ nay đây mai đó, đến mức tôi chỉ cần nghe câu hát "ta lê gót chân phong trần tha phương" là rơm rớm nước mắt. Đó cũng là một phần lý do khiến cuộc hôn nhân đầu tiên của tôi đổ vỡ.

Ca sĩ Bích Chiêu trong một buổi diễn ở hải ngoại. Ảnh: S.T.

– Hiểu được như thế, sao chị không tự hạn chế bản thân để được gần gũi người thân nhiều hơn?

– Hoàn cảnh mỗi người một khác, tôi thì có muốn đừng cũng không được. Nhất là với lời hứa của mình, đã hứa là làm, là đi. Tôi không muốn để ai mất lòng vì mình cả. Đôi lần cũng biết tự kìm bản thân nhưng rồi đâu lại vào đấy, cứ như con nước trên sông xuôi một dòng.

Rất nhiều lần, tôi nghĩ giá như mình có thể quay ngược thời gian trở lại và tự hứa sẽ quản lý cuộc đời mình tốt hơn, gần gũi gia đình nhiều hơn. Tự trong thâm tâm, tôi luôn coi đây là nhược điểm lớn nhất, lỗi lầm lớn nhất của mình với người thân.

– Có thể xem, lần về nước biểu diễn này là một trong những cách mà chị muốn quay lại?

– Ý chính nhất của lần về này là tôi muốn thu thanh. Khán giả nghe và thích Bích Chiêu chắc cũng muốn sở hữu một album riêng của tôi. Có vậy người ta mới không nói là Bích Chiêu chỉ hát mỗi một bài Nỗi lòng (cười).

Còn việc hát ở phòng trà Văn Nghệ là một dịp tình cờ. Trong chuyến từ thiện đầu tiên ở Việt Nam hồi khoảng tháng 7/2008, người bạn quen ở Pháp đã giới thiệu tôi hát. Cho là tôi còn hát đến 70 tuổi đi thì tôi cũng còn 3 năm nữa. Cái nghiệp của mình còn kéo dài được mà.

– Các dự định của chị sắp tới?

– Ngoài album riêng, tôi còn dự định hát chung với Trịnh Vĩnh Trinh một CD gồm các bài hát về mẹ và tham gia một chương trình từ thiện trong tháng 4. Tôi cũng tăng cường công việc từ thiện tại Việt Nam như dạy trẻ em cơ nhỡ hát… như tôi từng làm ở nhiều nơi trên thế giới.

Bích Chiêu sinh năm 1942 tại Đà Lạt trong gia đình có truyền thống văn nghệ của nhạc sĩ, kịch sĩ Lữ Liên. Cô là chị cả của các ca sĩ có tên tuổi tại hải ngoại như: Tuấn Ngọc, Anh Tú, Khánh Hà, Lưu Bích, Lan Anh…

Từ nhỏ, Bích Chiêu tham gia hoạt động văn nghệ trong Đài phát thanh và hát cho Trường Thánh Mẫu (Đà Lạt). 12 tuổi, Bích Chiêu tham gia ban Hoa Xuân của Đài phát thanh Sài Gòn cùng ca sĩ Mai Hân, Mai Hương, Kim Chi, Quốc Thắng, Đoan Trang. 13 tuổi, cô bắt đầu hát ở các phòng trà và nổi danh nhất với ca khúc Nỗi lòng với lối hát phóng khoảng kiểu jazz.

Năm 1962, Bích Chiêu sang Pháp học nhạc cổ điển và lập gia đình với một người Italy, có 2 con. Hiện tại, chị sống với người chồng thứ hai người Việt Nam tại Pháp.

Nhiêu Huy (Theo VNE)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)