Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Phim Ngõ lỗ thủng – Ký ức thời bao cấp

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Bộ phim Ngõ lỗ thủng (29 tập, Trung tâm Sản xuất phim truyền hình- Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất) phát sóng vào “giờ vàng” trên VTV1 đang đi vào hồi kết. Đây là một trong những bộ phim được khán giả kỳ vọng khi tái hiện những “ngày buồn” thời bao cấp và những “lỗ thủng” trong nhân cách con người…

Trăn trở trước đổi mới

Cảnh trong phim “Ngõ lỗ thủng”.

Bối cảnh trong phim cho thấy miền Bắc những năm 1980 và đầu những năm 1990, đất nước đang chuyển mình để bước vào thời kỳ đổi mới. Ngổn ngang mâu thuẫn giữa tốt – xấu, thiện – ác, lý tưởng – thực dụng… và nhiều nghịch cảnh trớ trêu trong gia đình, khu phố và ngoài xã hội.

Kịch bản phim được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên và tiểu thuyết Tiễn biệt những ngày buồn đều của nhà văn Trung Trung Đỉnh. Sự sắp đặt có dụng ý những nhân vật góc cạnh bên cạnh những nhân vật hiền lành, những người chân chất, hồn hậu cùng những người toan tính, vụ lợi. Cuộc đấu tranh giữa cái mới và cái cũ, cái tiến bộ với cái bảo thủ, lạc hậu… luôn song hành khiến bộ phim ngồn ngộn những chi tiết và những tình huống thú vị.

Hơn 20 nhân vật đều có số phận, tính cách và dáng vẻ riêng không chỉ được nhà văn dày công xây đắp mà một lần nữa được tái hiện sống động qua phim. Đó là Bình – biên tập viên báo Hạnh Phúc, Xoay – nhà văn, Gù – anh bán hàng nước, bà Còng – tổ trưởng dân phố, Hạnh “ca-ve” – dân phe…

Bi kịch của các nhân vật luôn diễn ra căng thẳng. Nhiều mối quan hệ hứa hẹn bộc lộ sẽ làm… vỡ òa câu chuyện.

Hạnh dành tình yêu cho Bình sau khi anh bỏ vợ. Nhưng Bình đưa cho cô bức thư của vợ cũ từ nước ngoài gửi về để cô tự quyết định tình cảm giữa hai người. Hóa ra, vợ chồng Bình chia tay nhau không phải vì không có tình yêu mà để thoát khỏi cảnh nghèo nàn.

Đau đớn và xót xa như một kẻ vừa bại trận vì biết Bình cũng yêu mình mà không thể tự quyết định được hạnh phúc của hai người, Hạnh buông xuôi cho số phận. Cô lao ra cửa để tìm đến anh Gù bán nước tàn tật, xấu xí nhưng rất yêu Hạnh…

Cần bối cảnh và hình ảnh thật

Chất liệu kịch bản dày dặn khiến các tập phim đều ăm ắp sự kiện và tình huống. Có khi, 3 – 4 tình huống liên tiếp xảy ra khá căng thẳng. Tập 5, Hạnh “ca-ve” bị bắt giải lên công an xã vì dan díu với người đã có vợ. Trong khi chị gái và anh rể sốt sắng tìm mọi cách để xin cho em về, bà tổ trưởng tổ dân phố đứng ra xin bảo lãnh, anh chàng Gù xông vào dọa dẫm vợ chồng lão chủ quán cặp bồ với Hạnh… thì Hạnh vẫn nhâng nháo và… thách thức. Chưa hết, bố Hạnh vì tức giận con mà lăn đùng ra ngã bệnh…

Có nhiều câu thoại sắc được “buột” ra từ chính nhân vật trong hoàn cảnh phù hợp khiến khán giả thấy thỏa lòng. Đả phá quan niệm về “tập thể” của một thời và sự quan tâm thái quá đến mức thọc sâu vào các mối quan hệ riêng tư của chính quyền, đoàn thể đối với mỗi cá nhân, mỗi gia đình…, nhiều cảnh phim khiến người xem cười mà xót xa!

“Câu chuyện khá chặt chẽ và hấp dẫn vì được xây dựng từ nền tảng là tiểu thuyết được độc giả thẩm định. Nhưng bối cảnh chưa thuyết phục và còn có phần lôm nhôm khiến sức hấp dẫn của bộ phim giảm đi ít nhiều”, nhà biên kịch trẻ Hà Thủy Nguyên cho biết.

Không ít khán giả cũng lấy làm tiếc khi trang phục, đầu tóc, trang điểm… của một số nhân vật trong phim không giống thời bao cấp. Có người bày tỏ thất vọng khi câu chuyện có tứ hay, tên phim khá “gợi” nhưng phim không làm họ tin vì nhiều hình ảnh không thật và không mang màu sắc điện ảnh. Chẳng hạn, cái ngõ lỗ thủng được lấy làm tên phim và gửi gắm những ý tưởng ẩn dụ nhưng trên phim, ngõ này dường như còn toen hoẻn, chưa đạt được ý tưởng sâu sắc cũng như hiệu quả thẩm mỹ.

“Tôi theo dõi phim vì muốn xem lại những hình ảnh thời bao cấp. Thời ấy, chúng tôi tuy nghèo khổ nhưng có không ít những ký ức đẹp, nhất là cái tình của con người đối với nhau. Rất tiếc, bộ phim chưa đáp ứng được kỳ vọng này” – bà Nguyễn Thị Thủy – giáo viên nghỉ hưu ở phố 8/3, phường Quỳnh Mai, Hai Bà Trưng, Hà Nội – chia sẻ.

Nhà văn Trung Trung Đỉnh có vẻ hài lòng khi đứa con tinh thần bước lên màn ảnh. Ông bảo, trong suốt thời gian phim phát sóng, ông nhận được khá nhiều lời chia sẻ về bộ phim của đồng nghiệp và khán giả.

Theo ông, đạo diễn Quốc Trọng là người tâm huyết và có duyên với những bộ phim về thời bao cấp. “Trong điều kiện làm phim còn nhiều eo hẹp, bối cảnh trải dài và phải tái tạo nhiều, số lượng diễn viên huy động khá đông…, nên làm phim như vậy là được rồi” – ông nói.

HOÀNG THẮNG (Theo SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)