Trong quần thể di sản Phong Nha – Kẻ Bàng (Quảng Bình) có con sông Chày xanh biếc, đẹp thuần khiết, có hang Tối nguyên sơ với “ánh sáng tối” mê hoặc kỳ lạ. Sự vận động của địa mạo, địa chất từ 400 triệu năm trước đã tạo nên sự ngoạn mục độc nhất vô nhị của Vườn Quốc gia này.
Xanh biếc sông Chày
Từ bến thuyền Phong Nha đi chừng 10 cây số là đến sông Chày, hang Tối. Hai bên bờ sông, bờ bãi hoang sơ đến ngỡ ngàng.
Xanh biếc sông Chày |
Du khách sẽ bắt gặp trên bến sông này hình ảnh những thiếu nữ của làng Trằm, làng Mé (Sơn Trạch, Bố Trạch) mỗi sớm ra bờ sông chao chân giặt giũ, soi mình trong màu xanh kỳ diệu của nước sông.
Sông nép mình dưới rặng núi đá vôi hùng vĩ, lặng lẽ chảy bên tàng cây cổ thụ, rồi tung mình qua bãi bồi nương ngô trên vùng cao xanh thẳm.
Sông Chày có nơi sâu đến hai chục mét, lòng sông là trầm tích của đá vôi chất đầy đôi bờ. Nước sông xanh kỳ lạ, tạo cho du khách có cảm giác không nước sông nào xanh bằng.
Một số nhà nghiên cứu giải thích do núi đá vôi bị bào mòn, can xi hòa tan từ hàng triệu năm nay làm cho dòng nước mãi xanh bất tận.
Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, một thứ vi khuẩn tảo ăn vào đá vôi của con sông đã tạo ra ni tơ làm xanh nước sông. Không biết quan điểm nào đúng, nhưng có đi trên sông Chày chúng ta mới cảm nhận được màu xanh của nó biếc hơn cả da trời.
Hai bờ sông được kết tuyến bởi vô số bờ bãi đá vôi. Nước chảy không mệt mõi từ ngàn xưa đã đẽo gọt đá vôi thành những “kiến trúc” trông rất lạ mắt.
Buổi sáng, những tàng cây sung cổ thụ soi mình xuống sông khoe dáng, đẹp như bức tranh thủy mặc. Không những đẹp, sông Chày còn chứa khu hệ cá quan trọng bậc nhất của Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng.
Những loài cá ton, cá mát, cá leo, cá chình cờ hoa, cá mòi cờ hoa và hàng chục loài cá có nguồn gốc từ biển sống ở đây là sự độc đáo của con sông chảy giữa núi rừng di sản. Có hai loài cá nằm trong sách đỏ thế giới sống ở đây là cá chình hoa và cá mòi cờ hoa đã gây sửng sốt các nhà ngư loại học thế giới.
Dưới sông Chày, trước đây do bị đánh bắt nhiều nên có một loài tôm gần như vắng bóng, đó là tôm cộng. Thịt loài tôm nước ngọt này ăn ngon đến lạ lùng.
Từ khi chính quyền có lệnh cấm đánh bắt các loài thủy sinh trong Di sản Phong Nha – Kẻ Bàng, tôm cộng được cứu và sinh sôi ngày càng nhiều. Ai từng ăn tôm cộng thì không thể quên được cái ngọt sương, ngọt nước của nó, càng không thể quên con sông Chày ngàn năm xanh biếc.
Nguyên sơ hang Tối
Ngược nguồn sông Chày vài cây số là đến hang Tối. Hang có cửa hình chóp cao 30 mét, rộng 10 mét, dài đến 5.283 mét, bên trong “đại sảnh” rộng như thánh đường có trần cao hàng chục mét.
Lung linh hang Tối |
Hang Tối là tên được đoàn thám hiểm hang động Hoàng gia Anh đặt, bởi “ánh sáng tối” trong hang như đặc quánh lại khiến người ta ngỡ như có thể tay chạm vào được.
Cũng có người giải thích, đây là hang động cổ xưa nhất trong vùng di sản, tuổi của nó đã hơn 460 triệu năm, nên mới gọi là hang Tối. Thạch nhũ trong hang không kỳ vĩ, tráng lệ như những hang động khác, nhưng nó là mẫu chuẩn của dạng thạch nhũ hóa thạch từ xa xưa.
Chính nhờ hang Tối mà các nhà khoa học biết được khối núi đá vôi Kẻ Bàng có nguốn gốc từ đại dương cổ đại. Những vận động kiến tạo từ xa xưa đã nâng đáy biển lên, hàng tỷ tỷ loài nhuyễn thể có vỏ chết đi tạo ra khối núi đá vôi Kẻ Bàng là di sản thiên nhiên thế giới hôm nay.
Hang Tối còn là nơi cung cấp mẫu chuẩn nhất về loài cua hoàn toàn mới trên thế giới mà mẫu của nó hiện đang được trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Singapore.
Ngoài hang Tối, các nhà khoa học đã chọn thêm động Phong Nha và Tiên Sơn làm cuộc điều tra. Họ thu được 248 cá thể, gồm 41 loài từ ba hang động và họ khẳng định ở hang Tối ghi nhận được nhiều loài khác với các loài ở Phong Nha và Tiên Sơn.
Có 58% trên tổng số loài tìm được có mặt ở hang Tối, trong khi tỷ lệ này ở động Phong Nha là 55% và Tiên Sơn là 44%”.
Ở hang Tối còn có một câu chuyện tuyệt vời về sự di cư của loài dương xỉ sinh sống trong thạch nhũ. Đó là câu chuyện truyền kỳ của cây cỏ đối với môi trường sống khắc nghiệt.
Ngay sau cửa hang có một cột thạch nhũ khổng lồ, phía mặt của nó hứng ánh sáng mặt trời, chính ánh sáng đã kích thích độ ẩm và tạo điều kiện cho rêu tảo xuất hiện.
Từ đó những mầm sống của dương xỉ bám vào và sinh trưởng. Nhưng từ đâu những loài thực vật lại “có chân” để di biến vào hang động là một câu chuyện của các nhà nghiên cứu vừa khám phá. Chính gió đã đưa mầm sống của dương xỉ vào từng hốc ngách của thạch nhũ cổ xưa.
Chuyện “di cư” của dương xỉ là nhờ các yếu tố tự nhiên, nhưng chúng sống được trên thạch nhũ là một kinh nghiệm mà con người cần biết.
Các nhà khoa học kham phá dương xỉ tìm kiếm dinh dưỡng từ thạch nhũ là cả một câu chuyện phi thường, rễ của chúng tiết ra một loại a xít bào mòn lớp ngoài thạch nhũ thành chất mùn hữu cơ và chúng lấy năng lượng ở đó cùng cách quang hợp ánh sáng mà các loài thực vật vẫn làm.
Sông Chày – hang Tối không đơn giản là cảnh quan mà thật sự là một kho kiến thức với những ai muốn khám phá về địa mạo, địa chất và đa dạng sinh học.
HÀN THƯ / DNSG
Bình luận (0)