Du lịch - Thể thaoDu lịch - Khám phá

Cuối tuần du ngoạn về đất Phật

Tạp Chí Giáo Dục

Giữa những ngày hè oi bức và ồn ào, không khí của miền quê trù mật trong lành đón ta thoát khỏi bụi bặm nơi đô thị. Không gì tuyệt hơn vào cuối tuần là du ngoạn về miền đồng quê xứ Kinh Bắc thả hồn chiêm nghiệm. Dưới đây là bài viết của độc giả Khánh An.

Cách Hà Nội 30 km, chùa Bút Tháp (Thuận Thành, Bắc Ninh) – ngôi chùa cổ được xây dựng từ thời hậu Lê (thế kỷ XVII), tọa lạc ven bờ sông Đuống. Tên chữ của chùa là Ninh Phúc Tự, chùa được chính cung Trịnh Thị Ngọc Trúc, vợ vua Lê Thánh Tông cùng hai nhà sư người Việt gốc Hoa thiết kế.

Một góc chùa Bút Tháp. Ảnh: Khánh An

“Ninh Phúc Thiền tự” – tên cổ của ngôi chùa được xem là cổ kính và lưu giữ nhiều nét tinh hoa Phật giáo của xứ Kinh Bắc. Phong thuỷ nói rằng kiểu “nội công ngoại quốc” (bên trong chữ “Công”, bên ngoài chữ “Quốc”) là một quần thể kiến trúc đắc địa, linh thiêng. Tuy đã có vài lần trùng tu nhưng chùa Bút Tháp vẫn giữ được những tác phẩm kiến trúc điêu khắc tuyệt mỹ và nét nguyên sơ hấp dẫn với sự dung hội của hai nền văn hoá Việt – Hoa.

Ngoài cùng là Tam Quan, tiếp đến là gác chuông rồi đến Tiền đường. Đi vào sâu là Thượng điện – quần thể kiến trúc trung tâm nổi bật nhất của chùa với những nét điêu khắc sinh động. Bao quanh Thượng điện là hàng lan can bằng đá xanh trạm khắc muôn hình động vật, mây trời hoa lá hữu tình, thần thái phiêu diêu. Bên trong Thượng điện là cả một thế giới tâm linh huyền bí. Bộ tượng Tam Thế, Tam Thân và tượng Phật bà nghìn tay nghìn mắt như thu cả nhân tình thế thái vào cõi phật.

Nổi tiếng nhất nơi đây chính là bức tượng Phật bà ngồi trên đài sen rồng đội toả ánh hào quang, được xem là cổ nhất của nền phật giáo nước ta. Tượng cao 3,7m, 11 đầu chia thành 4 tầng, có 42 bàn tay và 958 tay nhỏ, trên mỗi bàn tay có một con mắt để nhìn thấu nhân sinh. Mỗi đường nét, hình thù, bố cục bức tượng đều được đục khắc theo đúng thuyết tương sinh tương khắc của Ngũ hành. Bức tượng này do một nghệ nhân họ Trương hoàn thành năm Bính Dần- 1656.

Nối Thượng điện với Tích thiên am (nơi cầu mong được siêu thoát) là chiếc cầu đá cong cầu vồng 3 nhịp rồng. Đây là một tích của nhà Phật – là nơi đi qua cửa Phật rũ sạch bụi trần. Bên dưới cầu là hoa súng, hoa sen thơm ngát, chen giữa màu xanh cây lá là những nhịp cầu đá chạm trổ tinh xảo, thần tình và hài hoà những sư tử, nghê, hoa lá…

Cầu đá trong chùa Bút Tháp. Ảnh: Khánh An

Quay ra tháp Cửu phẩm liên hoa – tháp hoa sen 9 tầng để chiêm nghiệm về cõi tu hành và những kiến thức cao siêu của Phật học. Tháp cao 9 tầng hình đài sen, 8 mặt đều nhau thể hiện 8 phương nhà Phật. 9 tầng tháp cũng tượng trưng cho 9 cấp tu thành chính quả của Phật giáo, đặc biệt tháp Cửu phẩm liên hoa còn quay được mà không phát ra tiếng kêu, mỗi vòng quay tương ứng với 3.542.400 câu cầu niệm của nhà Phật.

Chùa Bút Tháp là điểm du lịch, nghiên cứu mang tính nhân văn. Nơi đây là chốn chôn cất xá lị của nhiều vị thiền sư nổi danh xứ Kinh Bắc khi nền Phật giáo hưng thịnh nhất. Tháp Báo Nghiêm – công trình kiến trúc tuyệt mĩ 8 mặt, 5tầng, cao 13m là nơi đặt xá lị của thiền sư Chuyết Chuyết. Tháp Tôn Đức 5 tầng cao là nơi đặt xá lị của sư Minh Hạnh – vị tổ thứ 2 của chùa.

Bút Tháp đẹp như tranh vẽ bởi phong cảnh làng quê, đồng ruộng và lối kiến trúc tinh xảo đượm màu cảnh giới. Mái ngói chùa cong rêu phong cổ kính nhấp nhô giữa màu xanh cây lá. Đến Bút Tháp giữa trưa, du khách sẽ cảm nhận được không gian mát mẻ và thanh tĩnh lạ kỳ.

Trong chùa nhiều loại cây, hoa đại, hoa sen, mẫu đơn…đặc biệt là hoa cau – những dãy dài hun hút, thân cau cao, mốc thếch trải một màu xanh mát giữa những hàng lan can đá xanh trạm khắc rất hữu tình. Những nghê, rồng, loan phượng xen lẫn cỏ cây, hoa lá sinh động, phiêu dật thổi hồn vào đá. Người Việt tâm linh, ngắm cảnh chùa lòng thấy tĩnh lại. Nghĩ đến một điều gì đó xa lắm, phải chăng là nhân sinh…

Khánh An (vnexpress.net)


Bình luận (0)