Mặc dù cuộc hội thảo do Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức (sáng 6.11, tại Hà Nội) có chủ đề Nhân vật lịch sử trong phim truyện Việt Nam, nhưng các nhà làm phim lại bàn quanh câu chuyện rộng hơn – những tồn tại trong việc làm phim lịch sử.
Cảnh trong phim Thiên mệnh anh hùng, bộ phim lịch sử được lựa chọn tham dự Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ hai – Ảnh: Phương Nam phim cung cấp |
Bấy lâu nay, tâm lý chung của các nhà sản xuất, các nhà làm phim (cả nhà nước lẫn tư nhân) là sợ làm phim lịch sử vì khổ sở với đủ những cái thiếu: từ sử liệu, bối cảnh, cho đến kinh phí làm phim. Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn đang thực hiện dự án phim truyện về các vị vua nhà Nguyễn. Ông đã nhiều lần phải đau đầu khi tìm hiểu về các nhân vật lịch sử, bởi trong khi chính sử vẫn còn nhiều khuyết trống thì “mỗi sử gia tôi gặp lại nói một cách khác nhau và ai cũng khăng khăng là mình đúng”. Thiếu sử liệu, các nhà làm phim phải tự bồi đắp câu chuyện lịch sử, cho đến sáng tạo trang phục, đạo cụ. Và sau đó, họ thường bị chỉ trích vì đã hư cấu lịch sử.
Cũng vì “sợ” như vậy nên nhà biên kịch Lê Phương (tác giả của Đêm hội Long Trì, Tráng sĩ Bồ Đề) đã từ chối không ít lời mời làm phim lịch sử. Nhà biên kịch Đoàn Tuấn cho hay, ngoài lịch sử của nhà nghiên cứu, công chúng cần chấp nhận lịch sử của các nhà sáng tạo nghệ thuật. Bên cạnh đó, theo ông, các nhà làm phim lịch sử cũng phải có thái độ sáng tác nghiêm túc: “Chúng ta nên học các nhà làm phim thế giới là đến tận nơi diễn ra sự kiện lịch sử, hoặc tự đi khảo cứu”.
Nói đến chuyện bối cảnh làm phim, từ nhiều năm nay các nhà làm phim lịch sử vô cùng khổ sở khi phải đi tìm địa điểm làm phim phù hợp. Đạo diễn Đào Bá Sơn đã “nhiều đêm không ngủ, lòng dạ như lửa đốt” khi đi hơn 14.000 km mà vẫn chưa tìm được bối cảnh cho Long Thành cầm giả ca, chuyện phim diễn ra ở thành Thăng Long mà thành giờ đâu còn. Nhưng ông vẫn may mắn vì cuối cùng đã tìm được những bối cảnh ưng ý ở trong nước.
Trong khi có đoàn làm phim đã phải sang tận nước ngoài để thuê trường quay. Việc cần có trường quay riêng cho phim lịch sử đã được đề cập bấy lâu nhưng đến nay vẫn chưa thấy có, trông chờ duy nhất là dự án trường quay Cổ Loa. Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần bày tỏ: “Trường quay không thể chỉ là những gian nhà trống để các đoàn làm phim đến thuê mặt bằng, dựng bối cảnh, mà phải là nơi lưu giữ tài liệu, chất liệu để dựng các bối cảnh và có những kho lưu trữ đạo cụ, phục trang…”.
Gặp khó khăn trăm bề, các nhà làm phim lịch sử còn bị hạn chế về kinh phí làm phim. Trung bình mỗi bộ phim lịch sử được nhà nước đầu tư dưới 10 tỉ đồng, đơn vị sản xuất tư nhân nhiều hơn nhưng cũng chỉ khoảng 20 tỉ đồng.
Đạo diễn Đào Bá Sơn cho rằng, hiện tại chúng ta vẫn chưa có thị trường sản xuất và tiêu thụ phim lịch sử – một trong những lý do hạn chế sự phát triển của dòng phim này. Bên cạnh đó, hầu hết các bộ phim lịch sử hiện nay được các đơn vị nhà nước làm theo phong trào, đơn đặt hàng cho các dịp lễ kỷ niệm. Nhớ lại hai năm trước khi Hà Nội mừng Đại lễ, hàng loạt phim truyện và phim truyền hình về đề tài lịch sử được sản xuất. Nhưng qua “mùa”, lại chẳng có mấy dự án làm phim.
Phim lịch sử Việt chưa hấp dẫn cũng còn do tư duy, góc nhìn của chính các nhà làm phim trong nước. TS Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh, cho rằng dù khó làm được những bộ phim lịch sử hoành tráng, nhưng các nhà làm phim trong nước hoàn toàn có thể đi sâu khai thác giá trị nhân văn, tính tư tưởng qua các nhân vật lịch sử – đây cũng là cách các nền điện ảnh lớn của châu Á vẫn đang làm.
“Đấu thầu” dự án phim
TS Ngô Phương Lan cho biết thông tư hướng dẫn đặt hàng tác phẩm điện ảnh có vốn nhà nước đang trong quá trình hoàn thiện. Theo đó, Cục Điện ảnh là đơn vị chủ đầu tư, được phép lựa chọn kịch bản phim và nhà sản xuất khả thi (không phân biệt nhà nước hay tư nhân) thông qua hình thức “đấu thầu”. Như vậy, các dự án phim lịch sử được cấp kinh phí nhà nước trước nay vẫn được giao cho các đơn vị sản xuất nhà nước, tới đây sẽ được mở rộng cơ hội cho các nhà sản xuất tư nhân.
Theo TNO
Bình luận (0)