Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

GS Nguyễn Văn Trương – Người anh hùng ở tuổi đại lão

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Sang tuổi “cổ lai hy”, ông còn đứng ra sáng lập Viện Kinh tế sinh thái. Không trông chờ vào “phao bao cấp” của Nhà nước, Viện vẫn xây dựng thành công 12 làng sinh thái, và ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, khi đã 84 tuổi.

GS, TSKH Nguyễn Văn Trương, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Tổng Biên tập bộ Từ điển Bách khoa đầu tiên của Việt Nam, Viện trưởng Viện Kinh tế sinh thái (Ảnh chụp tháng 10/2006).

Kỳ I: Không bột  vẫn gột nên hồ! 
Tốt nghiệp kỹ sư nông lâm trước Cách mạng Tháng Tám, với ý chí luôn vươn tới đỉnh cao của "ông đồ Nghệ", Nguyễn Văn Trương bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Hà Nội, rồi luận án tiến sĩ khoa học tại Dresden (CHDC Đức cũ). Ông được cử làm Tổng Biên tập bộ Từ điển Bách khoa đầu tiên ở nước ta, công trình tập thể của 1.200 nhà hoạt động khoa học, văn hoá thuộc 40 chuyên ngành. 
Coi chừng… "bán da gấu" đấy!
Một ngày đầu tháng 7/2006, tôi đang ngồi làm việc bên máy tính tại nhà riêng ở phường Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội, bỗng nghe tiếng chuông điện thoại reng reng:
– Hàm Châu đấy à? Thầy Trương đây! Sáng thứ năm này, 13/7, Viện Kinh tế sinh thái có xe lên làng sinh thái Kim Lư, Na Rì, Bắc Cạn. Cậu có sắp xếp thời gian đi cùng bọn mình được không?
GS Nguyễn Văn Trương từng dạy tôi về môn vạn vật học (nay gọi là sinh học) khi tôi còn theo học Trường trung học Tân Dân tại huyện Nam Đàn, Nghệ An, giữa vùng tự do Liên khu IV, trong những năm đầu kháng chiến chống Pháp. Thầy đỗ kỹ sư nông lâm tại Hà Nội năm 1944 (chỉ vài khoá sau ông Cù Huy Cận, nhà thơ trữ tình nổi tiếng thời Tự lực Văn đoàn). Tiếng súng kháng chiến bùng nổ, thầy trở về quê ở Kim Liên, Nam Đàn, dạy học. Thầy là người đồng hương với Bác Hồ, sinh ra tại làng Sen, không xa làng Chùa và ngọn núi Chung. Ngôi nhà của song thân thầy Trương chỉ cách nhà cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc mấy trăm mét đường làng rợp bóng tre xanh. Xa xa là dòng Lam trong biếc uốn lượn dưới chân 99 ngọn Hồng Lĩnh chìm trong mây mờ…           
Còn nhớ, trước đấy chưa lâu lắm, sáng 7/10/2005, ngay sau hôm bế mạc Đại hội Thi đua toàn quốc, chúng tôi, những học trò cũ của GS Nguyễn Văn Trương sinh sống ở Thủ đô, tề tựu đông đủ tại Viện Kinh tế sinh thái, phố Lạc Trung, Hà Nội, chúc mừng thầy vừa được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, khi thầy đã… 84 tuổi! Nghe nói, thầy là người cao tuổi nhất từ trước tới nay được tặng danh hiệu này.
Viện Kinh tế sinh thái do thầy sáng lập vào đầu năm 1990 và làm Viện trưởng từ đấy cho đến khi qua đời, năm 2007. Thầy cùng các cán bộ của Viện đã xây dựng thành công 12 làng sinh thái, nằm rải rác khắp miền Bắc và miền Trung, trong đó có một làng ở huyện Nghi Xuân – quê hương Nguyễn Du, và một làng ở huyện Nam Đàn – quê hương Bác Hồ.
Nhớ lại hồi đầu năm 1990, GS Trương gửi đơn lên Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước (nay là Bộ Khoa học và Công nghệ), đề nghị Uỷ ban cho phép thành lập Viện Kinh tế sinh thái, viện dân lập đầu tiên ở nước ta, tập hợp khoảng 20 vị giáo sư, phó giáo sư… đã về hưu! Cơ quan quản lý khoa học cấp cao này rất phân vân! Mà phân vân cũng phải thôi. Bởi vì, vào thời điểm ấy, viện dân lập là chuyện chưa từng có tiền lệ ở một nước xã hội chủ nghĩa như nước ta. Hơn nữa, thầy Trương lại là người… ngoài Đảng, và thường bị quy là… "chuyên môn thuần túy"! Thế thì "ông quần chúng" đó lãnh đạo làm sao được Viện, một khi không có chi uỷ hay đảng uỷ chỉ lối dẫn đường cho ông ta? Cũng may, nhờ sự quyết đoán của ông Võ Văn Kiệt, Thủ tướng lúc bấy giờ, Viện mới được phép hoạt động.  
Năm ấy, GS Trương đã 69 tuổi, tức là ngót nghét "thất thập cổ lai hy"! Cho nên, mới có một ông cán bộ cấp cao trong ngành khoa học hoài nghi cười khẩy:
– Liệu cụ già Trương có mơ tưởng viển vông không nhỉ? Coi chừng… "bán da gấu" đấy, cụ ơi!
"Xoay" nhưng không mờ ám
Kể ra thì sự hoài nghi của "ông quan" có quyền "cầm cân nảy mực" kia cũng chẳng phải là thiếu căn cứ. Khi còn đương chức, đương quyền, sẵn cơ ngơi toà ngang dãy dọc sừng sững, xe con Mercedes, Toyota đủ cả, xăng nhớt xài thả cửa tựa nước ao bèo, điện thoại di động, máy ảnh số, máy fax, PC nối mạng ADSL, laptop xịn IBM, Sony; cao hổ cốt, mật gấu, sừng tê giác, đông trùng hạ thảo bồi bổ chẳng thiếu thứ gì; luôn được ngân sách Nhà nước hào phóng rót đều đều tiền tỷ; lại còn cặp kè dăm ba cô thư ký "mắt xanh, mỏ đỏ, tóc lò xo" cho thêm phần "tươi mát", thế nhưng, đâu có phải ông cán bộ quản lý nào cũng đều làm nên công cán đáng gọi là "ích quốc, lợi dân"? Huống chi sau khi các ông ấy đã "hạ cánh an toàn", chức không, quyền hết!
Vậy nên, ta càng cảm phục những nhà trí thức như GS, TSKH Nguyễn Văn Trương và những người cùng chí hướng. Viện Kinh tế sinh thái của họ chẳng được bao cấp một xu nào! Từ việc thuê nhà làm trụ sở, trả tiền điện, tiền nước, trả lương cho cho khoảng 10 cán bộ, nhân viên văn phòng, tạp vụ, rồi mua sắm máy tính, máy fax, ô-tô con để đi miền núi, về nông thôn, v.v. đều phải tự… "xoay"! Thế nhưng, không được tự cho phép mình "xoay" một cách  nhập nhằng, mờ ám! Mà phải bằng tài năng và uy tín khoa học, nghĩa là bằng "chất xám" và nhân cách của người trí thức.
Viện trưởng Nguyễn Văn Trương, từ khi "nhậm chức" cho đến khi qua đời, luôn tìm mọi cách lo đủ tiến lương, tiền bảo hiểm xã hội cho các cán bộ, nhân viên cơ hữu. Thế nhưng, riêng ông, suốt 17 năm ròng rã, chưa  một lần nhận đồng lương nào của Viện! Với thói quen chắt chiu, tằn tiện của người dân "cá gỗ", ông vui lòng sống đạm bạc với đồng lương hưu chẳng nhiều nhặn gì. Theo gương Viện trưởng, 20 vị giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ khoa học, tiến sĩ, hầu hết đã về hưu, cộng tác thường xuyên với Viện, cũng chỉ nhận chút đỉnh "tiền bồi dưỡng gọi là cho có" về từng công việc cụ thể mà thôi. Quả vậy, những người trí thức ấy đến với Viện chỉ cốt "cho vui", cho đỡ "nhớ nghề", chứ đâu phải cố vớt vát "đánh quả" khi cuộc đời đã xế chiều xẩm tối!…
Thấm thoắt gần hai thập niên đã trôi qua! Viện đã giúp nông dân ở một số tỉnh miền Bắc và miền Trung nước ta xây dựng được 12 làng sinh thái, tại nhiều vùng thiên nhiên khắc nghiệt khác nhau (vùng đồi, vùng cát, vùng úng ngập nước mặn, vùng úng ngập nước ngọt), cho nhiều tộc người khác nhau (Kinh, Tày, Mường, Dao).
Cái tâm trong và lắm chân tài, thực học
– Lấy đâu ra tiến để Viện của thầy làm nên những việc không nhỏ nói trên? – Có lần tôi hỏi GS Nguyễn Văn Trương.
– Mỗi năm bọn mình phải nhận được khoản tiền tài trợ cho vài ba dự án, chủ yếu là từ các tổ chức quốc tế, tức là phải có trong tay khoảng 30 đến 40 nghìn USD, thì các hoạt động của Viện mới suôn sẻ – GS Trương trả lời. 30% khoản tiền ấy đủ cho bộ máy gọn nhẹ của Viện hoạt động. 70% còn lại được đưa đến tận tay những người nông dân tham gia dự án, bảo đảm không "bốc hơi" dọc đường. Năm nào, khoản tài trợ cho các dự án lên tới 50-100 nghìn USD, thì Viện dư dật chút ít, có tiền mua sắm máy tính, xe máy, xe ô-tô công vụ…
– Nhưng, thưa thầy, làm thế nào để nhận được các khoản tài trợ quốc tế kia?
– Tất nhiên, trong Viện phải có người được thế giới biết tiếng, tin tưởng, để người ta có thể "chọn mặt gửi vàng". Họ chỉ trao tiền cho những ai mà họ biết chắc là sẽ chi tiêu đúng mục đích khoa học và nhân đạo. Về một dự án, có khi phải trả lời tới 25 câu hỏi, có câu phải viết 3-5 trang A4, tất cả đều bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp. Chúng tôi thường tự viết thẳng các câu trả lời bằng ngoại ngữ, không qua phiên dịch, có thế mới lột tả được hết ý tưởng và tình cảm, và mới chọn lựa được thật chuẩn xác các thuật ngữ chuyên ngành, tránh tình trạng dùng từ nước ngoài ngây ngô, ngớ ngẩn, khiến các chuyên gia quốc tế phì cười, bực bội! Chẳng hạn, Uỷ ban Công giáo chống nghèo đói và vì phát triển (Comité catholique contre la faim et pour le développement) của Pháp đã tài trợ cho Viện chúng tôi khá nhiều dự án. Sau khi dự án đầu tiên được thực thi, họ cử người sang tận nơi để kiểm tra trên thực địa. Thấy rõ kết quả tốt, vượt quá điều họ mong đợi, thế là các dự án về sau do Viện đề xuất hầu hết đều được họ nhanh chóng đáp ứng. Tin tưởng ở nhiệt tâm và năng lực của cán bộ Viện chúng tôi, Hiệp hội Thế giới bảo tồn thiên nhiên (The World Conservation Union) cũng thường tài trợ cho các dự án của Viện. Hiệp hội này cũng như Hiệp hội Quốc tế vận động nông nghiệp hữu cơ (International Federation of Organic Agriculture Movements) và một vài tố chức quốc tế khác còn kết nạp Viện chúng tôi làm thành viên. Tôi và một số anh em trong Viện thường được mời dự nhiều hội nghị quốc tế mà, tất nhiên, Nhà nước ta không phải bỏ ra đồng kinh phí nào.
Không thế, không quyền, không tiền, không chức vụ được Nhà nước bổ nhiệm, o bế, ấy thế mà GS Nguyễn Văn Trương vẫn làm nên chuyện đấy! Vì sao? Theo tôi nghĩ, chính là vì ông vừa có cái tâm trong sáng, vừa không thiếu chân tài, thực học.     
(Còn nữa)
Hàm Châu (Dan tri)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)